From: Linh Nhi Pham
Sent: Thursday, April 24, 2008 3:59 PM
Subject: Tham gia chu de "me chong nang dau"
Chào Hoài,
Mặc dù bài viết của bạn đăng tải đã lâu và có rất nhiều người tham gia diễn đàn để góp ý cho bạn hay đơn giản là chia sẻ nỗi niềm của mình. Nhiều ý kiến đồng cảm và có cả những ý kiến mang tính giáo huấn, nghi ngờ về bản thân bạn theo kiểu “không có lửa làm sao có khói”.
Tôi cũng giống nhiều người là thông cảm với bạn. Tuy vậy, theo tôi bạn nên cân nhắc khi định ly hôn. Bạn phải trả lời cho được câu hỏi: bạn ly hôn vì không chịu nổi gia đình nhà chồng hay không chịu nổi chồng bạn?
Nếu câu trả lời của bạn là không chịu nổi chồng thì tôi không có gì để bàn nữa vì chẳng ai hiểu tình cảm của bạn hơn bạn và vì chồng phải là người bạn đời đi cùng ta đến hết cuộc đời.
Nếu câu trả lời của bạn là không chịu nổi nhà chồng thì tôi thấy bạn nên tính lại. Có nhiều cách để vượt qua sự khó chịu hằng ngày do cuộc sống chung với gia đình nhà chồng mang lại. Có thể là hơi khập khiễng nhưng tôi kể cho bạn một vài “chiêu” mà tôi đã áp dụng thành công nhé.
Trước đây, khi tôi mới bước chân về nhà chồng, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn và phải nói là “điêu đứng” trước thái độ, cách cư xử vô lý của bố mẹ chồng và em chồng. Khi ấy, vì yêu chồng và cũng vì tôi đã được bố mẹ tôi chỉ dạy khá chu đáo, tôi lại ưa đọc sách nên ít nhiều tôi cũng biết là phải nhịn để không đặt chồng tôi vào tình thế lựa chọn một bên là vợ, một bên là bố mẹ mình.
Tôi thử đặt mình vào vị trí của chồng để lựa chọn, phần nghiêng là về những bậc sinh thành, hy sinh cả cuộc đời cho mình có được ngày nay. Vậy, nếu để chồng phải chọn, anh ấy chọn tôi thì chắc tôi cũng kém tôn trọng anh ấy (vì là tôi thì tôi cũng chọn bố mẹ mà), nếu anh ấy chọn bố mẹ thì tôi sẽ buồn và cảm giác bị bỏ rơi. Thế thì tất yếu sẽ dẫn đến chuyện phân vân ly dị hay không (như bạn bây giờ).
Nhưng cách nhịn của tôi không đúng, tôi chỉ âm thầm chịu đựng một mình mà không kể với ai (tôi cũng sợ bố tôi buồn, lo cho tôi vì bố mẹ tôi có 4 người con mà chỉ có tôi là con gái, mẹ tôi lại mới mất trước khi tôi lập gia đình một thời gian). Điều này làm cho bố mẹ chồng và em gái chồng tôi càng được thể vì họ tưởng rằng họ đúng nên tôi không dám cãi và chồng tôi cũng không phản ứng gì.
Tôi cứ chịu đựng như vậy và không chỉ tôi khổ mà con tôi cũng phải khổ lây. Oái oăm nhất là cứ khi có chồng tôi thì thái độ mọi người với tôi và con tôi khác hẳn khi anh ấy vắng nhà.
Mọi chuyện thay đổi khi một lần tôi cũng bị chồng tôi quát thẳng vào mặt khi mở cửa cho tôi đi làm về muộn. Tôi quá sốc vì không ngờ cái giá cho sự nhẫn nhịn của tôi là như vậy và vì không nghĩ ra mình có lỗi gì. Cuối năm cơ quan nào cũng bận, tôi cùng đồng nghiệp phải làm thêm giờ để có thể kịp quyết toán tài chính cho các công trình của công ty.
Tôi đã báo trước và nhờ bố mẹ chồng đón giúp cháu từ nhà trẻ về, còn tôi muộn mấy vẫn phải chạy qua chợ mua thức ăn. Chồng tôi thì chưa bao giờ về trước tôi và tham gia bất cứ việc gì trong nhà. Không phải anh không thương tôi, nhưng tôi cứ nhờ anh việc gì là mẹ chồng tôi lại tranh làm và nói mát là “con trai tôi có hiếu với vợ quá” và rằng “con đi làm vất vả cả ngày rồi, việc này con không phải làm”… Tôi cũng rất ức chế vì tôi cũng đi làm cả ngày, về nhà mọi việc đổ lên đầu tôi. Vậy mà chỉ 1 ngày đi làm về sau chồng mà tôi bị anh ấy quát mắng.
Sau này khi hỏi lại thì ra hôm đó bố chồng tôi đã cố tình điện thoại gọi chồng tôi về sớm và kể lể là tôi khinh ông bà (vì gia đình tôi khá giả hơn nhiều nên ông bà luôn nghĩ tôi kinh, đi làm về muộn không thèm nói và không nhờ ông bà đón cháu, và rằng ông bà lo là tôi đi làm về muộn nhỡ có gì không hay xảy ra, rằng tôi đang là “gái một con”, không cẩn thận biết đâu lại cho chồng “mọc sừng”…
Tôi đã rất thất vọng về chồng, cũng đã nghĩ đến việc ly hôn và tự hỏi nếu hôn nhân tan vỡ thì con tôi ra sao?
