Chiều 13/12/2005, bà Triệu Thị Hồng đi công tác hai ngày. Khi trở về, bà phát hiện trong nhà bị mất sợi dây chuyền, chiếc máy ảnh và 700 nhân dân tệ tiền mặt, tổng giá trị tài sản mất trộm gần 10.000 nhân dân tệ. Sáng hôm sau, bà Hồng báo cảnh sát huyện Định Biên, tỉnh Thiểm Tây.
Không giống những vụ trộm bình thường, hiện trường lần này rất lạ. Đồ đạc vẫn gọn gàng sạch sẽ, tủ và ngăn kéo không có dấu vết bị lục lọi rõ ràng. Tất cả vị trí thường động chạm tay vào như tay nắm cửa chính, cửa tủ đều được lau sạch, không tìm được dấu vân tay. Nền nhà sạch sẽ, không dấu chân hay dấu giầy.
Cách tên trộm đột nhập cũng khiến cảnh sát bối rối. Khóa cửa chính nguyên vẹn, không có dấu vết phá khóa hay mở khóa bằng kỹ thuật. Cửa sổ vẫn đóng, không dấu vết đột nhập qua đường cửa sổ.
Lúc này, bà Hồng tiết lộ có người cháu họ tên Kiều Lệ mới tốt nghiệp đại học và xin được việc ở Định Biên nên đến ở nhờ từ mấy tháng trước. Bình thường chỉ có hai cô cháu ở nhà. Sáng 13/12/2005, Lệ vẫn đi làm bình thường, lúc Hồng đi khỏi nhà Lệ vẫn chưa về, nhưng sau khi Hồng về lại không thấy Lệ đâu, gọi điện thoại thì thấy tắt máy. Vì vậy, bà nghi cháu gái là thủ phạm.
Các đồng nghiệp cho biết ngày 13/12/2005 Lệ vẫn đi làm bình thường, đến 17h30 thì về nhà, không có biểu hiện khác thường. Nhưng sau hôm ấy, Lệ không đến làm, cũng không ai trong công ty liên lạc được.
Kiều Lệ quê ở huyện Mễ Chi lân cận, là cô gái ngoan ngoãn, chăm chỉ, kết quả học tập rất tốt. Ra trường, Lệ trúng tuyển vào công ty viễn thông nổi tiếng. Bố của Lệ không tin con gái lại lấy trộm tài sản.
Qua điều tra, cảnh sát cũng có kết luận tương tự. Hồng mới đi làm vài tháng nhưng có mức lương tháng rất cao - đến 4.000 nhân dân tệ. Quan trọng nhất, túi xách và chìa khóa của Lệ vẫn để trong phòng, dưới gối còn có sổ tiết kiệm 10.000 tệ. Lệ không thể là người lấy trộm tài sản của Hồng, vậy lúc này Lệ ở đâu?
Theo thông tin nhà mạng, cả ngày 13/12/2005, Lệ chỉ gọi một cuộc điện thoại cho mẹ vào lúc 17h45. Mẹ Hồng cho biết gần như ngày nào Lệ đi làm về cũng nói chuyện với mẹ, nhưng sau ngày 13/12/2005 thì ngừng.
Cảnh sát quay lại hiện trường khám nghiệm lần hai và có phát hiện mới. Trên mặt đá ốp tường trong nhà vệ sinh có vết máu, được xác định là của Lệ. Tuy nhiên, vết máu trong nhà vệ sinh vẫn có khả năng là do có người đứt tay hoặc kinh nguyệt.
Bên cạnh vết máu, cảnh sát tìm thấy trên kệ bếp ga có con dao làm bếp. Bình thường con dao này được để trong giá để dao dưới gầm kệ bếp ga. Nhưng tình tiết này cũng không nói lên điều gì vì có thể Lệ quên không cất đi sau khi dùng dao làm thức ăn.
Dù vậy, hai chi tiết trên vẫn khiến cảnh sát quyết định mở hướng điều tra mới: Lệ có thể đã bị sát hại.
Đây là tòa nhà chung cư xung quanh có tường bao cao hơn hai mét. Cổng ra vào khu chung cư có bảo vệ gác 24/7h, bình thường tới 23h sẽ đóng cổng.
Theo bảo vệ trực, đêm 13/12/2005, khoảng 3h sáng có thanh niên ngoài 20 tuổi gọi mở cổng ra ngoài. Người thanh niên cao khoảng 1m7, nói giọng tỉnh Tây An. Anh ta tự xưng là khách đến chơi nhà bạn.
Cảnh sát lập tức nghi ngờ nam thanh niên này là bạn trai Lệ, người thành phố Bảo Kê giáp ranh với tỉnh Tây An nên cũng nói giọng Tây An. Không những giọng nói mà cả tuổi tác, chiều cao, dáng người của bạn trai Lệ đều tương đối phù hợp với mô tả của bảo vệ. Tuy nhiên, trong thời gian này bạn trai của Lệ được xác định là vẫn ở Bảo Kê, không đến Định Biên.
Tiếp theo, cảnh sát rà soát gần 100 người có quan hệ với Lệ gồm họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng tất cả đều lần lượt bị loại trừ. Lúc này, Lệ đã mất tích gần một năm.
Trong lúc điều tra bế tắc, bà Hồng chợt nhớ ra một chi tiết, khoảng 19h ngày 11/12/2006, hai cô cháu đang ở nhà thì bạn của bạn trai Hồng tới chơi. Người này có biệt danh Đông Bắc, trú thành phố Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ.
