Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, Trưởng khoa điều trị số 2 Bệnh viện da liễu TP HCM. |
Mời đặt câu hỏi tại đây.
Khoảng 2% dân số thế giới bị bệnh vảy nến, 10-12% mắc bệnh chàm (Eczema). Từ người lớn đến trẻ con, không phân biệt giới tính, đều có thể mang bệnh.
Vảy nến là bệnh mãn tính, không lây lan, tái phát và có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của người bệnh.
Đặc điểm của bệnh là da nổi những mảng màu hồng, trên bề mặt phủ nhiều vảy trắng bạc, ở rải rác trên da và da đầu, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh thường kèm theo ngứa.
Nguyên nhân gây bệnh là do yếu tố di truyền và rối loạn hệ thống miễn dịch. Nam và nữ đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên tỷ lệ trẻ con ít hơn. Việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn, có thể kiểm soát bệnh được nhưng khó khỏi hẳn. Bệnh diễn tiến từng cơn, có lúc bộc phát, lúc thuyên giảm, khi hết tổn thương có thể để lại dát màu trắng hay màu sẫm. Bệnh có thể gây biến chứng đỏ da toàn thân, tổn thương hay biến dạng các khớp xương...
Còn chàm (Eczema) còn gọi là viêm da (Dermatitis), 10-12% dân số mắc bệnh này. Chàm có triệu chứng là mảng màu hồng, mụn nước rất ngứa sau đó vỡ đóng mày và cuối cùng da của vùng tổn thương bị dày lên. Bệnh này thường hay tái phát, xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở da mặt, bàn tay, trên thân mình... Chàm thể tạng thường ở các nếp gấp: cổ, nếp dưới vú, nếp khuỷu, mu bàn chân, mặt duỗi của chi…, làm da hay bị khô đóng vảy.
Nguyên nhân bệnh sinh của chàm chưa rõ, nhưng các bác sĩ cho rằng bệnh liên quan đến phản ứng tăng cảm miễn dịch tế bào, do 2 yếu tố: cơ địa hoặc dị ứng bởi thức ăn, yếu tố môi trường... Bệnh có thể di truyền, 70% bệnh nhân có tiền căn cá nhân hay gia đình bị dị ứng, suyễn, viêm mũi dị ứng hay chàm thể tạng. Chàm thường gặp ở 3 lứa tuổi: trẻ nhũ nhi (chàm sữa), trẻ em và người lớn.
Cả vảy nến và chàm đều dễ tái phát, khó chữa dứt điểm. Do đó nếu hiểu rõ căn bệnh thì chúng ta có thể kiểm soát và quản lý bệnh được tốt hơn.
Cao Quang