Thông tin đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế "Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" ngày 27/10. Trong lĩnh vực này, BIDV có tầm nhìn chiến lược rõ ràng về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Nhà băng luôn ưu tiên tập trung vốn tín dụng tài trợ các dự án tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả rất tích cực. Đơn vị tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững, hỗ trợ triển khai nguồn vốn xanh và bền vững về Việt Nam.
Cũng theo ông Long, BIDV là định chế tài chính trong nước đầu tiên hợp tác với Bộ Tài nguyên và môi trường, xây dựng các giải pháp và hành động cụ thể nhằm hướng đến thực hiện các mục tiêu chiến lược về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững. Đơn vị không ngừng nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện các quy trình nội bộ liên quan tới tín dụng xanh. Nhà băng cũng triển khai nhiều biện pháp góp phần cải thiện môi trường, hướng tới xây dựng ngân hàng xanh.
Đến ngày 30/9, BIDV đã tài trợ các dự án xanh với 1.210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 800 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với tổng số tiền cấp tín dụng hơn 53.200 tỷ đồng (chiếm khoảng 97% dư nợ tín dụng xanh). Tính riêng các dự án điện gió, điện mặt trời có quy mô vay vốn trên 500 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2020-2021, BIDV đã tài trợ 25 dự án với tổng số tiền cho vay khoảng 23.400 tỷ đồng (tương đương một tỷ USD).
Phó tổng giám đốc Trần Long cũng phân tích một số khó khăn, thách thức trong phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam. Ông nêu lên một số đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và một số bộ ngành liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này.
Minh Huy