Bệnh nhân thiếu hợp tác, làm việc quá sức và thiếu vật tư đang là yếu tố gây khó khăn cho các nhân viên y tế trên toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19, khiến nhiều người bị lây nhiễm. Tại Malaysia, một thai phụ không tiết lộ cha cô nhiễm nCoV đã khiến một bệnh viện phải đóng cửa. Tại Philippines, 9 bác sĩ đã tử vong, trong đó có hai người từng tiếp xúc với bệnh nhân nói dối về lịch sử đi lại.
Tại Italy, một bác sĩ chết sau khi phải làm việc mà không có găng tay. Ở Tây Ban Nha, tính đến 27/3, 5.400 nhân viên y tế nhiễm nCoV, chiếm khoảng 14% tổng số người nhiễm, khiến nước này không còn đủ y bác sĩ để chăm sóc bệnh nhân. Tình trạng bệnh viện quá tải cũng đang diễn ra ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Singapore đang được coi là điểm sáng chống dịch. Nước này ghi nhận hơn 800 ca nhiễm nhưng số nhân viên y tế dương tính với nCoV chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Hơn nữa, những trường hợp này được cho là bị nhiễm từ bên ngoài chứ không phải trong bệnh viện, theo Vernon Lee, quan chức phụ trách mảng bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Singapore.
Các bác sĩ nói rằng nguyên nhân là ngành y tế Singapore đã chuẩn bị kỹ phương án đối phó đại dịch sau khi trả giá đắt vì bị SARS tấn công năm 2002. Nhân viên y tế chiếm 41% trong số 238 ca nhiễm SARS tại Singapore.
Do đó, các bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt phương án đối phó, yêu cầu nhân viên hoãn kế hoạch nghỉ phép và đi lại sau khi các ca nhiễm nCoV đầu tiên xuất hiện. Bệnh viện nhanh chóng phân chia nhân sự thành các nhóm để đảm bảo không thiếu nhân sự khi dịch diễn biến phức tạp và y bác sĩ được nghỉ ngơi đầy đủ.
Singapore có 13.766 bác sĩ, tức 2,4 bác sĩ trên 1.000 người. Chỉ số này ở Mỹ là 2,59, 1,78 ở Trung Quốc và 4,2 ở Đức. Trong khi đó, Myanmar và Thái Lan có chưa đến một bác sĩ trên 1.000 người.
Mục tiêu của Singapore là luôn đảm bảo duy trì các dịch vụ y tế trọng yếu với mức độ bảo vệ cao nhất cho y bác sĩ. Các bộ phận chức năng luôn có nguồn lực dự phòng và hoạt động tách biệt với nhau.
Để làm được điều này, họ cần duy trì tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân cao và có đủ chuyên viên phụ trách công việc quan trọng, như y bác sĩ làm việc tại khu chăm sóc đặc biệt, biết cách vận hành máy thở hoặc hệ thống tim phổi nhân tạo.
Chuyên viên cấp cứu nhi khoa Jade Kua cho biết các y bác sĩ khoa cấp cứu được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 21 người trực theo ca 12 giờ và không tương tác với các nhóm khác. "Người trong một nhóm sẽ luôn làm việc cùng nhau, cùng trực ca sáng hay tối. Nhóm khác cũng như vậy, chúng tôi không trộn lẫn", Kua nói.
Chia Shi-Lu, từ bệnh viện Đa khoa Singapore, cho biết các bác sĩ được tách ra theo nhiệm vụ. "Chúng tôi cố gắng tránh tiếp xúc với nhóm khác hết mức có thể. Chúng tôi chào hỏi nhau khi đứng ở hai đầu hành lang. Khi ăn uống cũng vậy, căng tin có quy định về khoảng cách ngồi giữa các nhân viên". Chia cho biết thêm rằng dịch vụ y tế công Singapore có thể huy động cả bác sĩ tư nhân.
