Nhà sinh vật học hải dương Alison Towner, người tham gia khám nghiệm xác 6 con cá mập dạt vào bờ biển Gansbaai cách thủ đô Cape Town 2 giờ lái xe, mô tả cách những con cá voi sát thủ xé rách bụng chúng vô cùng chuẩn xác. Theo Towner, cá voi sát thủ làm rách phần da ngay bên dưới họng cá mập để tạo ra lỗ hổng khiến lá gan nặng 82 kg lộ ra.
Xác cá mập trắng hiếm khi dạt vào bờ biển sau các vụ tấn công khiến giới chuyên gia ít có cơ hội nghiên cứu. "Chúng tôi thực sự sốc và không thể tin nổi khi nghe có một con cá mập trắng trưởng thành lớn trên bãi biển với lá gan bị moi mất", Towner chia sẻ.
Các báo cáo về cá voi sát thủ tấn công cá mập ở vùng biển ngoài khơi Nam Phi được ghi nhận từ năm 2017. Ban đầu, những nhà nghiên cứu phát hiện nhiều con cá mập 7 mang đã chết mắc cạn không có lá gan. Tuy nhiên, một số loài khác, trong đó có cá mập trắng, cũng trở thành mục tiêu. Giới nghiên cứu liên hệ những vụ tấn công với hai con cá voi sát thủ xuất hiện trong vùng. Họ cho rằng cá voi sát thủ lấy đi lá gan vì đây là cơ quan nội tạng cực giàu dưỡng chất.
Con cá mập đầu tiên Towner và cộng sự kiểm tra vẫn còn lá gan, nhưng có nhiều vết cứa. Họ gọi chuyên gia cá mập Malcolm Smale tới tư vấn ở trường hợp tiếp theo và ông nhanh chóng suy ra cá voi sát thủ chính là thủ phạm.
Towner cho biết khám nghiệm xác cá mập trắng kéo dài hàng giờ. Nhóm nghiên cứu phải tỉ mẩn đo đạc từng bộ phận của con cá. "Chúng tôi phải xác định có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ đó là do cá voi sát thủ gây ra hay không. Chúng tôi cũng phải loại trừ thương tích do tàu thuyền hoặc lưới đánh cá. Nếu con vật nằm đó và lá gan đã biến mất, tất cả trở nên rõ ràng", Towner nói.
Các nhà nghiên cứu kết luận việc cá voi sát thủ xuất hiện ngoài khơi có liên quan tới sự biến mất của cá mập trắng ở khu vực nơi chúng thường tập trung với số lượng lớn như vịnh False.
An Khang (Theo Newsweek)