Bản đồ bida giăng kín thành phố Hà Nội. Từ Điểm Hẹn (Trần Khát Chân), Sành Điệu (Lê Thanh Nghị), Tự Do (Bà Triệu) đến Super Star (Phố Huế), New Wave (Hàng Giấy), hay các bàn rải thảm xung quanh các trường ĐH, THPT...
Thông thường các tay cơ tuổi khoảng 19-20, và cứ sau giờ công sở, giờ học là họ tụ tập rất đông bên bàn bóng. Giá thuê bàn không hề đắt: trung bình ở các bàn là 15.000 đồng/giờ, giá ở khu vực các trường ĐH là 10.000 đồng/giờ, nhiều bàn bida đại trà còn rẻ hơn nữa.
Giá cả này nằm trong khả năng chi trả của các tay cơ học sinh, sinh viên. Đó cũng là một lý do kéo họ đến bàn. Các tụ điểm cao cấp, máy điều hoà chạy vè vè cả ngày, bàn hàng hiệu không mang nhãn của Pháp Chellvilot thì cũng là của Mỹ Branwish. Mỗi cuộc đấu là một lần cân não. Những nơi như thế vốn tập trung nhiều cơ thủ lành nghề, những người không mấy quan tâm đến giá dẫu nó dao động đến 30.000 đồng/giờ.
Tại một tụ điểm bida, 7-8 cậu học trò mặc áo đồng phục đang vây lấy một bàn ở ngoài cửa. Cách cầm gậy lóng ngóng cho thấy ngay là những tay cơ mới nhập môn. Một cậu có vẻ hiểu biết nhất trọng bọn lên tiếng chỉ bảo: "Đánh xọc trơn hay còn gọi là đánh khoang màu sẽ chia quân ra làm hai: một bên là những bi vằn hoặc bi khoang, được đánh số từ 9 đến 15, bên kia sẽ là những bi màu được đánh số từ 1 đến 7. Người nào đánh được đến bi số 8, sau khi đá hết bi của mình rồi sẽ là người thắng cuộc".
Mấy cậu bàn kế tiếp nhìn nhau cười ruồi. Một cậu áo kẻ đen đang dồn tâm trí để đi một cơ "cóc đầu". Ba bi 4, 9, 11 đang đứng xếp hàng trước miệng lỗ 10. Nhiệm vụ của cậu ta là "thả bi 4 vào huyệt". Bi 4 tương ứng với 4 điểm, đồng nghĩa với việc cậu sẽ chiến thắng khi cộng tổng số các bi đã ăn để thành 60 điểm. Ai là người dành được 60 điểm trước sẽ là người chiến thắng. Mà thắng có nghĩa là rót ít nhất "3 lít" của cậu cầm cơ ve vảy ở lỗ góc kia, cộng thêm tiền độ của mấy cậu chầu rìa. Cậu áo kẻ đen bắt đầu tỳ cơ lên lên ngón trỏ của tay trái. Cậu từng ăn vài cú "cóc đầu" ngoạn mục như thế. Tiền độ bị một chút gió lay lay làm không khí căng thẳng hơn. Một vài cú thúc đầu cơ vào đít bi cái rất dứt khoát. Bi số 4 lao phăm phăm vào lỗ, rồi đột ngột bật trở lại. Vài cái thở hắt ra đồng thời đính kèm một âm điệu tiếc rẻ. Điều tiết lực nhẹ hơn một chút là ăn. Cậu đối thủ đứng ở lỗ góc mỉm cười thụt thêm một đường đi nhẹ nhàng để bi 4 lăn vào lỗ góc, cắt phăng niềm hy vọng thắng cuộc của cậu áo kẻ đen.
Ông chủ hàng bida ra thu tiền bàn và đập vào vai người thua cuộc: "Mới luyện 3-4 tháng mà cơ cậu khá ghê". Chàng trai tỉnh bơ trước câu ve vuốt và móc từ ví ra những đồng tiền cuối cùng. Cậu đã trả không biết bao nhiêu tiền bàn, tiền độ để luyện cho được đường cơ "cóc đầu". Khi còn chưa luyện được thì còn bám dính vào cây cơ và những bóng màu ngoan cố. Đã cầm đến cơ là lại hăng tiết, càng có kẻ hơn mình càng cay.
Theo lời chủ quán cậu là sinh viên ĐH Quản lý Kinh doanh, chạy xe FX, nhà cách quán bida của ông khoảng 12 cơ. "Hồi học lớp 9 đã nghiện cầm cơ, nhiều lần trốn học đi chơi bị bố mẹ bắt được. Nó tên là gì ấy nhỉ, Điệp hay Điền gì đó. Sau thời ấy, nó cai, biệt tăm biệt tích. Đi học về cũng vòng qua đường khác không thèm bén mảng tới bàn bida. Vào ĐH được 1 năm thì bắt đầu tái xuất. Ngày nào nó cùng nhóm của nó cũng chơi đến khuya. Hôm nào nó không đi học thì bám trụ đây cả ngày".
