Người gửi: Chấn Nam
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Trong chiến tranh chuyện gì cũng phải làm.
Phải chăng chúng ta đã quá cải lương, lý thuyết... khi đánh giá việc làm của người này hay kẻ khác là đúng, chính nghĩa hay hèn hạ, tội ác...
1. Việc xâm chiếm nước khác là điều tất yếu của kẻ mạnh
Các nước mạnh không bao giờ chấp nhận cuộc sống hoà bình, vốn có trong nội tại quốc gia mình. Đó là điều tự nhiên từ muôn đời nay. Họ luôn có tham vọng phải xâm chiếm, phá hoại ổn định của các quốc gia khác hòng duy trì vị trí bá quyền của mình, mở rộng thị trường, nguồn tài nguyên (thuộc địa kinh tế) nhằm phục vụ cho phần đông các nhà tư bản và tài phiệt nắm quyền quyết định sức mạnh kinh tế, do vậy một chế độ tư bản không thể quyết định chính sách theo nguyện vọng của đa số nhân dân yêu hoà bình là điều tất nhiên.
Kẻ mạnh luôn cho mình một quyền được tham gia vào các hoạt động của kẻ yếu, chi phối họ theo ý mình, thậm chí tham vọng của họ là thôn tính kẻ yếu... nếu để ý trong tự nhiên, các bạn dễ dàng phát hiện điều này.
2. Cuộc chiến tranh vệ quốc của kẻ yếu
Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược, tính dân tộc là yếu tố hàng đầu của cuộc chiến tranh nhân dân. Người dân bị xâm lược, bị áp bức, cho dù là một kẻ hèn hạ nhất cũng không chấp nhận kẻ ngoại bang làm mưa làm gió trên đất nước họ dù bất cứ lý do nào kể cả là "gìn giữ hoà bình" hay "tái thiết đất nuớc". Kẻ mà mới hôm qua đã oanh tạc quốc gia họ, cha mẹ, anh chị em họ bằng tên lửa, rockét, đạn pháo... thậm chí bật đèn xanh cho các đảng phái xung đột làm rối ren đất nước họ. Họ có thừa trí thông minh để hiểu rằng, sau khi tấn công họ, những kẻ xâm lược đang tranh nhau chia miếng bánh "tài nguyên" của chính họ, sau đó bố thí cho họ những chuyến hàng cứu trợ, hòng che đậy lòng tham của mình.
Và họ đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân như vậy đó. Bắt cóc, khủng bố, tấn công các mục tiêu dân sự và quân sự... là chiến thuật nhằm đi đến một mục đích duy nhất là đánh đuổi kẻ ngoại xâm trên đất nước họ, đòi sự công bằng cho họ. Họ như con thú trong đường cùng, tự do hoặc áp bức, chết chóc, không có cách lựa chọn khác. Đó là tính tất yếu của kẻ dưới.
3. Trong chiến tranh tất cả đều phải xảy ra
Dường như tôi thấy rất ít người chịu nhìn nhận sự việc theo 2 phía, đặc biệt là phía các quốc gia yếu, hầu hết các bạn đều cho rằng khủng bố là một cái gì đó kinh tởm, phi đạo đức, tội ác... nhưng tôi tin chắc là các bạn chưa bao giờ đặt mình vào vị trí kẻ bị xâm lược, áp bức.
Trong chiến tranh, đừng nói chuyện đạo đức, bản thân những kẻ bên hai bờ chiến tuyến, mạng sống còn khó giữ, tự do là xa vời, áp bức chồng chất... thì chẳng có lý lẽ nào có thể thuyết phục họ hơn là bằng mọi giá phải đánh đuổi ngoại xâm. Họ biết rằng khi mà tham vọng che mờ mắt kẻ xâm lược kẻ cũng bất chấp đạo đức, thì chỉ có bạo lực của chiến tranh nhân dân mới đưa chúng vào bàn đàm phán, lịch sử nhân loại đã minh chứng cho điều đó.
Rồi các bạn xem, chúng ta vẫn còn chủ quan lắm, phiến diện lắm: trong một cuộc chiến tranh, kẻ chiến thắng là tất cả, có quyền hô hào, được mọi người tán dương và dễ dàng chấp nhận tha thứ cho những tội ác, còn kẻ thất bại thì bị mọi người ruồng rẫy khinh khi.
Chính vì vậy, trong cuộc chiến, việc lính Mỹ "bắn nhầm" vào làng hay việc bắt cóc con tin cũng chẳng khác gì nhau cả. Các bạn cho rằng nếu để cho du kích Iraq thành thói quen sẽ sử dụng khủng bố như một chiến lược mới thì Mỹ cũng có thói quen thọc mũi vào nội bộ quốc gia khác, thích đánh ai thì đánh sao?
Trước những biến cố thăng trầm ấy, điều quan trọng nhất của các nước khác là nên tự cường, có các biện pháp ngoại giao khéo léo đế hạn chế các xung đột, các bạn không gây hấn với ai nhưng có đầy đủ uy lực tự cường, toàn dân đoàn kết thì ai cũng phải đắn đo khi tấn công bạn. Không nên vội vã vì những tham vọng mà tự đưa mình vào cuộc chiến không đáng có...
Chấn Nam