Đoàn Cầm Thi -
"Il y a un côté de la guerre qu’il commençait, je crois, à apercevoir (...), c’est qu’elle est humaine, se vit comme un amour ou une haine, pourrait être racontée comme un roman..." "Có một khía cạnh của chiến tranh mà tôi nghĩ rằng anh ấy bắt đầu nhận ra (...), đó là chiến tranh thật nhân bản, được sống như tình yêu hay thù hận, có thể kể như một tiểu thuyết..." M. Proust, Le temps retrouvé. Thời gian tìm thấy. |
"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp lại về buồng cũ gối chăn"
"Gối chăn" đưa văn học chiến tranh vào một lĩnh vực khác: tình yêu và tình dục, không phải thứ tình yêu như là một nhiệm vụ, một đạo đức, một hoạt động xã hội - tức là tất cả những gì khác ngoài tình yêu. "Gối chăn" là mối quan hệ chỉ có giữa một người đàn ông và một người đàn bà, riêng tư, nhục thể.
Vậy tình yêu được thể hiện như thế nào trong văn học Việt Nam[1] gần đây viết về chiến tranh? Những tác phẩm được coi là đỉnh cao về đề tài này[2] - từ Cỏ Lau, Bến không chồng, Nỗi buồn chiến tranh, Hai người đàn bà xóm Trại, đến Người sót lại của Rừng cười...- đã mô tả như thế nào các vùng bí hiểm của con tim? Các tác giả của nó đã thiết lập như thế nào mối quan hệ giữa chiến tranh và tình dục?
1. Chiến tranh và tình yêu đôi lứa
Có thể gọi Nguyễn Minh Châu là cây bút của chiến tranh và tình yêu, hai đề tài luôn hoà quyện nhau trong các sáng tác của ông. Chỉ có điều không phải bao giờ chúng cũng được viết với cùng một quan niệm. Cỏ Lau (1987), một trong những tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Minh Châu, so với những truyện ngắn khác của ông - ví dụ Bên đường chiến tranh, là một bước phát triển mới[3].
Trong Bên đường chiến tranh (1981)[4], vào khoảng 1980, tại Bắc Cạn, gần biên giới Việt Trung, Thụy - một sĩ quan quân đội - trú đêm trong một ngôi nhà, gặp lại Hạnh - người vợ chưa cưới đã mất tích cách đây gần 30 năm, trong kháng chiến chống Pháp. Sau những giây phút xúc động, Hạnh - lúc này đã là bác sĩ và là vợ của Phán, một cán bộ tỉnh - thổ lộ với Thụy rằng chị chưa bao giờ quên mối tình xưa suốt ngần ấy năm qua, mặc dù được chồng yêu chiều. Một thời gian sau, Thụy trở lại Bắc Cạn, căn nhà lúc này đã biến thành trạm liên lạc dưới sự chỉ huy của chính ông: trước khi theo chồng tới sống ở một thành phố khác, Hạnh đã hiến nó cho quân đội. Câu chuyện kết thúc bằng cái hôn mà Hạnh trao cho chồng trong giường ngủ: "Lần đầu tiên từ ngày lấy ông Phái, Hạnh âu yếm đặt một cái hôn lên môi chồng rồi nói: (...) Anh Thụy đang cần một chỗ trong thị xã để đặt trạm liên lạc (...) hay chúng mình nhường ngôi nhà trên này cho đơn vị anh Thụy?" (NMC, 68).
