Sau nhiều tuần bế tắc, quân đội Nga dường như đã tìm ra cách thức mới để đạt bước tiến ở miền đông Ukraine, khi chia nhỏ lực lượng, tìm cách khép vòng vây với các mục tiêu nhỏ, chia cắt lực lượng phòng thủ với tuyến hậu cần và quân tiếp viện, đồng thời sử dụng tối đa hỏa lực pháo binh để đè bẹp ý chí kháng cự của đối phương, theo bình luận viên Dan Sabbagh và Peter Beaumont của Guardian.
Những trận pháo kích vào các mục tiêu bị cô lập như vậy được cho là gây ra thương vong đáng kể cho lực lượng phòng thủ của Ukraine ở vùng Donbass. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 22/5 thừa nhận "50-100 binh sĩ Ukraine thiệt mạng tại tiền tuyến Donbass mỗi ngày".
Điều này đồng nghĩa Ukraine có thể mất tới 3.000 quân mỗi tháng, số binh sĩ bị thương có thể nhiều gấp ba hoặc bốn lần. Đây là tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng Ukraine phòng thủ tại Donbass, với quân số khoảng 30.000 người trước khi chiến sự nổ ra và đã được bổ sung thêm sau đợt tổng động viên.
Báo cáo ngày 24/5 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, nhận định lực lượng Nga tuần qua kiểm soát nhiều khu vực hơn so với hồi đầu tháng 5, đặc biệt là khu vực xung quanh thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk và các làng lân cận.
Serhiy Hadai, tỉnh trưởng Lugansk, cho biết số trận pháo kích nhằm vào Severodonetsk đang tăng theo cấp số nhân. Khoảng 10.000 quân nhân Nga cùng 2.500 đơn vị khí tài tham gia tiến công thành phố ở phía tây tỉnh Lugansk.
Giới chuyên gia nhận định đà tiến quân của Nga ở Donbass không quá ấn tượng, song cho thấy kết quả của chiến lược mới. Lực lượng Nga không còn tìm cách bao vây khu vực có diện tích lớn, thay vào đó chia cắt đối phương bằng các vòng vây nhỏ hơn, đặc biệt tập trung vào Severodonetsk.
Eduard Basurin, chỉ huy đơn vị vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, xác nhận lực lượng Nga và phe ly khai đang nỗ lực tạo ra các vòng vây nhỏ để cắt đứt tuyến hậu cần và chia tách quân tiếp viện của Ukraine với các đơn vị tiền tuyến.
Hoạt động hậu cần cho chiến dịch của Nga tại Donbass cũng thuận lợi hơn nhiều, nhờ tuyến đường ngắn hơn từ biên giới Nga tới khu vực. Họ cũng tận dụng được mạng lưới đường sắt dày đặc tại tỉnh Lugansk, vốn do phe ly khai kiểm soát phần lớn từ năm 2014. Ngoài ra, các đơn vị Nga rút khỏi Kiev giờ đây không ngừng được điều động chi viện cho vùng Donbass.
Nick Reynolds, chuyên gia về tác chiến lục quân thuộc Viện nghiên cứu Các lực lượng vũ trang Hoàng gia Anh, nhận định Nga đang chuyển hướng chiến dịch sang các mục tiêu nhỏ hơn, cho phép họ kiểm soát những thị trấn như Popasna và Rubizhne.
Trước nguy cơ thất thế, Ukraine đang thúc giục phương Tây cung cấp các loại vũ khí mạnh hơn, trong đó có pháo phản lực tầm xa M270. Mẫu pháo phản lực này có nhiều biến thể, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 80 km khi sử dụng đạn thường và 165 km nếu dùng tên lửa. Năng lực của pháo phản lực M270 vượt xa những khí tài Ukraine đang sở hữu và được cho là sẽ bổ sung đáng kể cho kho vũ khí của nước này.
Nghị sĩ Ukraine Kira Rudik cho biết nước này cần thêm vũ khí mạnh hơn, đồng thời khẳng định Kiev và phương Tây "không nên đánh giá thấp Nga khi lực lượng của họ chỉ đạt tiến bộ hạn chế ở Donbass".
Rudik cho hay bà đã trò chuyện với các binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến mỗi ngày, và một vấn đề mà họ đối mặt là các vũ khí hạng nặng mà phương Tây cam kết sẽ mất ít nhất hai tháng để đến được vùng giao tranh. Điều này có thể khiến lực lượng Nga tiếp tục duy trì lợi thế hỏa lực trong thời gian trước mắt.
Ukraine có thể ngăn Nga tiến công thủ đô Kiev và thành phố Kharkov trong giai đoạn đầu chiến sự, song không thể đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực họ đã kiểm soát ở miền nam và miền đông.
Nga mất ba tháng để kiểm soát Mariupol, thành phố cảng phía đông nam Ukraine. Tuy nhiên, lực lượng Nga trong tuần này đã rà phá xong bom mìn, thủy lôi xung quanh cảng Mariupol, dự kiến nối lại hoạt động vận tải đường biển và mở ra tuyến tiếp tế mới.
Có những dấu hiệu cho thấy giới chức Nga hài lòng với tiến độ chiến dịch hiện tại ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ngày 24/5 tuyên bố lực lượng nước này cố ý giảm đà tiến công để tránh thương vong cho dân thường. Điều này cũng cho thấy Nga đang chuẩn bị cho chiến sự kéo dài tại Ukraine.
Trong khi đó, mối đe dọa lớn nhất với Ukraine là phương Tây trở nên mệt mỏi hoặc thiếu đoàn kết nếu chiến sự kéo dài quá lâu. Phil Osborn, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quốc phòng Anh, nhận định tình hình chiến sự cho thấy Ukraine cần nhận được giúp đỡ từ phương Tây nhiều nhất có thể.
"Phương Tây phải tập trung không ngừng vào Ukraine và sẵn sàng chấp nhận đau đớn. Tổng thống Putin tin rằng phương Tây sẽ ngày càng mất tập trung trong vấn đề này, trong khi Nga có tinh thần kiên nhẫn cao hơn", ông Osborn nói.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)