VKSND tỉnh Điện Biên vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 9 bị can trong vụ án xảy ra tại dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên, về các tội: Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cả 9 người đều là cựu cán bộ nhà nước ở TP Điện Biên Phủ, gồm: ông Nguyễn Tuấn Anh, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ; Trần Thị Vân, cựu Giám đốc Trung tâm quản lý đất đai; Phạm Trung Kiên, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch; Trần Xuân Mạnh và Nguyễn Đình Hiệp, cùng là cựu Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường; Bùi Thị Ánh và Bùi Mạnh Cường, cùng là nhân viên Phòng Tài nguyên Môi trường; Trần Thị Hòa, kế toán Trung tâm quản lý đất đai và Nguyễn Thị Khương, nhân viên hợp đồng của Trung tâm này.
Vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên theo dõi, chỉ đạo và yêu cầu phải hoàn thành xét xử trong tháng 6. Hiện, TAND tỉnh Điện Biên chưa công bố lịch xét xử.
Cáo trạng thể hiện, tháng 8/2020, để thực hiện Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên giao Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ chủ trì đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Bà Khương là Trưởng nhóm kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Trong số này có hơn 230.000 m2 của Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên.
Không canh tác vẫn được bồi thường hoa màu
Bà Khương có nhiệm vụ cùng đại diện công ty, cán bộ địa chính và đại diện đơn vị đo đạc kiểm đếm cây cối hoa màu, tài sản trên đất bị thu hồi, khi này đều đã thu hoạch xong hết.
Bà lập phương án bồi thường mà không trực tiếp tìm hiểu người bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất trên diện tích đất bị thu hồi hay không. Bà không tổ chức niêm yết công khai phương án bồi thường và không tổ chức lấy ý kiến người bị thu hồi đất, cáo trạng nêu.
Phương án bồi thường sau đó vẫn được Giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai Trần Thị Vân ký duyệt, chuyển đến Phòng Tài chính thẩm định.
Trước việc dự toán bồi thường hoa màu vật nuôi mà không có nội dung cây trồng vật nuôi gì (do thực tế lúa đã thu hoạch xong), cán bộ Phòng Tài chính kế hoạch yêu cầu bổ sung. Bà Khương thuê một người viết thêm nội dung "hỗ trợ sản lượng lúa" vào 47 biên bản để hôm sau trình lại.
VKS cáo buộc, dù hồ sơ thiếu biên bản niêm yết công khai phương án bồi thường, ý kiến của người bị thu đất, xác nhận người bị thu hồi đất có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không ..., Phó Phòng Tài chính kế hoạch Phạm Trung Kiên vẫn ký duyệt, chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Hiệp ký và trình UBND TP mà không trực tiếp kiểm tra hồ sơ. Ngày 23/8/2021, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Tuấn Anh ký quyết định phương án bồi thường sai, gây thiệt hại cho Nhà nước 7 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Theo kết quả điều tra, trong lần lên phương án hỗ trợ đợt sau, với 48 công nhân nhận khoán đất của công ty, bà Khương lập xong phương án bồi thường chỉ trong một buổi trưa. Bà vẫn không thu thập thêm bất cứ tài liệu nào mà dựa hoàn toàn vào các số liệu sai lệch đợt trước. Việc làm này khiến nhà nước thiệt hại gần 6 tỷ đồng do bồi thường sai lệch.
VKS cáo buộc bà Khương lấy lý do "bồi dưỡng cho công nhân giải phóng mặt bằng làm việc vất vả" nên đề nghị Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên "ủng hộ" tiền. Khi công ty không đồng ý, bà Khương bị cáo buộc gây khó khăn bằng cách dừng chi trả tiền bồi thường cho 9 người của công ty này.
Lãnh đạo công ty hiểu việc này vì "không ủng hộ, cảm ơn" nên chủ động hẹn gặp bà Khương. Hai bên thống nhất, công ty sẽ phải chi 30% tiền bồi thường, (trích từ chính tiền công nhân của công ty được nhận) để "cảm ơn". Tổng cộng 1,85 tỷ đồng, cáo trạng nêu.
Tiền được cho vào một thùng giấy A4 niêm phong, bỏ vào túi đen to, giao trực tiếp cho bà Khương. Thực tế, 1,85 tỷ đồng không được dùng để "bồi dưỡng" cho người làm giải phóng mặt bằng mà bà Khương dùng mua xe máy, đặt cọc mua đất và gửi tiết kiệm ngân hàng, cơ quan tố tụng xác định.
Ngoài dự án trên, bị can Khương còn bị truy tố trong sai phạm thứ hai, liên quan dự án nâng cấp quốc lộ 279B. Sự việc khởi nguồn từ tháng 12/2020, khi Ban Bảo trì đường bộ (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên) đề nghị ký hợp đồng với Trung tâm quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ để giải phóng mặt bằng dự án.
Bà Khương gặp giám đốc Trung tâm Trần Thị Vân xin nhận dự án trên cho nhóm của mình. Hai người thỏa thuận, bà Khương phải trích lại 30% chi phí giải phóng mặt bằng được thanh toán cho Trung tâm (trích ngoài).
Bà Khương rủ thêm 10 người cùng làm (em ruột, con ruột, con dâu, người quen...) cùng làm. Do những người này chưa có tư cách pháp nhân, bà Vân đã nhận họ vào làm Trung tâm, ký hợp đồng thời vụ để hợp thức hóa, lương 4,5 triệu đồng.
Cáo trạng nêu 6/10 người này chỉ "tranh thủ" đi làm tối cuối tuần song vẫn được Trung tâm thanh toán đầy đủ, tổng 251 triệu đồng. Chưa kịp đưa lại 30% cho Vân, bà Khương bị bắt.
Sau khi Khương bị khởi tố, Trung tâm yêu cầu 6 người nộp lại số tiền song chưa cá nhân nào thực hiện.
Tổng thiệt hại được xác định trong vụ án là hơn 13 tỷ đồng, đến nay đã được khắc phục hơn 3 tỷ đồng, trong đó bà Khương nộp hơn 1,6 tỷ đồng.
Điện Biên là địa phương duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.
Từ 15/4, sân bay tạm thời được dừng khai thác để triển khai dự án mở rộng, nâng công suất từ 300.000 lên 500.000 khách mỗi năm.
Dự án có tổng đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.
Thanh Lam