Mô hình và chiến lược số hóa toàn diện của Techcombank được đánh giá khó sao chép, bởi không chỉ tập trung vào việc đầu tư công nghệ, còn xây dựng hệ thống dữ liệu - số hóa tổng thể. Bên cạnh đó, văn hóa tổ chức nhiệt huyết cùng tư duy "điều duy nhất bất biến là sự thay đổi" đi sâu vào từng nhân viên, khiến Techcombank luôn sẵn sàng đổi mới. Ông Prasenjit Chakravarti có những chia sẻ sâu hơn về định hướng để ngân hàng tiếp tục dẫn dắt số hóa và phát triển bền vững.
- Cơ duyên nào giúp ông gắn bó với Techcombank?
- Tôi trải nghiệm nhiều năm ở các ngân hàng và tổ chức tư vấn chiến lược lớn trên thế giới như Accenture, McKinsey và Standard Chartered... Về Techcombank, tôi cảm nhận được sự độc đáo, không chỉ ở Việt Nam, còn ở châu Á. Ngân hàng đang cố gắng xây dựng một tổ chức năng động, không ngừng chuyển đổi. Tôi tin đó là một hành trình thú vị và quyết định đến Việt Nam cùng Techcombank.
Với cam kết đầu tư, sử dụng công nghệ, nền tảng, những tài năng giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới, Techcombank luôn có những bước đi mạnh mẽ. Với tôi, đây là "mảnh đất lành" để đến.
- Sự khác biệt của Techcombank khi mang đến những giải pháp tài chính vượt trội, sản phẩm và những chiến lược khó sao chép là gì, thưa ông?
- Theo tôi, sự khác biệt lớn đầu tiên là xây dựng một nền tảng tương lai - phù hợp với ngân hàng tương lai. Cùng sự am hiểu khách hàng, nền tảng này được củng cố bởi nền tảng dữ liệu và kỹ thuật số. Chúng tôi có thể sử dụng AI và dữ liệu cho khách hàng, tập trung rất rõ ràng vào một số phân khúc chính.
Do đó, các giải pháp của Techcombank tung ra thị trường rất khác biệt. Dựa trên thế mạnh về hệ sinh thái đối tác, chúng tôi mang đến những giá trị và trải nghiệm để phục vụ nhu cầu của khách hàng theo cách toàn diện hơn.
- Hiện nay, ngân hàng triển khai phát triển ba trụ cột số hóa - dữ liệu - nhân tài như thế nào?
- Ba trụ cột này đang hỗ trợ chúng tôi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới, tốt hơn cho khách hàng. Bản thân kỹ thuật số, dữ liệu hay nhân tài không làm được điều này, chỉ khi tập hợp lại với nhau mới có thể đưa ra các giải pháp giá trị. Vì vậy, sự chuyển đổi của chúng tôi thực sự dựa trên việc kết nối cả ba trụ cột này theo cách đặc biệt.
- Vậy, Techcombank đã làm gì để có thể dẫn dắt và trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam?
- Techcombank được biết đến là một ngân hàng mạnh trong việc phục vụ những khách hàng giàu có. Nhưng trong vài năm gần đây, chúng tôi mở rộng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp SME cũng như những phân khúc khác. Với các doanh nghiệp SME, họ đang cố gắng vượt qua những thách thức của bối cảnh kinh tế và tăng cường số hóa vận hành, nhằm giảm thiểu công việc hàng ngày.
Vì vậy, các giải pháp của chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu này. Ví dụ, giải pháp điểm bán hàng kỹ thuật số để SME phải làm ít việc hơn trong việc quản lý khách hàng, giúp công việc kinh doanh dễ dàng hơn. Sau đó, chúng tôi cũng cấp cho họ quyền tiếp cận đến các nguồn tài chính bền vững và giúp họ phát triển hoạt động kinh doanh bằng cách cho phép tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn của chúng tôi. Đó cũng là chiến lược khác biệt của Techcombank về hệ sinh thái.
Tất cả điều này được củng cố bởi nền tảng và dữ liệu kỹ thuật số. Từ góc độ khách hàng, đây là một giải pháp tốt hơn, dữ liệu số mới, đáp ứng các nhu cầu và giúp họ thích nghi tốt nhất, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
- TP HCM đang tái định vị ngành công nghiệp cũng như các yêu cầu về chuẩn ESG, nên các doanh nghiệp đầu tư mạnh về phát triển bền vững. Dưới góc độ một ngân hàng, Techcombank có những giải pháp nào đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bền vững, thưa ông?
- Tính bền vững và tài chính xanh là lĩnh vực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Chúng tôi ước tính Việt Nam cần khoảng 1.000 tỷ USD đầu tư xanh để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Thực tế, chúng ta cần có rất nhiều khoản đầu tư. Techcombank luôn hy vọng đóng vai trò tích cực trong hành trình này. Đây cũng là một phần quan trọng trong mục tiêu chiến lược của chúng tôi phát triển bền vững.
