Hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều người ôm mộng tiến thân vào làng giải trí. Giấc mơ của không ít trong số họ được nhen nhóm từ những tờ giấy quảng cáo "tuyển diễn viên", "cần gấp diễn viên quần chúng" dán đầy tại các điểm chờ xe bus, trên cây cột điện...
Tuy nhiên, họ không biết, đằng sau những lời mời gọi hấp dẫn đó là các đường dây lừa đảo tinh vi. Phóng viên QQ đã theo dõi, đột nhập tận nơi để tìm hiểu chiêu thức lừa đảo của các "công ty giải trí này".
Những con mồi khốn khổ
Mấy tháng trước, Quân nhìn thấy trên đường biển quảng cáo ghi: "Đoàn làm phim trực tiếp tuyển diễn viên. Yêu cầu đối với ứng viên thấp, lương cao. Diễn viên quần chúng 80 - 300 nhân dân tệ (260 nghìn - 1 triệu đồng) một ngày, nếu đi theo đoàn, mỗi tháng hưởng lương 3.800 - 8.000 tệ (12,7 - 26,8 triệu đồng). Trang điểm, thiết kế trang phục lương 6.000 tệ/tháng (20,1 triệu đồng)". Quân lập tức bị thu hút. Anh đăng ký tham gia, trong lòng khấp khởi hy vọng có ngày từ kẻ vô danh trở thành người nổi tiếng.
Khi đến nhận chỗ ở, Quân phải nộp một khoản tiền, bao gồm chi phí ăn, ở, phí quản lý, tiền vé vào nơi đóng phim... Tổng cộng 2.760 tệ (9,2 triệu đồng). "Ban đầu chúng tôi thỏa thuận mỗi ngày được ăn ba bữa nhưng bây giờ ngày một bữa đã là tốt lắm rồi". Bữa cơm của Quân cũng chỉ có vài món ăn không đủ dinh dưỡng. "Ngày nào đóng phim còn được ăn cùng đoàn phim. Còn nếu không có cảnh quay thì chỉ nằm ở phòng chờ và chỉ được ăn bữa trưa mà không có bữa sáng và tối", anh kể.
Nơi ở của Quân có tất cả 5 phòng, mỗi phòng hơn 10 m2. Căn phòng chỉ có giường và một lối đi hẹp. Các đồ dùng cá nhân, quần áo bày lộn xộn. Phòng không có lò sưởi, không có nơi tắm rửa. Ban ngày đóng phim, ban đêm chàng trai trẻ co ro, vật vờ chờ trời sáng.
Chiêu lừa của các "công ty ma"
Gia nhập "công ty giải trí", Quân nhiều ngày phải ngồi không vì không có cảnh quay. Lúc mới đến, một tuần anh có 3-4 ngày được đến phim trường. Nhưng từ tháng 11/2012, hầu như Quân không có việc làm. Tính từ tháng 10/2012 đến nay, thời gian Quân đóng phim không quá 15 ngày. Quân dần nhận ra rằng được đóng phim là một sự ban ân đối với những kẻ mới vào nghề.
"Ban đầu người ta bảo theo đoàn sẽ được 3.000 tệ mỗi tháng (hơn 10 triệu đồng). Nhưng thực tế tiền lương tính theo số ngày làm việc", Quân cho biết. Một ngày họ chỉ nhận được khoảng 30 tệ (hơn 100 nghìn đồng). Lúc đi nhận tiền, Quân và các diễn viên quần chúng khác thường bị khất hoặc bớt xén.
Ở trong khu nhà, Quân luôn thấp thỏm bị phạt tiền. Khu nhà đặt ra các quy định "không gây ồn ào, không tự ý rời nhà, không đưa bạn bè vào phòng...". Nếu vi phạm một trong các quy định trên, họ sẽ bị phạt tiền, mỗi lần phạt lên đến 50-100 tệ. Nếu có diễn viên nào không nghe lời, quản lý của khu ở sẽ dùng bạo lực răn đe.
Khi được hỏi tại sao không bỏ đi, Quân nói: "Tôi đã nộp phí rồi, không có tiền còn biết đi đâu?". Quân muốn đòi lại tiền của mình nhưng anh biết điều đó là không thể. Người trong khu nhà đến rồi lại đi. Rất nhiều người nộp vài nghìn tệ, đóng phim một vài ngày sau đó ngồi không. Không chịu nổi cảnh đói, khổ ở khu nhà, những người này đành ra đi mà không lấy lại được số tiền nộp ban đầu. "Lúc trước có một cô gái người Hà Nam đến đây, không chịu được cảnh này, cô ấy muốn nghỉ việc và đòi lại tiền. Bị quản lý quát mắng, dọa dẫm, cô gái ấy đành ngậm ngùi kéo hành lý đi khỏi", Quân kể.
Một phóng viên giả xin làm diễn viên quần chúng thâm nhập vào các trung tâm tuyển diễn viên. Khi đến một công ty, phóng viên và những người khác được gặp "đạo diễn". "Đạo diễn" này nói: "Chúng tôi bao ăn bao ở, đảm bảo các bạn được đóng phim. Sau khi ký hợp đồng, các bạn đã là nghệ sĩ rồi".
