Theo ông Quản Ngọc Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, thương hiệu là tài sản lớn nhất của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Nhưng tài sản vô giá ấy dễ mất đi nếu chúng ta không đủ tỉnh táo để có lựa chọn hợp lý trong từng giai đoạn phát triển kinh tế.
![TranPhu-1-jpg-1368754011_500x0.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/05/17/TranPhu-1-jpg-1368754011.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hAoGsJ29QeoSBVKxgcKVtA)
Trong năm 2013, khi nền kinh tế chung vẫn trên đà khủng hoảng và chưa có dấu hiệu phục hồi, Trần Phú đang có kế hoạch tăng thêm 30% sản lượng sản xuất dây điện dân dụng, sản phẩm từng được công nhận là thương hiệu chủ lực của thủ đô.
"Tới thời điểm này, hệ thống phân phối của công ty đã trải khắp phần lớn trên các tỉnh thành phía Bắc và từng bước tiến vào khu vực miền Trung, Đà Nẵng", ông Quản Ngọc Cường chia sẻ.
Kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối song song với chiến lược điều chỉnh mức sản xuất dây điện dân dụng cao hơn 30% so với năm 2012. Đồng thời, một dự án nhỏ hơn cũng đang được ông và ban giám đốc Trần Phú theo đuổi: đầu tư mở rộng hệ thống thiết bị sản xuất cáp động lực, vốn được coi là một sản phẩm đặc thù của Trần Phú.
Khi nhiều doanh nghiệp lớn có áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Trần Phú lại đáng được chú ý là những con số về doanh thu và lợi nhuận cộng, với mức thu nhập trung bình gần 8 triệu đồng một tháng cho mỗi công nhân. "Trần Phú may mắn sở hữu một thương hiệu có sức hút trên thị trường. Đó là thành quả lao động được tích lũy trong suốt nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên đi trước. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, việc bảo vệ thương hiệu từng tạo dựng trong quá khứ sẽ là bất khả thi, nếu thiếu một chiến lược phù hợp với từng giai đoạn phát triển", ông Cường cho biết thêm.
Bước ngoặt gần nhất của Trần Phú đến vào năm 2010, khi chuyển từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang mô hình công ty cổ phần. Thời điểm chuyển đổi này diễn ra cùng lúc với sự suy giảm của nền kinh tế Việt Nam. Chiến lược bảo vệ thương hiệu trong giai đoạn mới lập tức được ông và ban giám đốc đưa ra. Đó chính là tiết kiệm chi phí triệt để, quản lý tốt nguồn vốn và đặc biệt là tập trung phát triển dòng sản phẩm mũi nhọn.
"Trong điều kiện nguồn lực có hạn, chúng ta cần biết tạm ngắt nhịp, không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung khai thác, phát triển thương hiệu từ những gì vốn là thế mạnh sẵn có của mình", ông Cường nói, “
Với Trần Phú, đây là dòng sản phẩm dây điện dân dụng đã và đang được người tiêu dùng đón nhận. Kết quả của chất lượng sản phẩm cao được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại nhập từ châu Âu.
Ông Cường cho rằng thời điểm hiện tại chính là mốc hợp lý để "tăng tốc" và đón đầu giai đoạn phục hồi kinh tế trong tương lai. Hiệu quả sản xuất thu được cho đến nay đủ để công ty có điều kiện đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ và sản xuất thêm một bước. Đó là sự chuẩn bị phải tính đến để thương hiệu vượt lên khi nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu tích cực.
Hình thành từ năm 1984, Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú đang là doanh nghiệp do nhà nước nắm 65% cổ phần. Công ty đăng ký kinh doanh tại một địa chỉ duy nhất tại số 41 Phương Liệt, Hà Nội. Các sản phẩm của công ty đã liên tục được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm gần đây, cũng như đoạt cúp vàng chất lượng châu Âu năm 2006.
(Nguồn: Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú)