Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là thày dạy nhạc, các anh đều là những nhạc công giỏi nghề, Ánh Tuyết đã "nhiễm" máu nghệ thuật từ nhỏ. Theo cách nói của ông Trần Xuân, thân phụ và cũng là người thày đầu tiên của Ánh Tuyết: "Con bé này biết hát trước khi biết nói".
Lên 3 tuổi, bé Tiếc (tên thật của Ánh Tuyết) đã len lỏi, học ké những giờ dạy nhạc của ba, ngày nào cũng ê a theo mẹ ca những bài hát của Phạm Duy, Hoàng Giác... và 8 tuổi đã có thể hát thành thục Tình hoài hương, Tình cố đô. Nhưng chỉ vì tội... quá gầy nên Trần Thị Tiếc luôn bị cô giáo từ chối, không cho tham gia bất kỳ cuộc thi âm nhạc nào. Chỉ một lần nắm được cơ hội hiếm hoi tại Hội thi Văn nghệ của Hướng đạo VN tại Đà Nẵng, đại diện cho nhóm hát Tuổi thơ, Tiếc đơn ca bài Quê hương của Hoàng Giác và đăng quang trong sự thán phục tuyệt đối của Hội đồng giám khảo.
Kể từ đó và suốt những năm 1970, ở thị xã Hội An, ngay cả người lớn cũng phải nghiêng mình trước giọng hát trong trẻo, cao vút của "Bé Mèo". Bạn bè cùng trang lứa thấy chị xuất hiện trong cuộc thi hát nào cũng đùa: "Mấy đứa khác khỏi thi cho mất công".
Ánh Tuyết khi hát ở đoàn Hải Đăng (Khánh Hòa). |
Chặng đường ca hát chuyên nghiệp của Ánh Tuyết thực sự bắt đầu từ năm 1969. Tới năm 1978, chị đầu quân về đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng. "Thời gian này, ai yêu cầu gì, hát đó. Cứ lên sân khấu 2 bài thì một bài đằm thắm và một bài giựt", chị kể. Một năm sau, Ánh Tuyết quyết định đầu tư cho nghề nghiệp của mình một cách nghiêm túc bằng học vấn và khăn gói ra học Nhạc viện Huế. Khi đã có trong tay tấm bằng thanh nhạc, chị đầu quân về đoàn Hải Đăng của Khánh Hoà. Suốt thời gian này Ánh Tuyết luôn là "vơ đét".
Những ngày vật vã với nghề hát của chị chỉ bắt đầu khi bước chân vào TP HCM, năm 1990. Chạm ngõ Sài thành, thay vì theo những trào lưu nhạc sôi động đang thịnh hành, Ánh Tuyết chọn chất trữ tình của dòng nhạc tiền chiến. Tên tuổi Ánh Tuyết lúc bấy giờ không ai biết, những ông chủ phòng trà cũng không thèm để ý đến một giọng ca trẻ không mặn mà lắm về nhan sắc. Vậy là những ngày xa nhà của Ánh Tuyết thường xuyên lâm vào cảnh thiếu tiền và... đói. "Rồi cũng được hát, nhưng không phải thường xuyên. Có những ngày phải đi bộ đến tụ điểm, đứng chờ mỏi mòn cuối cùng được thông báo "hết chỗ rồi". Thế là đi bộ về nhà trong bụng trống rỗng. Cũng may dễ nuôi nên còn sống sót", chị ôn nghèo kể khổ bằng giọng vui vẻ.
Ánh Tuyết đến với nhạc Văn Cao như duyên trời định. Tháng 7/1993, chị được mời hát trong chương trình riêng của ông. Vốn nằm lòng từng câu, từng chữ và thấm nhuần cái hồn Thiên Thai, Buồn tàn thu... từ nhỏ, Ánh Tuyết hát như rút ruột. Chị đâu ngờ, hôm đó cũng có Văn Cao ngồi nghe. Ông đã vui đến trào nước mắt vì có người hát nhạc của mình hay đến vậy. Báo chí sau đó đồng loạt viết về Ánh Tuyết như một hiện tượng trong làng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt với những ca khúc của Văn Cao.
Một năm sau, chị mới có dịp gặp người đã có những nhạc phẩm chắp cánh cho giọng ca của mình. Ánh Tuyết còn nhớ như in câu nói đùa của nhạc sĩ: "Đầu đời, nhạc Văn Cao có Kim Tiêu... nhưng lại bị "tiêu" quá sớm. Không ngờ cuối đời nhạc Văn Cao lại có Ánh Tuyết". Lúc đó, chị "sướng cả người" song chỉ dám e dè: "Nhưng thưa chú, Ánh Tuyết thì cũng chỉ mới ánh thôi, tuyết rồi thì cũng sẽ tan". Văn Cao vỗ đầu khen: "Con bé này khéo nói lắm".
Nhiều năm sau, Ánh Tuyết thấy câu nói này quả đã linh nghiệm với cuộc đời mình. Bao nhiêu lận đận vẫn đến, dù giọng ca của chị đã được nhiều người biết đến và yêu mến. Chị nói: "Mặt trời thì chỉ chiếu sáng ban ngày, trăng chỉ tròn đúng một lần mỗi tháng, nên tuyết muốn ánh đành phải tự ngoi lên trước khi bị lớp tuyết khác vùi lấp". Và mặc mọi sóng gió, chị quyết tâm đi đến tận cùng niềm đam mê.
Ca sĩ Ánh Tuyết. |
Gom góp số tiền có được sau 30 năm đi hát, tháng 5/2001, chị quyết định thành lập phòng trà ATB và ban nhạc cùng tên. Từ đây, Ánh Tuyết có chỗ đi về và những khán giả yêu mến tiếng hát của chị cũng có một không gian ấm cúng để thưởng thức nhạc. Ánh Tuyết nói rằng, chỉ "làm" phòng trà để phục vụ niềm đam mê, tâm huyết của chị. Nhưng sau này khi phòng trà bắt đầu rộ tại TP HCM, mọi người mới ý thức rằng Ánh Tuyết còn làm được nhiều hơn vai trò của một bà chủ phòng trà. Chị đã tạo một nơi "sống" cho anh chị em đồng nghiệp, có cùng quan điểm, chí hướng với mình. Cũng từ đây mà những giọng ca trẻ như: Xuân Phú, Đức Tuấn, AC&M... đến được với khán giả một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn.
Kỷ niệm 35 năm ca hát, Ánh Tuyết sẽ tổ chức 4 đêm diễn tại phòng trà ATB. Đây là thời điểm để chị cùng khán giả yêu quý mình nhìn lại chặng đường ca hát dài gần nửa đời người. Nói về tương lai, Ánh Tuyết từ tốn: "Tôi sẽ hát chừng nào khán giả còn nghe giọng mình".
Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây.
Đỗ Duy