Tiếp đến, "đạo diễn" thao thao bất tuyệt về viễn cảnh: "Các bạn cứ làm diễn viên quần chúng trước đã, sau đó sẽ có cơ hội làm diễn viên khách mời. Làm diễn viên khách mời mỗi ngày vài trăm tệ. Chúng tôi đảm bảo ngày nào các bạn cũng được đóng phim, nếu có khả năng, bạn sẽ được giới thiệu để đóng nhiều hơn, khi đó, đóng phim với Thành Long cũng không thành vấn đề. Tuy nhiên, nếu không ký hợp đồng, các bạn sẽ không được hưởng những đãi ngộ này".
Phí ký hợp đồng là 4.800 tệ (hơn 16 triệu đồng). Phóng viên tỏ vẻ nghi ngại chưa quyết, "đạo diễn" nói: "Mỗi ngày chúng tôi chỉ ký hợp đồng với một số người nhất định. Nếu anh không nhanh tay, để đến chiều sẽ hết cơ hội. Anh cứ đặt cọc trước 400 tệ (khoảng 1,3 triệu đồng) đi". Khi phóng viên nói trong người không đủ 400 tệ, "đạo diễn" hạ giá xuống còn 200 (khoảng 670 nghìn đồng). Khi phóng viên nói trong người chỉ có 30 tệ, "đạo diễn" nhẫn nại hẹn gặp vào buổi chiều.
Tiểu Phàm là cô gái theo học ngành hóa trang ở Nam Kinh. Đọc được quảng cáo 6.000 nhân dân tệ một tháng cho công việc trợ lý hóa trang, cô đến Bắc Kinh. "Một người tự xưng là cô Tô gọi điện báo tôi đã qua vòng sơ khảo và bảo tôi nhập đoàn phim ở Bắc Kinh. Đến gặp cô Tô (khoảng 20 tuổi), Tiểu Phàm được thông báo vị trí trợ lý hóa trang đã tuyển đủ người, chỉ còn diễn viên quần chúng là thiếu. Thấy Tiểu Phàm do dự, cô Tô nói: "Làm diễn viên quần chúng rất có tương lai, nếu có biểu hiện tốt, có thể được diễn cùng các ngôi sao. Nếu diễn viên đó thấy bạn khá, có khi họ sẽ mời bạn làm người trang điểm riêng".
Tiểu Phàm xiêu lòng, cô quyết định ký hợp đồng. Cô Tô yêu cầu Tiểu Phàm nộp tiền ăn, tiền vào trường quay, tiền bảo vệ và gợi ý Tiểu Phàm học một lớp đào tạo diễn xuất cấp tốc với học phí là 9.800 tệ (gần 33 triệu đồng).
Qua một hồi mặc cả, Tiểu Phàm chỉ nộp 1.000 nhân dân tệ tiền ăn nhưng cô không được giữ phiếu thu tiền. Một tuần sau, Tiểu Phàm xin thôi việc, cô đòi lại tiền của mình thì bị yêu cầu trình phiếu thu. Tiểu Phàm lúc này mới biết mình bị lừa.
Nhà chức trách bất lực
Một trợ lý diễn viên không tỏ ra ngạc nhiên khi trả lời phỏng vấn: "Những tờ quảng cáo tuyển người đó đều là lừa đảo. Các đoàn làm phim hợp pháp không bao giờ tuyển diễn viên quần chúng qua các công ty quản lý thế này. Các bạn trẻ đừng quá mơ mộng thành ngôi sao, không đơn giản chút nào đâu".
Cán bộ của Tổ chức quản lý diễn viên quần chúng ở Bắc Kinh (thành lập năm 2006) bình thản khi nghe chuyện lừa đảo: "Thường thì chẳng tìm ra những công ty môi giới này, điện thoại cũng không được. Rất khó giải quyết". Một cán bộ khác cũng cho rằng đã bị lừa rồi, rất khó đòi lại tiền. "Xã hội là cả một đấu trường, lòng dạ người khó đoán, ai nấy đều cần biết phán đoán trước sự việc".
Một nhân viên ở đồn cảnh sát tỏ thái độ lạnh lùng khi được phóng viên phỏng vấn. "Trước đây chúng tôi cũng nhận được tố cáo của người bị lừa. Tốt nhất anh nên tìm đến Cục công an để hỏi về việc xử lý những vụ việc thế này".
Bà Lý - nhân viên ở Trung tâm tư vấn pháp luật Bắc Kinh - lý giải, diễn viên quần chúng ký hợp đồng với tạm thời với "công ty đen", như vậy họ đã thiết lập quan hệ làm ăn với nhau. Nhưng người đến xin việc không có trong tay các biên lai chứng từ, cho dù thực tế bị lừa, họ vẫn khó đòi quyền lợi bằng pháp luật. Bà Lý khuyên những người đến xin việc cẩn thận khi nộp bất cứ khoản tiền nào.
Bài báo trên QQ cho rằng những vụ lừa đảo đang diễn ra hằng ngày ở nơi mà những người trẻ đang vùng vẫy để thực hiện ước mơ. "Nhưng điều mà chúng tôi có thể làm hiện nay chỉ là vạch ra các chiêu lừa, kêu gọi cảnh giác và cầu chúc may mắn cho các bạn".
* Ảnh: Những người nhẹ dạ tan vỡ giấc mộng thành sao |
Hải Lan