Đông Bắc nói có việc đi qua đây nhưng đang kẹt tiền, hỏi vay 50 nhân dân tệ, sau đó ra về. Đông Bắc là người đàn ông duy nhất từng ra vào nhà Hồng trong thời gian vài tuần trước vụ án.
Dù không có bằng chứng, cảnh sát vẫn lên đường tìm bạn trai Hồng ở khu tự trị Ninh Hạ. Bạn trai Hồng và Đông Bắc cùng trọ trong một khu nhà. Không ai biết tên tuổi, quê quán thật của Đông Bắc, chỉ biết người này nói giọng Đông Bắc nên lấy đó làm biệt hiệu. Lúc này Đông Bắc đã rời khỏi khu trọ, không ai biết hắn đi đâu.
Người duy nhất có thể biết tung tích của Đông Bắc là bạn gái hắn, tên Bình Bình, ở huyện Long Đức. Tuy nhiên, Bình đã rất lâu không về nhà, người nhà cũng không có cách nào liên lạc. Việc tìm kiếm kéo dài suốt nửa năm mới có kết quả.
Theo Bình, Đông Bắc tên thật là Quyền Uy, sinh năm 1975, quê ở Hắc Long Giang nhưng sống ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Ngày 10/12/2005, sau khi cãi nhau với bạn gái, Uy bỏ đi. 6 ngày sau, Uy quay lại nhưng dặn Bình "có ai hỏi hắn thì đừng nói gì". Uy sau đó thu dọn hành lý đi mất và cũng cắt liên lạc với Bình.
Cảnh sát nhập thông tin vào hệ thống, nhanh chóng tìm được tung tích của Uy. Uy bị giam từ tháng 8/2005 vì tội Hiếp dâm, đến nay vẫn ở trong tù. Trong thời gian này, hắn không đi chữa bệnh hay rời khỏi nhà tù vì lý do đặc biệt nào khác. Vậy người đến nhà Hồng ngày 11/12/2005 là ai? Khi được xem ảnh cảnh sát chụp trong tù, Bình khẳng định người trong ảnh chính là Uy. Cả Hồng cũng khẳng định đây chính là người đã đến nhà mình.
Cảnh sát tìm đến địa chỉ nhà Uy ở thành phố Lạc Dương, nhưng gia đình Uy đã chuyển đi nơi khác, không ai biết đi đâu. Nhưng khi hỏi thăm hàng xóm cũ, cảnh sát được biết Uy có người em song sinh tên Quyền Lực, từng đi tù trong năm 1995-2000 vì trộm cắp. Trong kho dữ liệu, Lực ngồi tù từ năm 2007 đến nay vì cướp tài sản.
Sau khi xác minh, cảnh sát phát hiện Uy và Lực đã đổi tên cho nhau. Thì ra, Lực ra tù năm 2000, đầu năm 2005 lại gây án. Theo luật pháp Trung Quốc, phạm tội trong 5 năm sau khi ra tù là tình tiết tăng nặng nên Lực lấy tên anh trai để tránh án tù nặng.
Đến lượt Uy, khi bị bắt vào năm 2007 vì tội cướp giật, hắn buộc phải lấy tên em trai vì trên giấy tờ, hắn vẫn đang thi hành án. Như vậy, khi vụ án xảy ra vào năm 2005, Uy vẫn tự do.
Đến lúc này, cảnh sát đã xác định được người đến nhà Hồng hôm đó đúng là Uy, nhưng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Uy có liên quan vụ mất tích của Lệ.
Lúc này là năm 2010, Lệ đã mất tích 5 năm. Cảnh sát quyết định xem lại toàn bộ vụ án, cuối cùng đưa ra giả thiết: Vết máu trên tường nhà vệ sinh có vẻ giống vết máu từ cây lau nhà. Phải dùng cây lau nhà để lau, chứng tỏ trước đó phải có rất nhiều máu.
Ngoài ra, con dao bếp trên kệ bếp ga có vết mẻ, có thể là do chặt phải vật cứng. Vì thế, rất có thể hung thủ đã sát hại Lệ, dùng dao phân tách xác, dùng cây lau nhà lau vết máu. Tuy nhiên đây chỉ là giả thiết, không thể chứng minh được điều gì.
Tháng 12/2011, cảnh sát tiếp tục lật lại hồ sơ vụ án. Cùng với sự phát triển của khoa học hình sự, những bằng chứng trước kia bị "ẩn nấp" lúc này có thể sẽ bị tìm ra. Cán và lưỡi dao không có ADN, nhưng giữa cán dao và lưỡi dao có vòng sắt. Cảnh sát cạo lớp gỗ trong vòng sắt đưa đến viện khoa học hình sự xét nghiệm, cuối cùng tìm được mô có ADN của Uy.
Trước bằng chứng không thể chối cãi, Uy khai nhận tối 13/12/2005 hết tiền nên quay lại nhà Hồng định vay thêm. Lúc này chỉ có Lệ ở nhà. Khi hai bên mâu thuẫn vì chuyện vay tiền, Uy bóp cổ Lệ, dọn dẹp đến hơn 2h sáng mới mang phi tang.
Theo lời khai của Uy, cảnh sát tìm được va ly chứa thi thể dưới đáy giếng cạn ở một công trường xây dựng.
Khang Diệp (Theo CCTV)