Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 16/7 tổ chức hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức". Năm 1973, dù đã ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa liên tục vi phạm các thỏa thuận.
Được sự hậu thuẫn của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa tiến hành nhiều chiến dịch quy mô lớn nhằm giành dân, lấn đất, xóa thế "da báo" với mưu đồ phân tuyến, chia vùng, đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị.
Quân đội Việt Nam Cộng hòa xây dựng các cụm cứ điểm quân sự, trong đó có Nông Sơn - Thượng Đức thành tiền đồn án ngữ cửa ngõ phía tây Quảng Nam, Quảng Đà. Đây là chốt chặn ngăn Quân Giải phóng tiến xuống đồng bằng; đồng thời là bàn đạp để càn quét, đánh phá căn cứ cách mạng.
Nông Sơn là cứ điểm tiền tiêu nằm sâu trong vùng giải phóng (nay thuộc thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Lực lượng đồn trú tại đây của Quân đội Việt Nam Cộng hòa gồm có Trung đoàn bộ binh 57 (Sư đoàn 3), Trung đoàn bộ binh 2; Trung đoàn bộ binh 5 (Sư đoàn 2), Tiểu đoàn biệt động quân 77, Tiểu đoàn biệt động quân 78, mười tiểu đoàn, một đại đội bảo an, 137 trung đội dân vệ, 4 đại đội cảnh sát, 3 tiểu đoàn pháo binh, 3 chi đoàn thiết giáp và một không đoàn máy bay chiến thuật.
Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) có địa hình núi cao hiểm trở, phía đông là nơi hợp lưu của sông Côn và Vu Gia. Tại đây, Việt Nam Cộng hòa có sự góp mặt của Tiểu đoàn 79 biệt động quân, hai đại đội bảo an, một đại đội cảnh sát dã chiến, 16 trung đội dân vệ, 3 toán phòng vệ dân sự, hai trận địa pháo (105 mm và 106 mm).
Với vị trí quan trọng, được xây dựng, bố trí thành căn cứ kiên cố, phòng ngự chắc chắn, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ví Nông Sơn - Thượng Đức là "mắt ngọc trên đầu rồng", "cánh cửa thép bất khả xâm phạm".
Hè - thu năm 1974, thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức. Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Nhiệm vụ là tiêu diệt, làm tan rã quân đồn trú ở Nông Sơn - Trung Phước và Chi khu quân sự - quận lỵ Thượng Đức, giải phóng nhân dân trên địa bàn, mở rộng vùng giải phóng và cải thiện thế phòng ngự.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (nguyên Thứ trưởng Quốc phòng) khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 và trực tiếp chỉ huy, chiến đấu trong chiến dịch. Ông cho biết quân đội Sài Gòn bố trí trận địa hỏa lực, trận địa pháo tầm xa, pháo cơ động với 60 lượt máy bay từ Đà Nẵng lên chi viện. Quân đội Sài Gòn có thể huy động 9-10 tiểu đoàn bộ binh với hỏa lực và khả năng sẵn sàng chi viện ứng cứu.
"Hệ thống công sự và chướng ngại vật kiên cố vẫn chưa làm kẻ địch yên tâm, chúng còn dồn trên 13.000 dân các xã lân cận vào ở xung quanh căn cứ, tạo thành lá chắn sống", tướng Rinh nhớ lại.
Chiến dịch được Quân đội Việt Nam chia thành 3 đợt chính. Đợt 1 từ ngày 18 đến 23/7/1974, quân Giải phóng và người dân đã tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, tập kích hỏa lực vào sân bay Đà Nẵng và nhiều căn cứ, diệt và bức rút hàng chục đồn, bốt, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, giải phóng nhiều vùng đất.
Đợt 2 từ ngày 24/7 đến 7/8/1974, bộ đội phục kích đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 của quân Sài Gòn, hành quân giải tỏa ở Dương Côi, Khương Quế, Bến Dầu; tiến công, giải phóng Thượng Đức. Đợt 3 ngày 8-25/8/1974, quân Giải phóng tiến công ra vùng kế cận Thượng Đức, đánh quân phản kích ở nam An Hòa, Quế Sơn.
Chiến dịch tiêu diệt cụm căn cứ Thượng Đức mang mật danh K711. Trung đoàn 3 được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, tiền phương Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 do đại tá Hoàng Đan phụ trách. "Nhiệm vụ của Trung đoàn là chặn đánh quân Việt Nam Cộng hòa từ Thượng Đức rút chạy khi bị tiến công, chúng tôi đã cho Đại đội 15 công binh của Trung đoàn bố trí trận địa cọc chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia để chặn đường rút về Đà Nẵng theo đường sông", ông Rinh nói.