Những anh chàng nghiện tiếng bi lăn như cậu khách hàng kia không còn ít nữa. Họ đánh triền miên và không thể nhớ nổi một ngày mình chơi bao nhiêu ván. 2 lỗ 10, 4 lỗ góc và 15 bi cuốn lấy thời gian của họ. Khu trên Núi Trúc còn phục vụ cả bánh mỳ cho những tay cơ nghiện bi quên ăn, quên ngủ. Trò chơi thực sự thêm men khi có sự xuất hiện của những quân bài xấp ngửa và tiền đặt. Đánh bida ăn tiền, nội dung đó đã chiếm đến hơn 90% các bàn bida được khảo sát.
Huy, cậu hướng dẫn viên về bida giảng giải: "Những cái gọi là snooker hay bida 9 quả chỉ dùng cho các giải thi đấu mà thôi. Những người biết và giỏi giang về snooker ở Hà Nội không nhiều. Còn luật 9 quả (ai đến được với quả thứ 9 sẽ là người thắng cuộc) chỉ áp dụng với vài box hoặc câu lạc bộ bida mỗi khi họ cần trong thi đấu giải lớn. Bida ở phố là bida đánh bạc. Luật lệ ở đây là luật lệ của phỏm. Bài sẽ chia 9 quân cho mỗi phía. Cậu nhận được quân bài nào sẽ đánh bi nấy".
Dành 1 tiếng 15 phút bên mấy bàn bida trong khu vực ĐH Xây Dựng HN đã thấy lượng tiền luân chuyển lên đến vài triệu đồng. Sau cú đi băm bổ của bi cái là thế trận bi muôn hình vạn trạng được bày ra. Hai cơ thủ nâng những quân bài lên trước mặt và khoan thai nhấc cơ. Ván dài nhất chỉ mất chừng 15 phút. Lại có người móc túi ra 500.000 đồng. Ván siêu tốc cuối cùng chỉ diễn ra chưa đầy 3 phút sau 3 đường cơ. Người chiến thắng ăn một cú ngoạn mục và dường như cậu ta biết chắc điều đó ngay khi vừa nhấc bài với hai phỏm mới và tươi rói. Cậu ta chuyển bàn và tìm thêm những chiến hữu khác sau khi rút điện thoại xem giờ: "Lớp vẫn chưa tan, để con vào lấy câu hỏi ôn tập".
Tụ điểm nào cũng có những tay cơ đánh cơm đánh gạo - những người chuyên cầm cơ đánh ăn tiền. Huy bảo: “Chỉ cần nhìn tay cơ nhịp nhàng và cái cách họ điều khiển bi là có thể đo được độ chuyên nghiệp. Mục tiêu của họ là chiến thắng để ăn tiền nên độ tập trung bao giờ cũng tốt hơn. Họ quá lão luyện trong việc tập trung tinh lực và biết cách tính toán rất tốt từng đường cơ. Có những tay cơ đánh cơm đánh gạo chỉ 18-20 tuổi đã nhẵn mặt ở các điểm bida. Nhưng phần nhiều những người mang cơ đi kiếm tiền là các vị trung tuổi. Công việc của họ là hít không khí phòng bida và đi lại quanh bàn dễ đến gần chục cây số trong vòng một ngày".
Theo lời Huy thì hằng ngày những tay cơ cơm gạo đeo bám tại các điểm bida và gạ gẫm người chơi. Có tay lộ diện, có tay không. Rất nhiều người trẻ ham hố bida, đặt mục tiêu để tay cơ vượt qua những cơ cơm gạo này. Những cơ lộ diện thường chấp người chơi đến 3-4 lỗ mười rồi mới đánh đến lỗ góc. Cũng có cơ rất biết dấu nghề chuyên đi chăn gà, chăn các tay cơ non nhưng háu đá. Càng những cơ ấy càng có thiện xạ. Học có thể kiểm soát rất tốt cảm giác bóng, điều chỉnh độ quay của bi tùy ý. Có những quả mười mươi không thể xuống lỗ nhưng bằng cách nào đấy mà bi cái của họ chỉ cần lướt nhẹ qua. Quả bóng vẫn nằm im không nhúc nhích. Nhưng ván đấu căng thẳng khi tiền đổ vào từng đường cơ lên đến hàng triệu đồng, người ta có thể nghe được những đường cơ cắt mỏng vừa đủ lực ấy.
Nhưng cơ thủ điêu luyện ấy bao giờ cũng thả vài ván đầu. Họ chỉ thắng rất ít khi thấy cần thiết (nhất là khi cần tăng tốc độ cay cú của gà). Đi theo những cơ thủ cơm gạo này đôi khi còn có những cổ động viên. Họ bám lấy các bàn để bình luận, để tăng nhiệt cho mỗi trận đấu và để chung độ. Những cơ thủ lành nghề bây giờ đều thú nhận: hầu hết trong số họ từng là nạn nhân của các cơ cơm gạo này.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)