Tư vấn trực tuyến với chủ đề "Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp" có sự góp mặt của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia); PGS. TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - đơn vị chủ trì và đi đầu trong công tác thành lập, triển khai mô hình trạm y tế lưu động tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho chuyên gia dưới bài viết hoặc tại đây. Chương trình phát trực tuyến 14h ngày 31/10 trên Fanpage VnExpress.
Đại diện phía hiệp hội, doanh nghiệp là ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM; ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM; ông Lê Đình Hội - Tổng Giám Đốc Công ty QSR Việt Nam... Dẫn dắt chương trình là Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV).
"Năng lực y tế doanh nghiệp" là bài toán nan giải trong trạng thái "bình thường mới". Tự thân doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc cải thiện, thiết lập và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng các mô hình y tế mới, qua đó đáp ứng mục tiêu thích ứng an toàn, hiệu quả cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng phần lớn doanh nghiệp Việt xác định được nhu cầu nhưng vẫn lúng túng trong khâu thực thi. Họ cũng băn khoăn về bài toán đầu tư để có thể hình thành, vận hành hiệu quả một khía cạnh năng lực mới cho công ty mình.
Tại buổi tư vấn trực tuyến, các khách mời sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và gợi ý doanh nghiệp các giải pháp tăng năng lực y tế, thích ứng với bối cảnh mới, bảo vệ người lao động và duy trì chuỗi cung ứng.
Chuyên gia cũng bàn về những vấn đề liên quan đến việc tạo lập một môi trường làm việc an toàn - bí quyết giữ chân lao động hiệu quả, nhất là những đơn vị duy trì "ba tại chỗ". Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chuỗi, chéo khi tái sản xuất?
Trong dịch, mô hình "trạm y tế lưu động" được ứng dụng ở một số tỉnh phía Nam, đạt một số thành công nhất định, là giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp với hệ thống y tế địa phương, hỗ trợ trực tiếp người nhiễm, nghi nhiễm và góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19 tuyến trên. Doanh nghiệp có thể rút ra bài học gì hay vận dụng mô hình trạm y tế lưu động thế nào?
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để cải thiện công tác y tế tại đơn vị, cụ thể hơn là năng lực phần cứng (về cơ sở vật chất, thuốc men...) và năng lực phần mềm (về tuyển dụng, kỹ năng và nghiệp vụ của nhân viên y tế...). Làm sao để hình thành hoặc có được quy trình y tế, vận hành an toàn cho loại hình nhà hàng, dịch vụ ăn uống, bán lẻ...
Hiếu Châu