Sau gần tháng rưỡi tích cực chuẩn bị và chờ đợi căng thẳng, giờ nổ súng mở màn chiến dịch cũng đã đến. Tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng tâm trạng của ông Rinh và các đồng đội vẫn "thấp thỏm, bồn chồn". Đúng 5h ngày 29/7/1974, lệnh nổ súng được phát ra. Căn cứ đang lúc "ngái ngủ" bỗng choàng dậy, ngập chìm trong khói lửa và tiếng đạn pháo. Hỏa lực pháo của Trung đoàn 3 dội xuống Ba Khe, Hà Sống. Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 6 chiếm được Ba Khe; làm chủ được tiền đồn phía đông Thượng Đức.
Cùng lúc, Tiểu đoàn 8 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Gia và Chính trị viên Nguyễn Văn Xảo chỉ huy nhanh chóng tiến công Bàn Tân, bao vây Hà Sống; chốt chặt đường bộ và đường sông, sẵn sàng đánh quân Sài Gòn từ Thượng Đức về và từ Hà Sống lên chi viện. Các đơn vị khác, đặc biệt là Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương cũng làm chủ địa bàn được phân công.
Ngày 6/8/1974, Đại đội 3 Tiểu đoàn 7 được tăng cường hỏa lực bằng súng 12,7 mm, súng DKZ 82 mm đánh chiếm gò Cấm và khu phía đông cầu Hà Tân, khống chế toàn bộ ngã ba quan trọng này. Quân Sài Gòn tháo chạy, sa vào vị trí Trung đoàn 3 chốt chặn tại Hà Nha, Ba Khe và nhanh chóng bị tiêu diệt, bắt sống.
Bước vào giai đoạn 2, Trung đoàn 3 là lực lượng chủ yếu, được tiểu đoàn lựu pháo 122 mm của Trung đoàn pháo binh 78 Sư đoàn 304 chi viện tiến công tiêu diệt quân Việt Nam Cộng hòa trên trục Đường 14, Hà Nha 1, Hà Nha 2, Bàn Tân và Hà Sống. Tiểu đoàn trưởng trước đó hy sinh nên ông Rinh được phân công vừa đốc chiến vừa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 7 chiến đấu.
Sáng sớm ngày 14/8/1974, Tiểu đoàn 8 nổ súng tiến công ở gò Đình, Lâm Phụng và Gò Ôm, nhanh chóng làm chủ và chốt giữ những cứ điểm này, tạo bàn đạp cho trung đoàn vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công.
Rạng sáng 15/8/1974, ông Rinh chỉ huy Tiểu đoàn 7 tiến công diệt sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 57 quân đội Sài Gòn; diệt một đại đội bộ binh và một trận địa pháo ở Hà Nha 1. Đến 11h cùng ngày, quân Giải phóng hoàn toàn làm chủ trận địa.
Sau gần 40 ngày chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, Sư đoàn 304 và các lực lượng tăng cường tiếp tục đánh gục Sư đoàn dù - một sư đoàn được coi là thiện chiến bậc nhất, nằm trong lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn trong hoạt động phản kích tái chiếm Thượng Đức.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, cho biết sau chiến thắng này, báo chí Mỹ cũng phải công nhận về thất bại nặng nề của Chính quyền Sài Gòn. "Tất cả công sự phòng thủ cũng như hệ thống giao thông hào sụp đổ dưới những đợt pháo kích liên tục của quân cộng sản Bắc Việt. Thất bại đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn là không thể tránh khỏi", tờ tin tức Mỹ và Thế giới viết.
Theo tướng Nhiên, thắng lợi chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức tác động sâu sắc đến toàn bộ chiến trường miền Nam. Cơ quan tham mưu chiến lược đã nắm và đánh giá chính xác về thực lực, khả năng của Quân đội Sài Gòn, phân tích sâu sắc, cụ thể về tương quan lực lượng trên chiến trường, trong đó có khả năng can thiệp quân sự trở lại của đế quốc Mỹ.
Kết thúc chiến dịch, Quân đội Việt Nam loại khỏi vòng chiến đấu 10.000 quân Sài Gòn (bắt sống 2.338 quân), thu 2.106 súng, 24 xe quân sự. Bộ đội đã giải phóng khu vực Nông Sơn - Trung Phước, Thượng Đức và vùng Tây Nam Quế Sơn, Tây Bắc Tam Kỳ với 117.000 dân.
Khi đó, Bộ tổng Tham mưu đã có đầy đủ căn cứ để tiến đến nhận định là so sánh lực lượng đã thay đổi, Quân đội Việt Nam mạnh lên, Quân đội Việt Nam Cộng hòa yếu đi và chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối.