Một cặp vợ chồng Hàn Việt. Ảnh: AFP. |
Một chút lừa dối theo gợi ý của các trung tâm môi giới hôn nhân vốn luôn muốn kiếm thêm phí và hút khách có thể giúp những người đàn ông này dễ dàng tìm được vợ, nhưng cũng đẩy họ vào nguy cơ một tương lai không mấy hạnh phúc.
"Niềm tin của những cặp vợ chồng kiểu này tan vỡ ngay sau khi kết hôn bởi trò lừa gạt đó. Vì không có sự tin tưởng tối thiểu, tình hình chỉ thêm trầm trọng", bà Kim Yi-seon thuộc Trung tâm Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc bình luận.
Hồi đầu tháng, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ ngành môi giới hôn nhân ngoại. Chính những trung tâm này góp phần thay đổi về sắc tộc tại quốc gia vốn tự hào là thuần chủng nhất thế giới. Dịch vụ đó phất lên cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc và sự thay đổi trong lối sống và suy nghĩ ở xã hội được cho là rất bảo thủ này.
Tại Hàn Quốc, số nam giới cao hơn phụ nữ và phụ nữ thì ngày càng có xu hướng theo đuổi sự nghiệp và lơ đãng chuyện kết hôn. Và các chàng trai quê nhận ra rằng chỉ những cô gái ở các quốc gia nghèo hơn mới sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho họ.
Số đàn ông Hàn lấy vợ nước ngoài tăng gần gấp ba kể từ năm 2002. Năm ngoái, khoảng 8% các cuộc hôn nhân ở xứ kim chi có yếu tố nước ngoài. Hầu hết các mối duyên đó được kết bởi các trung tâm môi giới.
Đường dây nóng do chính phủ Hàn Quốc lập nên để giúp các cô dâu ngoại nhận được khoảng 1.000 cuộc gọi mỗi tháng. Người phụ trách đường dây này là Kwon Mi-kyung cho biết ngày càng nhiều cuộc gọi than phiền về bạo hành trong gia đình.
Vấn đề mà các cuộc hôn nhân dị chủng này thường gặp là bất đồng ngôn ngữ, khoảng cách tuổi tác và thiếu sự hiểu biết về văn hóa của nhau.
"Họ đi đến hôn nhân chỉ sau hai, ba ngày gặp gỡ, và chủ yếu dựa vào hình thức của cô gái. Sau đó họ mới gặp phải bất đồng về ngôn ngữ, lúc đó ngôn ngữ trở thành vấn đề", Kwon nhận định.
Chính phủ Hàn Quốc đã bỏ ra 23 triệu USD nhằm lấy lại trật tự trong ngành môi giới hôn nhân, xây dựng các chương trình giáo dục và trợ giúp các cô dâu ngoại. Kim cho biết bà hy vọng rằng chính sách này sẽ góp phần ngăn các trung tâm môi giới gợi ý khách hàng lừa những người vợ tương lai về danh phận thật cũng như địa vị xã hội của bản thân.
Theo Bộ Phúc lợi Hàn Quốc, số trung tâm môi giới hôn nhân ngoại là khoảng 1.000 nhưng trên thực tế, rất nhiều công ty hoạt động không giấy phép. Mỗi người đàn ông Hàn thường phải trả từ 10 đến 15 nghìn USD để tìm vợ ngoại và các cô dâu thường kém chồng từ 20 đến 30 tuổi.
"Người Hàn Quốc không hiểu về đa dạng văn hóa và vì thế, chính họ cũng cần phải học càng sớm càng tốt", Kwon nói.
Ngọc Sơn (theo Reuters)