Thanh Huyền -
Từ tháng 12/1966 đến tháng 5/1967, với một khẩu súng, một cây bút và một cuốn sổ ghi chép, nhà văn từng đoạt giải Nobel lang thang khắp các vùng chiến sự của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh Mỹ - Việt. Những dòng cuối cùng của bản báo cáo được Steinbeck hoàn thành vào ngày 20/5/1967, tạo nên một trong những ấn phẩm chân thực về các cựu binh Mỹ từng tham gia vào cuộc chiến tranh đầy tranh cãi.
Những dòng chữ tâm huyết đó cũng đồng thời là những trang viết cuối cùng của Steinbeck được công bố. Trong đoạn kết, nhà văn tự biện minh trước những cáo buộc rằng ông là một kẻ hiếu chiến, một kẻ thích chiến tranh.
Độc giả của những tờ báo như Newsday, Washington Post và Los Angeles Times từng có cơ hội đọc báo cáo của Steinbeck. Nhưng những trang viết này dần bị quên lãng cùng với thời gian.
Nhà văn John Steinbeck ở Việt Nam. |
Nay, nhờ có Thomas E. Barden và Nhà xuất bản Đại học Virginia, bản báo cáo chưa qua biên tập của nhà văn được xuất bản với tên gọi Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War (Steinbeck in Vietnam: Những thông điệp từ cuộc chiến). Cuốn sách mang đến bức tranh đầy đủ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua con mắt của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.
Barden, giáo sư Đại học Toledo, là một học giả về Steinbeck đồng thời là cựu binh Mỹ ở Việt Nam.
“Trải nghiệm của tôi trong cuộc chiến giúp tôi hiểu được nỗi đau của Steinbeck. Bởi tôi cũng từng phải sống trong trạng thái xung đột, mâu thuẫn”, ông nói. Trong cuộc chiến, Barden phục vụ trong một binh chủng pháo binh.
“Tôi đến Việt Nam vào tháng 6/1970, khi người ta tìm mọi cách để rút khỏi đó. Ai mà muốn trở thành kẻ cuối cùng chết vì một cuộc chiến sai lầm? Tôi yêu đất nước và tôi muốn là những điều đúng đắn. Nhưng tôi thấy cuộc chiến đáng nguyền rủa đó là một mớ hỗn độn”, Barden nói. Học giả này chính là người viết lời nói đầu và lời bạt cho cuốn sách. Ông cho rằng, phẩm chất quan sát thiên tài của một nhà văn ở Steinbeck đã giúp độc giả có được cái nhìn sâu sắc, chính xác về cuộc chiến mà Steinbeck tận mắt chứng kiến.
Vào giữa những năm 1960, Steinbeck đã là một hưu trí và cuộc chiến đã bước vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng. Nhưng ông vẫn háo hức đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông từ chối lời đề nghị từ người bạn là Tổng thống đương nhiệm Lyndon Johnson để đến Việt Nam với tư cách thay Johnson khảo sát thực tế cuộc chiến. Bản năng của một nhà văn, nhà báo mách ông rằng, ông chỉ có thể tìm đến sự thật với tư cách là một phóng viên tự do. Một cơ hội nữa đến với Steinbeck khi ông được tờ Newsday mời làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam.
“John là kiểu người ưa hoạt động. Ông khác với William Faulkner, chỉ ngồi trong phòng văn và hư cấu mọi thứ”, Barden nhận xét.
“Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp đọc giả nhìn thấy những góc thường bị người ta bỏ qua về cuộc chiến này”, vị học giả nói.
“Tôi đã có khoảnh khắc rùng mình khi đọc báo cáo của Steinbeck. Ông miêu tả về một vùng đất hoàn toàn vắng bóng hoa màu, cây cỏ. John đã không biết đó là hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã rải xuống chiến trường Việt Nam”, Barden nói về thứ hóa chất đã gây ra cái chết hàng loạt cho con người và thiên nhiên ở Việt Nam.
“Đó đúng là những đoạn văn khiến tôi sởn da gà. Tôi vẫn thường bị ám ảnh về chúng”, ông nói.
John Steinbeck qua đời, chỉ một năm sau khi ông hoàn thành những trang viết về cuộc chiến ở Việt Nam. Cuốn sách này vì thế có thể coi là một di cảo quý trong cuộc đời cầm bút của nhà văn.