Khi kinh tế được cải thiện, người dân dần thay đổi quan niệm về ăn uống, yêu cầu cao hơn với dinh dưỡng. Thay vì ăn no họ muốn ăn ngon, chọn thực phẩm tươi, sạch và đảm bảo sức khỏe. Do đó, các nhà sản xuất thực phẩm cần phải thay đổi từng ngày để bắt kịp xu hướng ấy.
Trước bối cảnh trên, lãnh đạo Acecook Việt Nam cùng thảo luận, đưa ra chiến lược phát triển mới: sản xuất sản phẩm ăn liền giá trị cao, có bước tiến lớn trong chất lượng, dinh dưỡng, bảo vệ môi trường.
Nhằm gia tăng thị phần và giá trị ngành hàng này, đơn vị chủ trương cải tiến lợi ích sản phẩm, tối ưu hóa trải nghiệm của người tiêu dùng như bổ sung khoai tây, đậu Hà Lan, khoáng chất (canxi với mì dành cho trẻ), đồng thời phát triển thêm loại hình mới (mì không chiên, đồ ăn liền từ gạo...).
Song song đó, doanh nghiệp đẩy mạnh truyền đạt thông tin chính xác về xuất xứ, nguyên liệu, quy trình sản xuất của sản phẩm cho đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, khách hàng... Đơn vị cũng hướng dẫn mọi người cách chế biến cân bằng dinh dưỡng.
"Mỗi năm, chúng tôi tiếp đón khoảng 10.000 khách tham quan nhà máy, tạo điều kiện để người tiêu dùng trực tiếp quan sát quy trình sản xuất, hiểu cách dùng mì đúng đắn và an tâm hơn với chất lượng sản phẩm", đại diện doanh nghiệp nói.
Công ty định hướng phát triển bền vững với trọng tâm gồm cải thiện môi trường sống; giảm rác thải nhựa trong sản xuất; mở rộng công tác tuyên truyền tái chế sản phẩm từ nhựa; hoạt động nâng cao ý thức dinh dưỡng cộng đồng, hướng đến lối sống khỏe, cân bằng. Đơn vị cũng dần thay thế nhựa PP, ứng dụng bao bì thân thiện như nĩa chứa tinh bột, ly, tô giấy.
Đại diện đơn vị cho biết tiếp tục phát huy, đổi mới để thích ứng với thay đổi về kinh tế, xã hội, dựa trên triết lý và giá trị cốt lõi đã được chuẩn hóa.
"Với phương châm 'Dare to challenge to innovation' (Đừng sợ thay đổi, hãy thử thách để đổi mới), chúng tôi chú trọng cải tiến, chuyển mình nhằm nâng cao hiệu quả, không ngừng sáng tạo, vươn tới những mốc son mới", đại diện Acecook Việt Nam nói thêm.
Mì gói ra đời trong Thế chiến thứ hai tại Nhật, với vai trò là thực phẩm dự trữ, cứu đói trong giai đoạn khó khăn. Qua hàng chục năm, sản phẩm được toàn cầu hóa, sản xuất theo quy trình hiện đại, có mặt khắp nơi, từ hàng quán bình dân, văn phòng đến gia đình.
Tại Việt Nam, thực phẩm tiêu dùng nhanh này được ưa chuộng, bày bán rộng rãi tại cửa hàng bách hóa trong hẻm nhỏ, chợ, siêu thị, với hàng trăm chủng loại, giá từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn mỗi gói.
Theo thống kê của Wina hồi tháng 5, Việt Nam xếp thứ ba thế giới về tổng lượng tiêu thụ mì ăn liền năm 2022, với 8,48 tỷ gói. Tính theo mức tiêu thụ bình quân đầu người, nước ta dẫn đầu. Cụ thể, một người Việt nạp khoảng 85 gói mỗi năm, tương ứng 4 ngày ăn một gói. Trước năm 2020, chỉ số này dao động ở mức 4,5-5 tỷ gói mỗi năm.
Trong bối cảnh ngành mì ăn liền tăng trưởng, Acecook Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu. Nhãn hàng con Hảo Hảo được Vietkings xác nhận là "Thương hiệu mì gói Việt Nam đầu tiên bán ra thị trường 30 tỷ gói suốt 21 năm" (từ năm 2000 đến 2021).
Hiếu Châu