Vài tuần qua, quân đội Ukraine đã giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ ở khu vực Kharkov, đông bắc đất nước. Các đơn vị Ukraine cũng đang tiếp tục đà tiến và tái kiểm soát nhiều ngôi làng gần Kherson, thành phố chiến lược ở miền nam đất nước.
Thay vì trực tiếp tham gia vào cuộc đối đầu trực diện với lực lượng pháo binh và xe tăng áp đảo của Nga, Ukraine chọn chiến thuật gián tiếp hơn là tìm cách bao vây, cắt đứt tuyến tiếp tế, đồng thời tập trung đánh vào những điểm yếu nhất của đối phương.
Các cuộc phản công Ukraine đang triển khai ở miền đông và miền nam đất nước trông giống như những chiến dịch riêng lẻ, nhưng khi nhìn lại, chúng dường như nằm trong một kế hoạch phối hợp tác chiến được chuẩn bị kỹ lưỡng, Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews, Scotland, nhận xét. "Tôi thấy chúng là một phần của chiến lược tổng thể", ông nói.
Ukraine đã thông báo rộng rãi về kế hoạch phản công tại Kherson từ tháng 8. Đáp lại, Nga lập tức rút các lực lượng tinh nhuệ ở Kharkov, đông bắc Ukraine, xuống tăng cường cho mặt trận phía nam. Quyết định này cho thấy tầm quan trọng của Kherson đối với Nga, nơi cung cấp nguồn nước cho bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014.
Nhưng động thái điều quân đến miền nam khiến lực lượng Nga ở miền đông bị dàn mỏng. Khu vực Kharkov lúc này trở thành mắt xích yếu nhất trong phòng tuyến của Nga, khi chỉ còn lại một lớp phòng thủ duy nhất.
Quân đội Ukraine lập tức tận dụng thời cơ, mở một cuộc phản công vào Kharkov hồi tháng trước. Sau khi phá vỡ thành công phòng tuyến của Nga, Ukraine đã giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ, khiến quân đội Nga phải rút lui trong hỗn loạn.
Cuộc tấn công mang đến một thắng lợi quan trọng, giúp nâng cao tinh thần chiến đấu, cũng như vị thế của Ukraine trong mắt các đồng minh phương Tây.
Cuộc phản công ở Kharkov thành công là nhờ chiến dịch nghi binh thành công ở Kherson, kết hợp với chiến thuật "tránh mạnh, đánh yếu" mà quân đội Ukraine đã áp dụng thuần thục, O'Brien cho hay.
Các nhà sử học quân sự đánh giá việc Ukraine sử dụng lực lượng cơ động cao để tiến hành chiến dịch phản công chớp nhoáng trên mặt trận Kharkov là ví dụ kinh điển cho chiến lược tác chiến cơ động được áp dụng từ thế kỷ 20.
Francois Heisbourg, cố vấn quốc phòng tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở tại Paris, Pháp, so sánh chiến dịch phản công của Ukraine với trận đánh của tướng Israel Ariel Sharon trên kênh đào Suez trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, giúp Israel giành được lợi thế lớn trước Ai Cập và các quốc gia Arab khác.
Trong khi các lực lượng Ukraine tiến công khá nhanh ở Kharkov thì trên mặt trận Kherson, đà phản công lại chậm hơn. Trước lực lượng tinh nhuệ và hùng hậu của Nga tại Kherson, quân đội Ukraine không đánh vỗ mặt như ở Kharkov, mà tìm cách bao vây từ xa, bẻ gãy thế kháng cự của Nga bằng cách tấn công các kho tiếp liệu và những cây cầu bắc qua sông Dnieper.
Theo giới chuyên gia quân sự, Ukraine đã kết hợp hiệu quả các khí tài từ thời Liên Xô với những hệ thống tên lửa và pháo tầm xa độ chính xác cao do phương Tây cung cấp, nhằm làm tê liệt các tuyến hậu cần trọng yếu, khiến quân đội Nga không thể nhận được nhiên liệu, đạn dược cùng những vật phẩm thiết yếu khác.
Sau khi chiếm được một đầu cầu trên bờ đông sông Inhulets hồi tháng 8, quân đội Ukraine bắt đầu tấn công bờ tây sông Dnieper trong tháng này, tạo thế gọng kìm bao vây lực lượng Nga, nhằm buộc họ phải rút lui.
Mick Ryan, chiến lược gia quân sự, thiếu tướng đã nghỉ hưu trong quân đội Australia, nhận định Ukraine đã tính toán kỹ đường đi nước bước cho chiến dịch của mình nhằm đạt được hiệu quả lớn nhất có thể.
Ông mô tả Ukraine đã theo đuổi chiến lược "bào mòn", làm cạn kiệt dần thể chất đến tinh thần của lực lượng Nga, khiến họ mất khả năng chiến đấu.
