Người gửi: Đoàn Thành Trung
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Chiến tranh và xu thế hoà bình mới.
1. Xu thế chịu ảnh hưởng của quy luật "tuyển chọn tự nhiên":
Việc phân hoá giai cấp và giàu nghèo trong xã hội cũng xuất phát từ quy luật này: Trong quá trình cạnh tranh để tồn tại, một bộ phận các cá nhân có một số tố chất thuận lợi làm ăn có hiệu quả trở nên giàu có và trở thành ông chủ - một bộ phận còn lại phải trở thành giai cấp làm thuê. Đây là một quy luật rất khắc nghiệt, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất xã hội mà nó còn ảnh hưởng đến xã hội loài người trên phạm vi lãnh thổ quốc gia và phạm vi toàn thế giới. Một số quốc gia có điều kiện lịch sử, xã hội thuận lợi: thực hiện trước cuộc cách mạng công nghiệp, có điều kiện địa lý, tài nguyên thuận lợi, có chính sách phát triển hợp lý sẽ sớm trở thành nước tiên tiến trên thế giới. Ngược lại, phải trở thành các nước có nền kinh tế nghèo đói.
Việc phân cực kinh tế tồn tại trong mọi thời đại nhưng trong thời đại hiện nay thì phát triển mạnh nhất, chính vì vậy tỷ lệ tài sản nằm trong tay giai cấp tư bản, tài phiệt ngày càng tăng cũng như tỷ lệ người nghèo khổ, thất nghiệp cũng tăng cao trong xã hội các nước phát triển.
Điều này cũng ảnh hưởng trong phạm vi thế giới: của cải sản xuất ra ở các nước phát triển chiếm tỷ trọng ngày càng cao so với các nước nghèo, đã xuất hiện các nước nghèo đến mức phải thường xuyên nhận viện trợ ở nhiều lĩnh vực: y tế, lương thực...
2. Xu thế chịu ảnh hưởng của "quy luật cân bằng".
Do sự phân hoá ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ trong mọi phạm vi của thế giới loài người nên bản thân 2 thái cực trên vừa phải dung hoà và đấu tranh nhằm suy yếu lẫn nhau để tồn tại:
2.1 Trong nội bộ một quốc gia:
2.1.1.Giai cấp có tiềm lực về kinh tế (tạm gọi là giới chủ) thì:
* Một mặt phải phát triển mạnh mẽ về hơn tài chính, tranh giành để gây ảnh hưởng chính trị, bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tham gia các đảng phái chính trị, chạy đua vào nghị viện nhằm chiếm lấy một số ghế và có thể ít nhiều tạo ảnh hưởng đến quyết sách của quốc gia, lấn ép địch thủ. Lập ra các cơ quan, bộ máy nhà nước theo dõi kiểm soát chặt chẽ mọi biến động của giai cấp đối lập, tiêu diệt các mầm mống chống đối.
* Mặt khác, giới chủ cũng phải dung hoà với giai cấp không có tiềm lực kinh tế (giới thợ) bằng các quỹ nhân đạo, các chế độ trợ cấp, nuôi dưỡng cho người già.... Đồng thời dùng đủ mọi phương pháp để tô vẽ cho xã hội, tham gia chống phá các nước đối lập, vẽ nên bức tranh chênh lệch để người dân so sánh và mất đi ý chí đấu tranh.
* Chính sách đa đảng cũng làm người dân có thể ảo tưởng về một xã hội công bằng.
Có như vậy xã hội các nước phát triển dù cho phân hoá ngày càng cao nhưng hiện nay vẫn tồn tại được, đó chính là hiện tượng "triều cao - đê chắc".
2.1.2. Giai cấp không có tiềm lực kinh tế (tạm gọi giới thợ):
* Ngày càng phát triển về số lượng, ngoài một số cá nhân xuất sắc thì tiếp tục bị phân hoá để trở thành giới chủ hay đi theo bảo vệ cho giới chủ, những cá nhân đứng về phía giai cấp mình đấu tranh thì sớm bị phát giác và tiêu diệt. Do trình độ kỹ thuật ở các nước này khá cao nên tình trạng thiếu việc làm, hay làm việc với tiền lương thấp (tiền lương thực tế) trở nên phổ biến.
* Bị ức chế nhiều bởi các áp lực của nhà nước thông qua các chính sách, luật lệ, thuế khoá.... nên mầm mống bạo lực luôn tồn tại trong xã hội này bởi lý lẽ luôn chỉ đứng về giới chủ, tâm lý người dân ngày càng dễ bị kích động chính vì vậy các vụ phạm pháp ở các nước này ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do bộ máy quản lý khá chặt chẽ của Nhà nước nên tất cả mọi làn sóng đấu tranh của nhân dân chỉ dừng lại ở mít tinh, biểu tình, hay xô xát với cảnh sát..... không thể xuất hiện được các cuộc bạo động cách mạng, giành chính quyền.
