Những ngày gần đây, cộng đồng mạng chuyền tay nhau cảnh báo một hình thức lừa đảo không mới nhưng lại nở rộ vào mỗi dịp sắp Tết. Vì vé Tết luôn đắt hơn bình thường, hầu như không có vé rẻ, nên nhiều kẻ gian lợi dụng tâm lý "thèm" khuyến mãi của khách hàng để trục lợi.
Theo đó, những người này rao bán trên mạng vé máy bay Tết rẻ hơn bình thường và liên hệ với hành khách có nhu cầu. Nhiều người chủ quan nhờ các đại lý đặt vé, lại càng thấy yên tâm khi nhận được vé thật và kiểm tra với hãng thấy vé không có vấn đề gì.
Thực tế hiện nay Vietnam Airlines cho phép người đặt mua hoàn vé (với hạng vé thường trở lên), hoặc Vietjet Air cho phép đổi tên - chỉ cần mất vài trăm nghìn tiền phí. Lợi dụng kẽ hở này, một số đại lý sau khi bán vé cho khách đã âm thầm đi trả vé hoặc đổi tên vé để bán cho người khác. Vì họ là người đặt, nên việc trả vé, hoặc đổi tên đều hợp lệ. Chỉ khi ra đến sân bay, hành khách mới ngã ngửa rằng vé của mình không còn hiệu lực.
Một chiêu khác của đại lý là canh được vé rẻ, nhưng báo giá với khách cao hơn để ăn chênh lệch. Trên tấm vé máy bay không ghi giá vé, nên hành khách không biết giá vé thực tế là bao nhiêu. Khách mua có thể được nhận hóa đơn (tờ IR), nhưng đại lý đã sửa thông tin giá vé trên tờ này.
Với hình thức gian lận này, hành khách vẫn được vé và lên máy bay như bình thường, nhưng họ chịu thiệt một khoản chênh khá lớn và chỉ biết khi muốn đổi trả vé.
Vietnam Airlines đã ra nhiều hình thức phạt, cảnh cáo với các đại lý gian lận giá vé, nhưng hiện tượng này vẫn không có chiều hướng giảm. Thậm chí nhiều đại lý "cãi" rằng đây là điều hiển nhiên, khi họ đã mất công canh vé rẻ thì có quyền ăn thêm chút chênh lệch - ngoài số hoa hồng mà hãng đã chi.
Gần đây, một chiêu thức khác đang ngày một nở rộ là làm tên giả cho hành khách đi máy bay. Lợi dụng tâm lý ham vé rẻ, đại lý đã thuyết phục khách chịu "thay tên đổi họ" trong tờ giấy xác nhận nhân thân. Đổi lại, khách mua được vé rẻ mà đại lý đã canh từ trước với họ tên người mua do họ bịa sẵn.
Với hình thức gian lận này, khách không bị thiệt hại gì nếu lên máy bay trót lọt. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan an ninh hàng không đang ngày một siết chặt kiểm tra đối với hành khách đi lại bằng giấy xác nhận nhân thân. Từ cuối tháng 3 đến nay, các nhà chức trách đã phát hiện gần 30 trường hợp dùng tên giả đi máy bay. Khi bị phát hiện, khách chịu phạt một triệu đồng mỗi người.
Do việc xin cấp phép mở đại lý bán vé cấp dưới hiện nay khá dễ dàng, có hiện tượng đến gần Tết số lượng đại lý vé mở ra lại nở rộ rồi đóng lại sau khi mùa Tết kết thúc. Trong số đó, không ít đại lý mở ra chỉ để đi lừa đảo. Ngoài những hình thức trên, các đại lý gian dối còn nhiều chiêu ăn tiền khách hàng. Ví dụ, đại lý mua vé cho hành khách bằng tài khoản VISA "chùa". Dù vé này là vé thật, nhưng nếu hãng hàng không phát hiện vé mua bằng tài khoản ăn cắp trên mạng sẽ bị hủy. Một số đại lý khác lại giữ chỗ, thu tiền của hành khách rồi không xuất vé, hoặc có xuất vé nhưng không nộp lại tiền cho hãng nên vé bị hủy.
Để tránh hiện tượng lừa đảo, ăn chặn tiền, hành khách được khuyên nên đến các phòng vé của hãng, hoặc đại lý lớn có uy tín. Ngoài ra, họ cũng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng, chỉ mua khi người bán hoặc đại lý thực sự có uy tín trên cộng đồng.
Thanh Bình