Đây chính là "cách đánh gián tiếp" được nhà chiến lược quân sự người Anh Basil Liddell-Hart đề ra ở thế kỷ 20. Chiến thuật này tìm cách thay đổi cán cân sức mạnh "bằng cách tiêu hao sinh lực địch, làm suy yếu đối phương bằng những nhát đâm, thay vì tung đòn giáng liều lĩnh", Ryan nhấn mạnh. "Phương pháp này phát huy tối đa yếu tố bất ngờ và khả năng cơ động" của lực lượng Ukraine.
"Người Nga muốn hai bên dàn quân đối đầu trực diện, điều sẽ mang lại lợi thế cho họ", John Spencer, chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, bình luận. "Nhưng Ukraine sẽ không để họ có được điều đó".
Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết việc áp dụng mô hình chỉ huy và kiểm soát theo chuẩn NATO đã mang lại lợi thế đáng kể cho chiến thuật này.
Trong mô hình đó, chỉ huy Ukraine khuyến khích các sĩ quan cấp dưới đưa ra quyết định tại chỗ, giúp họ nắm bắt tốt hơn cơ hội và nhanh chóng tận dụng điểm yếu của đối phương.
"Một sĩ quan chỉ huy cấp dưới hoàn toàn có khả năng đưa ra quyết định, tùy thuộc vào diễn biến tình hình thực tế và phải chịu trách nhiệm về bản thân cũng như binh sĩ dưới quyền và lãnh thổ mà anh ta đang bảo vệ", ông nói.
Eliot Cohen, chiến lược gia kiêm nhà sử học quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho hay các sĩ quan Nga "có khả năng đưa ra những quyết định lớn, nhưng thiếu tính linh hoạt".
Ngoài tính linh hoạt trong cấu trúc chỉ huy, quân đội Ukraine còn có lợi thế lớn về khả năng cơ động để thực hiện chiến thuật này. Các phương tiện quân sự được phương Tây viện trợ giúp Ukraine di chuyển đội hình rất nhanh chóng, giúp dồn lực lượng xuyên phá điểm yếu nhất trong phòng tuyến Nga.
"Nếu không có tính cơ động cao, chúng tôi sẽ không thể vượt qua người Nga về khả năng điều chuyển lực lượng", Mykola Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, trụ sở tại Kiev, nói.
Tâm lý chủ quan, lơ là của Nga cũng là yếu tố giúp Ukraine phản công thành công ở Kharkov, giới phân tích đánh giá.
Hồi cuối tháng 8, các máy bay không người lái và trinh sát Ukraine có nhiệm vụ xâm nhập phòng tuyến đối phương đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến những binh sĩ Nga thoải mái như thế nào. Họ thậm chí không quan tâm đến việc che giấu hành tung trước UAV Ukraine và chỉ có một số ít xe bọc thép được triển khai ở các làng tiền tuyến.
Các trinh sát Ukraine khi đó đã sử dụng Starlink, thiết bị truy cập Internet qua vệ tinh của Mỹ, để gọi pháo binh tấn công vào những kho đạn, phương tiện quân sự của Nga.
Khi lệnh phản công được phát ra, lính dù Ukraine và những đơn vị xung kích khác nhanh chóng tỏa ra khắp các ngôi làng, liên lạc với nhau qua bộ đàm mã hóa.
Lực lượng Nga chỉ đào rất ít chiến hào xung quanh các vị trí phòng thủ ở Kharkov, nhờ vậy, quân đội Ukraine không gặp quá nhiều cản trở khi tiến công. Trong vài trường hợp, đà tiến của họ chỉ bị làm chậm lại bởi những bãi mìn, một số do chính các binh sĩ Ukraine cài khi rút lui 5 tháng trước đó.
Chỉ trong vài ngày, lực lượng Ukraine đã tiến khoảng 80 km, đẩy lùi hàng nghìn quân Nga khỏi Kharkov. Họ tránh giao tranh trên đường phố ở các trung tâm đô thị, như thành phố Balakliya và Shevchenkove, bằng cách chiếm các ngôi làng xung quanh, sau đó tạo thế bao vây, khiến đối phương phải co cụm rồi rút lui.
Quân đội Ukraine tiếp tục tiến tới sông Oskil, cắt đứt các đường tiếp tế chính của Nga từ phía bắc. Izyum, thành phố lớn nhất trong khu vực, gần như bị bao vây. Lực lượng từ phía nam áp sát để chặn con đường thoát cuối cùng. Đến ngày 10/9, quân Nga buộc phải rút lui khỏi Izyum, bỏ lại hàng trăm xe tăng, pháo và phương tiện chiến đấu. Không ít trong số chúng được quân đội Ukraine tận dụng lại trong chiến dịch quân sự của mình.
"Chúng tôi không có ưu thế trên không, không có ưu thế về hỏa lực, chúng tôi chỉ có những điều kiện vừa đủ và biết cách khoét sâu vào nơi Nga tập trung ít binh lực hơn, cũng như sự thiếu am hiểu địa hình và nguồn lực dự trữ của họ", ông Bielieskov, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev, cho hay.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)