2.2. Trong phạm vi Quốc tế:
2.2.1 Các nước phát triển:
* Thiếu thốn về tài nguyên, nguyên liệu, đòi hỏi bức bách về lợi ích kinh tế... dẫn đến việc chạy theo quy luật của kẻ mạnh tiến hành xâm chiếm đánh phá các nước yếu hơn. Từ sau khi sự sụp đổ của phe XHCN năm 1991, dường như không còn một trở ngại nào cản trở Mỹ trở thành bá chủ, độc hiếm toàn cầu: đánh Iraq, kích động cuộc xung đột sắc tộc ở Trung Đông, đơn phương phá vỡ hiệp ước bảo vệ môi trường, quấy rối tình hình chính trị các nước đang phát triển bằng mọi cách, phá vỡ các quan hệ kinh tế bằng xử ép các vụ kiện...
* Chiêu bài mà Mỹ và đồng minh thường hay áp dụng là: nhân quyền, tự do tôn giáo, bảo vệ hoà bình... đã cho họ can thiệp quân sự và chính trị lên rất nhiều quốc gia trên thế giới một cách trắng trợn.
* Xây dựng các cơ quan tình báo, quân sự... hình thành lên bộ máy hoàn hảo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và phá hoại sự ổn định của các quốc gia khác.
* Tuy nhiên để chống lại xu thế này bắt đầu xuất hiện sự phân hoá trong nội bộ các nước phát triển, đã có những quốc gia liên kết chống lại xu thế bá chủ của Mỹ, đứng đầu là Pháp, Nga, Đức và, Trung Quốc.
2.2.1 Các nước đang phát triển, nghèo.
Thực chất đang phải đối mặt với chủ nghĩa thực dân kiểu mới, với những bất ổn chính trị, các xung đột, sự xâm lược, sự nghèo đói, chảy máu tài nguyên, mà nguy cơ cao nhất là tụt hậu so với thời đại. Kẻ thù của họ là các nước phát triển với những cuồng vọng vô bờ bến.
Những quốc gia mà nguồn tài nguyên, hay các yếu tố khác không ảnh hưởng nhiều đến sự đòi hỏi của các nước phát triển, thì thường xuyên bị chống phá, cấm vận, mất ổn định kinh tế, chính trị làm giảm khả năng phát triển đến mức vững chắc. Còn những quốc gia mà nguồn tài nguyên phong phú, thiết yếu thì nguy cơ xâm lược là rất cao.
* Để chống lại xu thế đang đe doạ mình, buộc lòng các nước này phải liên kết với nhau thành một khối, cương quyết bảo vệ sự độc lập của mình mà CHDCND Triều Tiên với hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc là một ví dụ.
* Trước những chính sách, bất công... mà Mỹ và đồng minh - các nước phát triển - kẻ tự cho mình quyền thống trị, gây ảnh hưởng lên người khác thì biện pháp khủng bố là hình thức duy nhất mà các tổ chức, quốc gia yếu hơn sử dụng để đòi quyền tự do và bình đẳng cho mình. Mỹ, Anh, Nhật... cho rằng khủng bố là vô nhân đạo, cần phải chống, vậy ai sẽ khóc cho hàng ngàn, hàng vạn người dân Iraq chết do chiến tranh. Hay thế giới này chỉ là đất sống cho những quốc gia tự cho là văn minh còn Palestine, Iraq... thì tính mạng người dân chẳng đáng một xu.
* Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức hoà bình đã ngày càng đoàn kết hơn trên thế giới. Đó cũng là một làn sóng mạnh mẽ chống lại xu hướng bá chủ của các nước phát triển.
Như vậy chiến tranh, xung đột sắc tộc, khủng bố và bất ổn chính trị sẽ mãi còn tồn tại khi mà Mỹ và các nước đồng minh còn ôm tham vọng bá chủ. Chỉ có bạo lực mới làm cho cuộc tranh đấu giữa 2 thái cực trên có thể lập lên một trạng thái cân bằng mới. Vì những quốc gia phát triển sẽ như con thú say mồi, chẳng bao giờ chấp nhận nhả con mồi khi nó không bị giáng trả. Và bản thân con thú bị săn cũng phải có bản năng tự vệ khi dồn vào chân tường. Đó chính là điều lo ngai nhất của chúng ta. Như vậy diễn biến xấu nhất là cả thế giới sẽ bị kéo vào một cuộc chiến toàn cầu, nguy cơ khủng bố toàn cầu mà kẻ khủng bố có thể là bất cứ quốc gia, hay tổ chức nào.
Tất nhiên, cục diện thế giới sẽ trở nên cân bằng khi có một đối trọng về cả kinh tế và chính trị, đó có thể là một liên minh Nga - Trung, Nga - Pháp, Trung - Triều, đối trọng này sẽ giải toả tham vọng của Mỹ và đồng minh, giải quyết cán cân lệch hiện nay, hay Mỹ sẽ lại có một bài học mới về kết quả của sự xâm lược như cuộc chiến Việt Nam.
Quy luật phát triển là vậy: cân bằng - mất cân bằng - cân bằng.
Hoà bình - xung đột - hoà bình - chiến tranh... không thể xoá bỏ. Chúng ta đã có hàng trăm năm máu hoà nước mắt mới có hoà bình, chúng ta cần phải hiểu và vận dụng các phương pháp để giảm thiểu thiệt hại và tận dụng hết các cơ hội để phát triển.
Đoàn Thành Trung