Nhưng nghĩ kỹ lại thì mọi chuyện cũng do tôi một phần. Nếu ngay từ đầu mọi người sai thì tôi phải nói để tôi không bị ức chế và để họ e dè khi lần sau có ý định lặp lại cái sai đó (vấn đề là nói thế nào để có thể nghe được, có lý lẽ đúng và mềm mỏng chứ không nói hỗn). Nếu bố mẹ chồng không tốt với tôi thì tôi phải để chồng tôi biết nhằm tránh hậu quả là bị “tác dụng ngược”.
Vậy là tôi áp dụng chính sách là trao đổi lại và giải thích (kể cả khi họ không muốn nghe) về nguyên nhân của những việc làm của tôi mà họ cho là sai. Để nếu họ chứng minh được là tôi sai thì lần sau tôi phải sửa, nếu họ không chứng minh được thì có nghĩa là tôi đúng và họ không có quyền phê bình, chỉ trích hay kể xấu tôi. Những yêu cầu vô lý của ông bà tôi kiên quyết không thực hiện và nói thẳng lý do.
Khi đã từ chối thì tôi sẽ không để tâm đến việc ông bà có đi kể xấu tôi hay không. Tất cả những điều vô lý của bố mẹ chồng và cô em tôi cứ lẳng lặng giải quyết hoặc nhịn cho qua. Chỉ khi chuyện qua rồi và tôi đã bình tâm lại thì tôi mới lựa dịp kể với chồng như một chuyện của ai đó, đôi khi kể theo kiểu hài hước để cho chồng tôi biết bố mẹ anh đã đối xử với tôi như thế nào, tôi đã giải quyết thế nào và kể cho anh để anh biết chứ tôi không cần anh can thiệp.
Song song với đó là tôi vẫn thực hiện mọi nghĩa vụ với gia đình nhà chồng bằng tất cả khả năng mà tôi có được (đương nhiên) và dạy con tôi phải kính trọng ông bà. Mặc dù con tôi rất tinh ý, cháu đã nhận thấy có sự phân biệt đối xử giữa tôi và cô cháu, giữa cháu và em con nhà cô từ phía ông bà. Nhưng khi cháu thắc mắc và ganh tỵ (trẻ con mà) thì tôi luôn tìm cách giải thích để bênh ông bà. Tôi muốn con tôi có những ký ức đẹp về ông bà cả nội và ngoại làm hành trang cho cháu vào đời chứ không muốn cháu thù ghét chính ông bà của mình. Như vậy chỉ con tôi khổ chứ ông bà đâu có biết.
Sau hơn 10 năm chúng tôi cũng có được một căn hộ nhỏ để ra ở riêng. Khi đó, ông bà ốm đau gì vợ chồng tôi vẫn lo lắng chạy chữa chu đáo, vợ chồng tôi đưa con về thăm ông bà thường xuyên, tôi nhắc con tôi điện thoại hỏi thăm ông bà hằng ngày. Đi đâu hay nghe thấy có thiết bị, phương tiện hay thuốc bổ gì có thể giúp cải thiện điều kiện sống và sức khỏe cho ông bà là tôi lại chủ động mua hoặc bàn với chồng mua biếu ông bà nếu điều kiện tài chính của chúng tôi cho phép.
Mặc dù trong cuộc sống đôi khi có mâu thuẫn này kia, nhưng chồng tôi vẫn luôn yêu thương và tôn trọng tôi vì tôi đã không để anh phải đau đầu giải quyết mâu thuẫn “mẹ chồng nàng dâu”, vì tôi đã cùng anh chăm sóc bố mẹ anh và thay anh thực hiện nghĩa vụ làm con một cách chu đáo khi anh đi học xa, vì con tôi luôn yêu quý ông bà dù nhiều chuyện đã xảy ra, vì bố tôi vẫn luôn thân thiện với thông gia, quý con rể, vì em gái anh giờ đây luôn tôn trọng và hay hỏi ý kiến anh chị mỗi khi có việc quan trọng cần quyết định.
Vẫn biết là một phần là do khoảng cách (xa thương gần thường) nhưng tôi vẫn rất vui khi giờ đây tôi đã có được lời hỏi thăm của bố mẹ chồng mỗi khi con tôi nói với ông bà là mẹ cháu ốm hoặc khi đích thân mẹ chồng tôi nói với tôi rằng: “Mẹ biết là con về làm dâu nhà mẹ nghèo nên con thiệt thòi, mẹ lại chiều con trai mẹ quá nên con khổ, phận đàn bà nó thế, con cố vậy…”.
Thế đấy bạn ạ, cố gắng có nhiều loại lắm: cố nhịn, cố chiều, cố đặt mình vào vị trí của người khác để giải thích mọi chuyện, cố hiểu rằng hơn hai chục năm trời mình sống trong môi trường khác thì mấy tháng, mấy năm làm sao đã thích nghi ngay với môi trường sống mới, cố nhớ rằng những lời mắng của bố mẹ chồng khi họ thấy hoặc nghĩ mình có lỗi gì cũng chỉ nặng như những lời bố mẹ mình mắng khi xưa lúc mình mắc lỗi và cố tìm cách giải quyết.
Mong bạn hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi quyết định một việc sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của bạn, chồng bạn, con bạn và thậm chí cả vui buồn của bố mẹ bạn.
Chúc bạn tìm được hướng giải quyết đúng và chúc bạn hạnh phúc!