Tình yêu ở đây là một chủ đề hoàn toàn có tính tư tưởng. Cái hôn trong khuê phòng chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, một cách hô khẩu hiệu "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Cả hai gắn liền với không khí phấn khích của cuộc chiến đang xảy ra trên biên giới phía Bắc. Câu chuyện hừng hực một luồng nhiệt "lãng mạn cách mạng". Các nhân vật không có cuộc sống tình dục. Thuỵ gần như không mang giới tính: "Một người suốt đời không thoát khỏi bận bịu những chuyện giặc giã, đánh đông dẹp bắc như Thuỵ nhưng vẫn không thoát khỏi cái lưới của đời sống tình cảm thường tình và chính điều đó, phải, chính điều đó giống như một nguồn sức mạnh hết sức thâm trầm tiếp thêm cho anh nghị lực, sức bền bỉ làm việc và chiến đấu" (NMC, 66). Phán, chồng Hạnh, cũng là một biếm hoạ: hồ hởi xắp xếp cho vợ gặp người tình cũ rồi quan sát họ với vẻ hài lòng không dấu diếm. Trong cảnh hoa xưa ong cũ, Hạnh không chứng tỏ bị giày vò bởi những thôi thúc yêu đương – trừ một ít điệu đà rất Tự lực văn đoàn: "(Hạnh) bay lượn trong một vùng tưởng tượng huyền ảo: "Hôm nay là cuộc vui gặp mặt của chúng ta (...) Em chỉ muốn gục đầu vào lòng anh mà khóc cho hả dạ. Nhưng mà em làm thế sao được?" (NMC, 64). Hường, con gái của Hạnh và Phán, ngất ngây vì chiến tranh: "cô lại thấy chiến tranh chẳng có gì ghê gớm cả. Lại còn vui vẻ dễ chịu" (NMC, 56).
Năm 1987, chủ đề người chinh phụ đợi chồng lại được Nguyễn Minh Châu sử dụng trong Cỏ lau. Tại Quảng trị, ngay sau 30 tháng 4 năm 1975, Lực, một sĩ quan cao cấp của quân đội Cách mạng mà gia dình tưởng đã chết từ lâu, tình cờ bước vào một tiệm ảnh và nhận ra chính mình trong một bức ảnh "chụp một cặp vợ chồng mới cưới, mới dược phóng đại và tô màu bằng thuốc nước, treo ở hàng ảnh trên cao". Cặp vợ chồng đó không phải ai khác là Lực và Thai, người vợ mà ông đã bỏ lại quê gần ba mươi năm trước để đi theo kháng chiến rồi ra Bắc tập kết. Sau đó, Lực biết rằng Thai, được tin ông chết - Thai nhận nhầm phải một xác người, tưởng đó là Lực - đã tác hợp với Quảng nhưng không bao giờ nguôi ngoai về nỗi mất Lực, dù được Quảng yêu mến quí trọng. Tuy vẫn yêu Thai, cảm thấy ghen với người chồng mới của Thai, Lực chạy trốn vì không muốn ảnh hưởng đến hạnh phúc mới của Thai. Cuối truyện, Thai tìm gặp ông, sẵn sàng bỏ gia đình riêng để tiếp tục tiết trăm năm với ông, Lực từ chối, đau đớn nhưng quyết liệt.
Bên đường chiến tranh và Cỏ lau đều kể cuộc bể dâu của một dân tộc thông qua cuộc tan hợp của một lứa đôi. Có nhiều điểm gần nhau trong hai tác phẩm: một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau nhưng chưa có con, rồi chiến tranh rẽ thuý chia uyên; người phụ nữ lập gia đình mới dù vẫn nặng lòng với tình cũ, hai người chồng mới đều tốt bụng nhưng không được yêu, sau đó tình cờ đoàn viên với người đàn ông xưa.
Tuy nhiên, Bên đường chiến tranh và Cỏ lau lại khác nhau một vực một trời. Trước hết về độ dày - Cỏ lau dài gần gấp ba lần Bên đường chiến tranh -, sau đó là tính phức tạp - trong Cỏ lau, người đọc thường bị lạc giữa những mảnh thời gian khác nhau, ngay quá khứ cũng có nhiều tầng -, rồi chất giọng - Cỏ lau được kể với một giọng trầm buồn bi quan - và cách kết thúc - một happy-end và một bi kịch.
Thai của Cỏ lau là hiện thân của sự thủy chung - không phải thể chất mà tinh thần - như lời Quảng nói với Lực: "Nhà tôi là một thứ đàn bà cổ. Những người đàn bà chờ chồng có thể hóa đá" (NMC, 506). Thai lòng son dạ sắt, đi đến tận cùng của tình yêu - trong tâm tư của Lực, Thai là cỏ lau và vách đá, cứng cáp và bền bỉ. Những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của Lực về Thai gắn liền với Núi Đợi: "Ngay chỗ bến thuyền chúng tôi ghé vào là một cái chân núi ngổn ngang những tảng đá màu trắng như phấn (...) Ở tận trên chóp đỉnh, chỗ vừng mặt trời chiều loé sáng màu thép chảy, một hòn đá dựng đứng cứ vàng rực lên, vừa thoạt trông đã có thể hình dung giống như một người đàn bà bế đứa con trước ngực (...) nhìn lên khắp bốn phái, hòn vọng phu đứng nhan nhản. Tôi lấy làm lạ lùng quá, thật là đủ hình dáng, đủ tư thế, cả một thế giới đàn bà đã sống trải bao thời gian qua chiến binh dường như đang tụ hội về đây". Như vậy ngay từ đầu, số phận của cặp vợ chồng trẻ này đã gắn liền với chiến tranh và chờ đợi: "Tôi nằm sát vào Thai. Hai đứa đắp chung một chiếc áo tơi lá (...) Trên nền trời trăng sáng mênh mông, những hình người đàn bà bằng đá đứng câm lặng" (NMC, 496).
Nhưng nếu chỉ có vậy, Thai sẽ khác gì những mẫu hình đã có sẵn của văn học truyền thống?
Khác với tình yêu trong Bên đường chiến tranh, quan hệ của Lực và Thai vừa là nghĩa cầm sắt vừa là tình yêu xác thịt. Tuy nhiên, Nguyễn Minh Châu không để cho nó đơm hoa kết trái, và đó sẽ là nguồn đau lớn nhất của Lực và Thai. Hơn cả nỗi chết, nó là sự chia lìa tuyệt đối. Nó minh chứng rằng Lực đã vĩnh viễn đi qua cuộc đời Thai mà không để lại dấu vết. Quảng coi đó là nguyên nhân nỗi "ẩn ức" của Thai: "ngày trước ông và Thai sống với nhau được ít quá. Hình như hai người mới bén hơi nhau thôi (...) Thương nhớ, chờ đợi đằng đẵng, thế rồi ông trờ về... chỉ còn là cái xác trôi ngoài sông. Khi phải lén lút chôn ông, Thai đau đớn lắm. Vì thế mà chẳng bao giờ nguôi đi cho (...) Giá ngày đó, ông và Thai cưới nhau xong, ông để lại cho cô ấy một đứa con (...) thì Thai cũng được thoả mãn một phần. Một đứa con... dù sao về mặt tâm lý, ngưòi đàn bà cũng đỡ ẩn ức" (NMC, 505). Là vợ của Quảng, Thai bị bóng ma của Lực ám ảnh, như sau này chính Thai thú nhận: "Lạ thật, lúc nào em cũng cứ tin tưởng như anh hãy còn sống. Suốt bao nhiêu chục năm rồi như vậy. Em vẫn sống với anh, nhưng chỉ lúc sáng ngày bước chân ra đi, em lại chỉ phấp phỏng hy vọng một đôi chút nào thôi" (NMC, 539).
Tình mẫu tử - Thai có với Quảng bốn đứa con - cũng không khoả lấp trong Thai sự thiếu vắng Lực. Ngược lại, qua những đứa con, Thai muốn trả cuộc sống cho người đã chết: Thai dạy chúng chăm sóc "mộ" Lực, giải thích đó chính là cha đẻ của chúng. Không chấp nhận nỗi mất Lực, Thai sống trong một phi-thực tế, ngay sát danh giới của sự điên loạn. Với Nguyễn Minh Châu, sức mạnh của mối tình này bắt nguồn từ việc không được thoả mãn. Cũng như vậy, tác giả cho Huệ, một nhân vật nữ khác của Cỏ lau, dằn vặt nuối tiếc vì đã không giữ lại giọt máu của người tình chết trận. Có lẽ đây là lý do vì sao giữa Thai và Huệ - mẹ ghẻ và con chồng - tồn tại một nỗi đồng cảm, một sự âu yếm hơn mức bình thường?
