Trong tập hồ sơ dày hàng trăm trang này, các luật sư đưa ra những chứng cứ khẳng định chất da cam có dioxin chứa nhiều độc tố vượt quá mức cho phép sử dụng nhiều lần. Hàng triệu người dân Việt Nam đã bị ảnh hưởng, cả vùng đất rộng lớn và môi trường của Việt Nam cũng bị nhiễm độc. Với những chứng cứ này, các luật sư khẳng định việc sử dụng chất diệt cỏ có nhiều độc tố là vì phạm luật quốc tế. Các công ty sản xuất hóa chất phải nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân cũng như thực hiện việc tẩy độc tại những vùng chịu hậu quả của chất da cam.
Mới đây, Hội nạn nhân Chất độc da cam Việt Nam đã trao đổi, đánh giá về tình hình nhiễm dioxin tại Việt Nam với nhà khoa học Đức Olaf Papke - phụ trách phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới chuyên phân tích dioxin. Ông Olaf Papke cho biết, trong số mẫu mà phòng thí nghiệm đã lưu giữ và phân tích có rất nhiều mẫu dioxin của Việt Nam được lấy ở những vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc da cam/dioxin. Đây là những bằng chứng rất quan trọng giúp các nhà khoa học phân tích, đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan để sớm làm rõ vấn đề dioxin ở Việt Nam.
Các luật sư tin rằng với những chứng cứ, tài liệu họ sẽ có khả năng bác lại những luận điểm của tòa sơ thẩm, thuyết phục tòa phúc thẩm tiếp nhận vụ kiện.
Theo quy định, sau khi nhận được văn bản của bên nguyên, và văn bản trả lời của bên bị, tòa phúc thẩm sẽ tổ chức để luật sư hai bên thương lượng hoặc tổ chức các phiên tranh tụng (dự kiến vào mùa hè năm sau) để hai bên trình bày quan điểm và lập luận của mình về vụ kiện.
Đầu tháng 11, theo lời mời của Phong trào Cứu trợ và trách nhiệm Mỹ và Phong trào cựu chiến binh Mỹ, GS Nguyễn Trọng Nhân, Phó chủ tịch Hội, sẽ cùng 3 nạn nhân chất độc da cam sang Mỹ để tiến hành cuộc vận động dư luận quốc tế.
Trịnh Vũ