Không phải quốc gia nào cũng có kế hoạch như vậy. Năm ngoái, Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu của Economist Intelligence Unit cho thấy 70% trong số 195 quốc gia chuẩn bị kém kế hoạch xử lý dịch bệnh. Khoảng 1/3 số nước không xác định được họ thiếu nhân sự ở mảng nào. Tại Ấn Độ, nước có dân số 1,3 tỷ người, chỉ khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc đặc biệt, y tế cấp cứu và phổi.
Trong khi đó, Singapore đã công bố Kế hoạch Phòng ngừa và Ứng phó Đại dịch cúm đầu tiên vào tháng 6/2005 và liên tục cải tiến nó. Các bệnh viện thường xuyên diễn tập kịch bản xảy ra đại dịch hay tấn công khủng bố. Bộ Y tế đôi khi giám sát hoạt động, đánh giá kịch bản đối phó và chỉ ra những mặt cần cải thiện.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh cần dự trữ thiết bị, vật tư y tế để tránh tình trạng thiếu hụt mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt - bài học rút ra từ SARS, khi Singapore đã lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ.
Một trường hợp đáng chú ý tại Singapore là 41 nhân viên y tế đã tiếp xúc hoặc đến gần trong vòng hai mét một bệnh nhân trung niên được đặt nội khí quản trước khi biết ông này nhiễm nCoV. Tình huống được coi là đặc biệt nguy hiểm vì bệnh nhân nhiều khả năng ho.
Họ đã được cách ly ngay sau khi biết ông này nhiễm nCoV. Cuối cùng, không ai dương tính với virus, bởi các y bác sĩ khi đó đều đeo khẩu trang y tế và N95. Tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine kết luận: "Sự cố này cho thấy khẩu trang y tế, vệ sinh tay và các quy trình tiêu chuẩn khác đã bảo vệ họ trước virus".
Trong bài luận năm 2008, chuyên gia y tế công cộng Singapore Jeffery Cutter viết rằng kho dự trữ của Singapore đủ để duy trì vật tư trong 5-6 tháng cho tất cả nhân viên y tế tuyến đầu.
Y bác sĩ Singapore cảm thấy yên tâm khi có đủ đồ bảo hộ. "Tôi an toàn và gia đình tôi an toàn", Kua, bà mẹ 6 con viết trên trang blog của mình.
Tuy nhiên, các nhân viên y tế Singapore đang phải đối mặt với một vấn đề khác: bị kỳ thị. Trong khi công chúng Pháp, Italy và Anh mở chiến dịch vỗ tay cổ vũ nhân viên y tế thì ở Singapore, một số người coi y bác sĩ là nguồn mang mầm bệnh.
"Tôi cố gắng không mặc đồng phục khi ở ngoài bệnh viện vì bạn không thể lường được sẽ xảy ra sự cố gì", một y tá Singapore nói. "Có lần một đồng nghiệp của tôi muốn đặt xe đến bệnh viện nhưng bị 5 tài xế từ chối".
Tình trạng tương tự diễn ra ở Ấn Độ, nơi Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn kêu gọi chính phủ giúp đỡ sau khi các nhân viên y tế bị chủ nhà xua đuổi.
Jeremy Lim, từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, cho rằng chính phủ phải can thiệp. "Sự kỳ thị có thể ảnh hưởng đến cả hiệu suất và động lực làm việc của các nhân viên y tế", Lim nói.
Trong trường hợp một nhân viên y tế bị nhiễm nCoV, mối đe dọa lớn "gấp ba lần". "Điều đó có nghĩa là đội ngũ y tế vốn đang chịu sức ép lớn bị thiếu đi một người, thêm một bệnh nhân phải chăm sóc và một loạt đồng nghiệp cần phải cách ly", Lim nói. "Chúng ta phải làm mọi thứ để giữ cho đội ngũ y tế an toàn".
Phương Vũ (Theo SCMP)