Người phụ nữ bao giờ cũng khát khao bảo tồn cuộc sống, nhất là trong thời loạn lạc - vì vậy mà Nguyễn Minh Châu cho nhân vật nữ tên là Thai? Đó cũng là một chủ đề của Bến không chồng (1991) và Hai người đàn bà xóm trại (1992). Trong tiểu thuyết của Dương Hướng, những người đàn bà chờ chồng và người yêu ra trận, dày vò điên cuồng bởi ước mơ làm mẹ. Họ sẵn sàng chấp nhận tất cả - ngoại tình, loạn luân, giả làm gái điếm - để thực hiện được ước mơ đó, khi ngày chiến thắng, những người lính của họ không trở về, hoặc có nhưng thương tật hay vô sinh. Cứ như thể đó là phương tiện hữu hiệu nhất giúp họ chống lại viễn cảnh của nỗi chết, sự tàn phá, chiến tranh. Hai đứa trẻ của Bến không chồng - con của Hạnh và Thắm - đều là kết quả của những mối tình cấm đoán. Trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, dưới một mái nhà tranh, hai chinh phụ trẻ - An và Mật - sống với nhau như chị em. Nhiều cuộc chiến qua đi, họ chờ, "chờ đến phát ốm". Không thể có con, nhưng thiên hướng làm vợ và làm mẹ day dứt: "Mấy hốm trước em cũng nằm mơ. Em thấy anh ấy về và (...) em có mang. Lúc tỉnh dậy sờ bụng cứ thấy khang khác (...) Giá có đứa con thì họ đi đến bao giờ cũng được». Sâu thẳm, quyết liệt, bản năng đó nhiều lần kéo họ đến bên bờ vực của ngoại tình, định mệnh nghiệt ngã muốn rằng hai lần duy nhất Bấc, chồng An, trở về đều không gặp cô mà gặp Mật - "Mật tiễn Bấc lên đến mặt đê. Bỗng Mật ôm lấy Bấc khóc nấc lên (...) Bấc không nói gì. Anh ghì mật vào lòng. Cả hai người run lên. Mật vội vã đẩy Bấc ra...". Dần dần, ngay trong mộng, người Mật thường gặp không phải là chồng mình mà là Bấc. Hy vọng và thất vọng lần lượt sẽ đổi phiên cho nhau: mỗi năm, khi Tết đến, hai người đàn bà hỏi nhau "Tết năm nay gói bao nhiêu bánh" để rồi sau đó xót xa nhìn những chiếc bống chưng mốc meo và khóc. Cuối truyện, hai thiếu phụ ngày xưa chỉ còn là hai bà lão khô héo nhai trầu trong tiếng mọt vọng tới từ hai cỗ áo quan dành cho họ. Nhưng họ vẫn đợi[5]. Đợi đến cùng. Xuyên qua nỗi chết - một trong hai người đàn ông đã báo tử, còn người kia biệt vô âm tín.
Nhưng trong Cỏ Lau, có lẽ Lực mới là nhân vật được Nguyễn Minh Châu cách tân nhất. Nếu Thuỵ của Bên đường chiến tranh chỉ được kể ở ngôi thứ ba, Lực được kể ở ngôi thứ nhất, giữ trọng trách của nhân vật chính và người dẫn chuyện. Trong khi người đọc không biết gì về Thụy, Lực dẫn ta vào những khuất nẻo của tâm khảm ông. Yêu Thai, trung thành với Thai trong suốt ba mươi năm, lúc trở về Lực chỉ còn là người xa lạ. Lực không biết gì về Thai, tất cả những chi tiết về cuộc sống hiện nay, những ý nghĩ thầm kín của Thai đều đến với ông qua người khác. Đối với Lực, Thai là người tình vắng mặt, chỉ lộ diện vào cảnh cuối cùng. Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện mở đầu bằng cái nhìn của nhân vật nam đặt xuống người đàn bà yêu dấu, không bằng xương bằng thịt, mà qua ảnh: "tôi lại ngước mắt ngắm người đàn bà mới trạc hai mươi, tươi giòn, một dáng đứng trẻ trung trông cứ von vón, đầu hơi ngả về phía vai người chồng" (NMC, 467). Với Lực, Thai vừa gần vừa xa, vừa hiện hữu vừa ảo ảnh, vừa thật vừa giả, vừa ánh sáng vừa bóng tối. Chiến tranh đã biến quan hệ của họ từ chính danh sang phi pháp. Trong cảnh kết, câu chuyện tình của họ diễn ra bên cạnh đống cỏ lau "héo rũ", bên dòng sông "kiệt nước". Khi thừa nhận Thai là một phần của chính ông, đem lại ý nghĩa cho cuộc đời ông - "tôi chỉ biết rằng người đàn bà đang đi bên cạnh (...) mới có thể xoa dịu bao nhiêu vết thương mà chiến tranh đã để lại trong lòng tôi" - cũng là lúc Lực biết rằng sẽ mất Thai mãi mãi. Vì vậy Lực và Thai chịu bi kịch đau đớn và cay đắng nhất, bi kịch của những kẻ yêu nhau bị chia lìa bởi cuộc sống chứ không phải cái chết.
Tình yêu kìm nén đó, Lực tìm cách khoả lấp bằng mối quan hệ đặc biệt với Thơm - con gái Thai - và Huệ - con chồng Thai. Ở đây, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu tung hoành khám phá những vùng sâu thẳm của tâm hồn Lực, một "người lính già" có vẻ bề ngoài bình thường, nếu không nói là tầm thường. Chính trong Thơm và Huệ, một bé gái và một thiếu phụ, máu thịt của Thai hay gần gũi với Thai, Lực tìm kiếm những dấu vết, những tia sáng phản chiếu của người đàn bà xa vắng. Khi "cúi xống bế thốc đứa con gái nhỏ của Thai trên tay (...) hôn mãi", Lực "cảm thấy một chút hơi hướng của (...) người đàn bà mà ký ức đầy hoang vắng của tôi còn giữ gìn được". Nhưng vô thức ngay sau đó đã bị đẩy lùi, huyễn hoặc lại được khép chặt trong vùng cấm: "Tôi dặt đứa trẻ xuống. Tự nhiên tôi hơi ngượng với nó".
Riêng tình cảm của Lực dành cho Huệ là một sáng tạo lớn của Nguyễn Minh Châu. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Lực đã bị người đàn bà trẻ này lôi cuốn: «...một em bảnh nhất, mặc chiếc áo vàng có hai ống tay áo rất ngắn loe ra như một bông hoa loa kèn" (NMC, 498). Ở bất cứ đâu, mỗi khi xuất hiện trước mắt Lực, Huệ dường như tỏa ra một thứ hào quang kỳ diệu: "Chừng có khoảng hơn chục người. Một người bắt buộc tôi phải để mắt nhìn trước tiên là một người đàn bà còn rất trẻ, khá xinh đẹp, mặc chiếc áo nylông màu vàng tươi có những chấm hoa, hai ống tay áo rất ngắn loe ra như một bông hoa loa kèn. Rất nhanh, và chẳng khó khăn gì lắm, tôi đã nhận ra..." (NMC, 511). Huệ đầy nhục cảm - từ gương mặt, trang phục, động tác - ám ảnh tâm trí Lực: "(Huệ) mặc một chiếc áo bộ đội (...) mắt sáng rực nhìn lên vệt trăng non đầu tháng, lảo đảo cặp vai như người lên đồng", "hai con mắt như từ một thế giới tâm tưởng xa xôi đâu đâu hơi nghiêng nghiêng, hai hàng mi đẫm ướt phủ rợp hai lòng con ngươi đăm chiêu, đầy ảo não", "(Huệ) vội vã quấn lại mái tóc" (NMC, 516). Lực chú ý đến từng nét mặt của Huệ, một sự chú ý bất thường: "Mặt người con gái chợt đanh lai. Cặp môi có thoa một chút son mím chặt, hai con mắt long lanh đầy thách thức. Nhưng hình như hai cánh mũi của chiếc mũi dọc dừa lai rung rung biểu lộ một cảm xúc hoàn toàn trái ngược đang cố nén. Thế rồi tôi trông thấy từ hai con mắt long lanh, ráo hoảnh chợt lăn ra hai gọi nước mắt" (NMC, 512). Việc biết Huệ chính là vợ chưa cưới của Phi - người liên lạc đã chết trong chiến tranh vì một tính toán nhỏ nhen của Lực - chỉ làm cho tình cảm của Lực với cô thêm phức tạp. Trong một cơn mê, Lực thấy mình bị Huệ đánh đập, sỉ nhục, khi nhận ra quá khứ xấu xa của ông. Nảy sinh trong Lực một cái gì đó vừa thương cảm và ngượng ngùng, đau đớn và khoái lạc lẫn lộn: "Tôi thấy hai bên má bỏng rát, mắt đổ hoa. (Huệ) nhảy bổ vào tôi như một con thú đầy giận dữ" (NMC, 535).
Rõ ràng trong huyễn hoặc của Lực về Huệ có một chút gì gần như tình yêu - thứ tình cảm nồng thắm của một người nam với một người nữ -, mà có lẽ bản thân ông cũng không ý thức rõ. Không khó khăn gì lắm ta đoán được những mâu thuẫn trong ông: Lực muốn dành cho Huệ tình cảm cha con - "giá ngày trước (...) tôi và Thai có một đứa con, thì con chúng tôi bây giờ đã vào lớp tuổi của (Huệ)" (NMC, 515), nhưng khao khát của ông về cô, như ta đã thấy, vượt ra ngoài ranh giới đó. Tuy nhiên, điều làm độc giả bất ngờ nhất, chính là thái độ của Huệ với Lực, khi cô đến thăm ông cùng một người bạn - nó còn hơn cả lời tỏ tình: "Con phải lôi anh ấy đi cùng để đám bạn con chúng nó khỏi nhấm nháy bảo với nhau rằng là con phải lòng bác (...) giá bây giờ bác thật lòng yêu con (...) Đời con khổ lắm, bơ vơ lắm" (NMC, 523). Huệ đang dần dần thay thế Thai trong Lực: đó là ý nghĩ mà một người đọc tinh tế không thể không đặt ra.
(Còn nữa)
---
Chú thích:
[1]Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không đề cập đến văn học Việt Nam ở nước ngoài. Trong "Từ hành xác đến hành văn. Đọc Giấc mơ thổ của Trần Vũ" (Hợp Lưu 23, 1995), tôi đã phân tích mối quan hệ giữa quá khứ, chiến tranh và tình dục trong tác phẩm Giấc Mơ Thổ.
[2] Tôi có dành một bài viết về những mối tình cấm đoán trong chiến tranh qua Gió dại (Bảo Ninh), Những người thọ nạn (Hoàng Đình Quang) và Mong manh như là tia nắng (Lê Minh Khuê). Xem Đoàn Cầm Thi, « La Guerre du Vietnam au prisme de la littérature : Amours entre ennemis dans trois fictions vietnamiennes contemporaines », Histoire et littérature au 20e siècle, Groupe de recherche « Histoire immédiate » de l’Université Toulouse Le Mirail, Toulouse, 2003. Riêng về Gió Dại, xem Đoàn Cầm Thi, « Khi đàn ông viết về đàn bà. Đọc Gió dại của Bảo Ninh », Diễn Đàn 32, 7/1994.
[3] Một số ý kiến về Nguyễn Minh Châu đã được tôi trình bày trong « Un couple face à la guerre. L’évolution d’un thème chez Nguyen Minh Chau », Le Vietnam au féminin, Les Indes savantes, Paris, 2004.
[4] Những lời trích về Cỏ lau và Bên đường chiến tranh được dẫn từ Nguyễn Minh Châu. Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn Học, 1999. Bên đường chiến tranh được viết vào khoảng 1981-1982.
[5] Lê Hồng Sâm đã có những phân tích tinh tế về sự chờ đợi trong Hai người đàn bà Xóm Trại, xem Lê Hồng Sâm, « Chabert, miroir possible de tous les temps et tous les pays », Genèses du roman: Balzac et Sand, (Lucienne Frappier-Mazur chủ biên), 2004, Editions Rodopi, Amsterdam. Tuy nhiên, tác giả không đề cập đến khía cạnh tình dục.