Cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ GD&ĐT sẽ được tổ chức vào chiều nay, sau một lần hoãn. Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết, trong buổi họp báo, Bộ sẽ công bố phương án thi quốc gia năm 2015.
"Phương án một kỳ thi quốc gia chung không theo hẳn một phương án nào Bộ đã công khai lấy ý kiến, nhưng vẫn đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng", Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho hay.
Trước đó ngày 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục công bố ngay phương án thi trong đầu năm học 2014-2015 trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận góp ý về 3 phương án mà Bộ đang xin ý kiến và các phương án khác, trong đó lưu ý phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh, phương án được lựa chọn phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao.
Ba phương án Bộ Giáo dục đã xin ý kiến của nhân dân là: Phương án 1 thi theo môn gồm 8 môn Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Phương án 2 là thi theo bài. Theo đó 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội.
Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm bài thi Toán – Tin; Bài thi Khoa học tự nhiên; Bài thi Khoa học xã hội; Bài thi Ngoại ngữ.
Ngày 20/8, tại hội nghị của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố dự thảo đổi mới thi của trường, cũng là phương án đề xuất cho một kỳ thi quốc gia chung. Phương án này nhận được sự đồng tình của đa số chuyên gia giáo dục.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội lựa chọn đổi mới tuyển sinh theo hình thức tương tự Mỹ, có cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện đặc thù của Việt Nam. Theo đó, thí sinh phải làm bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như bài thi SAT 1 và SAT 2 của Mỹ).
Đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung (tương tự như SAT 1) là đề thi trắc nghiệm với cấu trúc đầy đủ 4 hợp phần là: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tổng số có 180 câu trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 215 phút (trong một buổi). Trọng số theo mức năng lực là 20% dễ, 60% trung bình và 20% khó. Nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện 3 năm THPT, phần lớn ở lớp 12. Bài thi được chấm theo 4 đầu điểm riêng rẽ của 4 hợp phần.
Sau khi có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung, một số trường đại học có thể thực hiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như SAT 2 của Mỹ) nhằm đánh giá năng lực và kiến thức để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học. Ví dụ những em thi vào khối các ngành KHTN - Công nghệ như Toán học, Cơ học, CNTT… có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là Toán, các em chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là Hóa... Các môn thi chuyên biệt này do Hội đồng Khoa học và Đào tạo của từng trường xem xét, quyết định cho từng ngành, nhóm ngành, lĩnh vực. Các ứng viên chỉ thi một bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Hoàng Thùy