Chó và mèo
"Mọi cách giải nhiệt ở động vật có vú đều thông qua việc chuyển nước từ dạng chất lỏng thành dạng hơi để giải tỏa nhiệt năng trong quá trình đó", Yana Kamberov, giáo sư di truyền học Khoa Y học Perelman, Đại học Pennsylvania nói với Science Friday.
Chó và mèo làm nước bốc hơi nhờ sự đối lưu nhiệt khi chúng thở gấp, qua đó làm mát cơ thể. Chúng cũng đổ mồ hôi, nhưng khác với con người, mồ hôi không giúp chúng bớt nóng. Với phần lớn động vật có vú, các tuyến mồ hôi chỉ tập trung vào một nơi nhất định.
Phần đệm dày dưới bàn chân mèo chính là đệm mồ hôi. Đệm mồ hôi của mèo không phải để giải nhiệt mà là tạo lực bám, tương tự như khi ta dùng bàn tay khô chạm vào đồ vật thì sẽ thấy trơn trượt hơn tay ẩm.
Ngựa
Cách giải nhiệt chính của ngựa cũng là thở gấp. Nhưng không giống chó mèo, ngựa còn làm mát cơ thể nhờ mồ hôi. Tuyến mồ hôi của chúng khác với con người. "Nhiều loài vật thường xuyên chạy cũng có tuyến mồ hôi dạng này. Đó là các tuyến đầu tiết và gắn với lông trên mình ngựa", Kamberov giải thích.
Khi đổ mồ hôi, ngựa không chỉ tiết ra muối và nước. Chúng tiết ra một hỗn hợp gồm nước, lipid, chất béo và protein. Ngựa chạy rất nhiều và việc thở gấp không hiệu quả khi chúng đang đạt tốc độ tối đa. Lúc này, chúng làm mát cơ thể bằng cách đổ mồ hôi.
Khác với con người, ngựa có lớp da dày và chống thấm nước, làm cản trở mồ hôi bay hơi. Để giải quyết vấn đề này, chúng tạo ra loại mồ hôi giàu protein có thể làm ướt lông, giúp mồ hôi dễ bay hơi hơn.
Thằn lằn sa mạc
"Những loài máu lạnh có rất nhiều đặc tính giúp làm mát", Rory Telemeco, nhà nghiên cứu tại Đại học Auburn cho biết. Một trong những đặc tính quan trọng các loài bò sát đạt được khi tiến hóa là lớp da dày dạng vảy, giúp chúng giữ nước.
Động vật máu lạnh cũng phải xoay xở một chút khi muốn giải nhiệt. Thằn lằn sa mạc có thể há miệng để sự bay hơi diễn ra trên màng ướt. Chúng còn một phương pháp cơ bản khác là di chuyển qua lại giữa nơi nóng và nơi mát. Không chỉ thằn lằn, hành vi này cũng phổ biến ở nhiều loài vật khác.
Phương pháp này thường được sử dụng khi động vật không có cơ chế để tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể mà thay vào đó phải điều chỉnh hành vi để chống lại sự chênh lệch nhiệt độ.
Bươm bướm
Giống loài bò sát, bướm cũng điều chỉnh nhiệt độ bằng hành vi. Vào những ngày nắng nóng, chúng sẽ di chuyển vào bóng râm làm mát, sau đó lại bay ra ngoài. Chúng cũng có thể tự làm mát trong lúc bay vì sự đối lưu nhiệt xảy ra khi vỗ cánh.
Côn trùng chịu nhiệt rất tốt, nhưng chúng cũng bị ảnh hưởng nếu quá nóng. "Đầu tiên chúng gần như rơi vào trạng thái lờ đờ. Chúng sẽ bị căng trương lực nếu tiếp tục giữ mức nhiệt như vậy. Sau đó, côn trùng có thể phục hồi lại khi nhiệt độ giảm. Nhưng nếu tăng lên một độ hoặc hơn thì chúng sẽ chết", Telemeco giải thích.
Con người
Tinh tinh, loài vật rất gần với con người, giải nhiệt bằng cách thở gấp. Tuy nhiên, con người lại giải nhiệt chủ yếu nhờ đổ mồ hôi. Ngoài việc mũi người không đủ dài để làm mát bằng đối lưu nhiệt thông qua hoạt động thở gấp, còn có hai giả thuyết khác về hoạt động đổ mồ hôi.
"Thứ nhất, nó cho phép chúng ta đến những nơi không có thú dữ. Nếu làm mát cơ thể bằng cách đổ mồ hôi, bạn có thể ra ngoài vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, khi phần lớn thú dữ phải ẩn mình tránh cái nóng", Kamberov nói. Con người có thể chịu nóng trong thời gian dài vì chúng ta liên tục đổ mồ hôi để giảm nhiệt.
Giả thuyết thứ hai liên quan đến thời điểm hai triệu năm trước, khi con người bắt đầu tiến hóa thành những "vận động viên chạy bền". Hoạt động chạy tạo ra sức nóng khủng khiếp cho cơ thể và những lúc đó, việc đổ mồ hôi hiệu quả hơn nhiều so với thở gấp.
Tuy nhiên, các tuyến mồ hôi ở bàn tay và bàn chân con người thì khác, Kamberov giải thích. Đây là một đặc điểm di truyền từ tổ tiên loài người và chúng không hề giống những tuyến mồ hôi giải nhiệt còn lại.
Thu Thảo