Về các giải pháp mới, chúng tôi đang cố gắng thấu hiểu tốt nhất các nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, với khách hàng bán lẻ, Techcombank sớm ra mắt một sản phẩm mới, về cơ bản cho phép họ biết khi tiêu tiền, lượng khí thải carbon đằng sau số tiền đó là bao nhiêu. Họ có thể biết được nếu sử dụng taxi điện, lượng khí thải carbon sẽ thấp hơn taxi thông thường. Khách hàng sẽ thấy điều đó trên ứng dụng của mình vì ứng dụng đó có thể nắm bắt thông tin từ công ty taxi đang sử dụng.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang đưa tất cả giải pháp ESG phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Với thế mạnh của mình, Techcombank hợp tác với các tập đoàn, đối tác lớn để cung cấp giải pháp đáp ứng khi họ đầu tư lớn vào dự án xanh, tiêu chí ESG cho từng nhóm lĩnh vực ngành nghề phù hợp.
- Techcombank là một trong 10 đơn vị tiên phong tham gia vào C4IR - trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Đông Nam Á. Theo ông, định hướng đóng góp hay giải pháp của Techcombank cho C4IR là gì?
- Tôi nghĩ điều này phù hợp với định hướng phát triển của Techcombank là luôn đồng hành cùng Chính phủ và các địa phương trong việc thực thi chủ trương chính sách nhằm chuyển đổi, phát triển nền kinh tế. Việt Nam đang ở giai đoạn "vàng", là thời điểm nên tận dụng tối đa những gì đang có, như đầu tư trực tiếp nước ngoài vào, sự tăng trưởng và dân số trẻ... Trong khi đó, C4IR có thể đóng góp quan trọng, tạo ra khuôn khổ và nền tảng để Việt Nam xem xét, hiểu những cách tốt nhất để phát triển phù hợp.
Những tổ chức tài chính như chúng tôi đang làm việc tại Việt Nam, phục vụ khách hàng Việt sẽ có thể cùng tham gia trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi, ứng dụng số hóa. Đặc biệt, sự am hiểu lĩnh vực ngành nghề cùng giải pháp tài chính ứng dụng số hóa hiện đại Techcombank mang lại sẽ góp phần quan trọng cho quá trình chuyển đổi công nghiệp. Chúng tôi cam kết đóng góp vào hành trình quan trọng này.
- Sự đồng hành của các ngân hàng đóng vai trò quan trọng cùng với thành phố để tái định vị lại ngành công nghiệp. Vậy, Techcombank có những giải pháp hay những lời khuyên nào cho vấn đề này?
- Techcombank đang đầu tư rất nhiều để tăng cường sự hiện diện ở miền Nam, đặc biệt tại TP HCM. Chúng tôi mang đến những giải pháp phù hợp cho lĩnh vực ngành nghề, tại từng khu vực hay địa phương. Từ những nghiên cứu, Techcombank nhận thấy miền Nam có sự kết hợp độc đáo giữa các doanh nghiệp, tồn tại các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ công nghệ thông tin, công ty kỹ thuật và phát triển mới. Vì vậy, chúng tôi có các giải pháp tùy chỉnh riêng cho khách hàng SME và doanh nghiệp trong các loại lĩnh vực đó.
Tiếp đó, trong quá trình công nghiệp hóa lần thứ 4 sẽ có rất nhiều công ty mới được thành lập, như công ty kỹ thuật số, dữ liệu, công nghệ thông tin và chúng tôi đang tìm cách hợp tác với họ để phát triển. Cuối cùng, xu hướng tất yếu là sẽ có nhiều ngành công nghiệp tập trung vào phát triển xanh được thành lập và đặt trụ sở ở TP HCM. Techcombank có thể đồng hành cùng tất cả lĩnh vực nêu trên.
- Trong thời gian tới, Techcombank có những chính sách hay kế hoạch gì để đồng hành với các doanh nghiệp phát triển bền vững?
- Với nhiều doanh nghiệp, việc tăng trưởng ESG là một thách thức vì họ chưa có nhiều bộ kỹ năng, sự ưu tiên để tìm hiểu kiến thức, nhận thức, kinh nghiệm. Vì vậy, chúng tôi làm việc với các tập đoàn lớn cũng như chuỗi cung ứng và phân phối của họ, để có thể đưa những nhận thức về ESG vào các chuỗi giá trị. Đó là cách thực tế để nâng cao nhận thức về ESG, giải pháp bền vững Techcombank dành cho khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đang làm việc lại với một số đối tác để xem chúng tôi có thể mang lại giải pháp đơn giản cho khách hàng hay không. Từ đó, khách hàng giao dịch tại Techcombank không chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính, còn các giải pháp toàn diện để phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang châu Âu hoặc Mỹ.
Thanh Thư