Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Tham gia chương trình có Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc - Bệnh viện Phổi Trung ương, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính - Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, nhiều dữ liệu đo chất lượng không khí cho thấy chất lượng không khí nửa cuối tháng 9 vừa qua kém đi rất nhiều so với cùng kỳ vài năm trước. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên Môi trường về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9 (18 ngày) cho biết, chỉ số bụi PM2.5 ( loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) liên tục cao hơn 50 - ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013.
Tại TP HCM, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường đo tại 30 vị trí trong tháng 9 cho thấy các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... tăng đột biến trong các ngày 18 đến 20/9. Đặc biệt, ngày 20/9 bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần. Kết quả này công bố sau 8 ngày bầu trời Sài Gòn liên tục bị mù bao phủ, ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10; PM 2.5 tăng từ 1,9 lên 2,2 lần.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc - Bệnh viện Phổi Trung ương.
WHO thống kê, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí mỗi năm. Nguyên nhân ô nhiễm không khí chính là do đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch, cũng là nhân tố chủ yếu gây biến đổi khí hậu.
Trong hệ hô hấp, mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường ngoài nên dễ viêm nhiễm khi thay đổi về thời tiết hay ô nhiễm không khí. Đường hô hấp trên bị ảnh hưởng gây các triệu chứng nghẹt sổ mũi, viêm xoang, nhức đầu, tăng tình trạng dị ứng. Bệnh lý mũi xoang sẽ gây ảnh hưởng đến các bệnh lý liên quan ở vùng họng và tai. Ô nhiễm không khí sẽ gây viêm họng đau rát, xuất tiết ở họng, lan đến vùng thanh quản phía dưới.
Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở, nguy hiểm hơn với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.
Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi, gây gia tăng viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi...
Các bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ bản thân, mọi người chú ý ăn uống, vệ sinh mũi họng hàng ngày, trước nguy hại của bụi siêu mịn, người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường để giảm bớt tiếp xúc với khói bụi, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính - Bệnh viện Phổi Trung ương.
Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, cửa hàng xăng dầu...cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, người dân kết hợp tập luyện hể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng, xây dựng chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa... vào bữa ăn hàng ngày.
Hầu hết máy lọc không khí đều có tính năng chính là lọc bụi mịn PM2.5, việc sử dụng tại nhà, nơi làm việc sẽ giúp cải thiện sức khỏe đáng kể trong tình trạng ô nhiễm hiện nay. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn khẩu trang phải ôm sát mặt, làm từ chất liệu có khả năng lọc 95-99% các loại bụi trong không khí, có độ thoáng giúp hô hấp dễ dàng.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường.
Những thắc mắc liên quan không khí ô nhiễm, phương pháp bảo vệ sức khỏe trước tình trạng này, cách vệ sinh tai mũi họng... sẽ được Phó giáo sư, tiến sĩ, Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc - Bệnh viện Phổi Trung Ương, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởn khoa Bệnh Phổi mạn tính - Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường. vào lúc 14h ngày 18/10 trên VnExpress.
Hiện, ngoài giữ chức vụ là Phó giám đốc của Bệnh viện Phổi Trung ương, bác sĩ Vũ Xuân Phú là Tổng thư ký kiêm chánh văn phòng của Hội lao và bệnh phổi Việt Nam. Ông là một trong những bác sĩ có tay nghề và chuyên môn cao tại bệnh viện, đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa các bệnh lý liên quan đến hệ thống hô hấp.
Ngọc Thi