Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, lợi nhuận Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hơn 26.300 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15%, nằm trong top 3 lợi nhuận toàn ngành. Để đạt được sự tăng trưởng này, MB đã thực hiện nhiều chiến lược dài hơi đầu tư cho công nghệ, đồng thời, số hóa nền tảng giao dịch.
Đầu tư vào công nghệ
Theo đại diện nhà băng, trong cuộc đua số hóa ngành ngân hàng, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về ngân hàng có khả năng làm chủ công nghệ. Nhận thức được điều này, MB đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin từ sớm.
Đặc biệt, để nghiên cứu và đẩy mạnh hoạt động phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo, MB đã xây dựng mô hình Innovation Lab - không gian sáng tạo số đảm nhận hai nhiệm vụ: dẫn dắt công nghệ và áp dụng các công nghệ mới đối với các hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, MB cũng xây dựng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ trong ngân hàng thay vì sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Đến nay, đội ngũ chuyên gia và kỹ sư công nghệ đạt hơn 2.000 nhân sự, chiếm 10% tổng nhân sự toàn ngân hàng.
Về các dự án tự động hóa, MB ứng dụng AI, Machine Learning, Deep Learning trong hoạt động chăm sóc khách hàng và vận hành nội bộ. Các mô hình và phân tích dữ liệu cũng được nhà băng sử dụng để thiết kế chính sách, đồng hành, thúc đẩy kinh doanh và nhận diện sớm rủi ro. So với năm 2022, số lượng dự án tự động hóa các hoạt động trong năm 2023 đã tăng gấp 1,5 lần. Với khoản kinh phí xấp xỉ 50 triệu USD mỗi năm, MB thuộc nhóm những ngân hàng chi mạnh tay nhất cho hệ thống công nghệ.
Phủ sóng dịch vụ trên đa nền tảng
Trong 3 năm gần đây, MB đã triển khai dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác - Banking as a Service (BaaS). Với hơn 1000 APIs phủ rộng nhiều lĩnh vực, các chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp SME có thể kết nối và sử dụng trực tiếp các dịch vụ của MB trên các nền tảng đối tác thông qua API ở đa dạng các dịch vụ như thu hộ VietQR, thu hộ định danh; thanh toán, chi trả đối tác, chi hộ lương; nhận thông báo biến động số dư thời gian thực (real-time); quản lý dòng tiền; gửi tiết kiệm, mua và bán chứng chỉ tiền gửi trên kênh số...
Số hóa cách thức tiếp cận khách hàng
Đại diện ngân hàng này cho biết, đặt khách hàng là trung tâm của chuyển đổi số, của đổi mới và sáng tạo là động lực để MB nghiên cứu cũng như phát triển sản phẩm, giải pháp tiếp thị phù hợp với sở thích, thói quen của từng tệp khách hàng.
Nắm bắt nhu cầu thể hiện cá tính riêng của người dùng, MB phát triển nhiều sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao, hợp xu thế. Trong đó có bộ sưu tập thẻ đa năng hai trong một MB Hi Collection với lượng phát hành gần 2 triệu thẻ trong 2023, dịch vụ tài khoản số đẹp hay vòng tay thời trang tích hợp thanh toán MB Stellar... Tất cả các sản phẩm của MB đều có thể tiếp cận qua nhiều kênh, từ app MB Bank, sàn thương mại điện tử đến livestream qua nền tảng mạng xã hội, đảm bảo cho khách hàng có thể tiếp cận ở đa dạng lứa tuổi.
Song song đó, ngân hàng cũng tung loạt ưu đãi thẻ quanh năm, áp dụng tại trên 100.000 điểm mua sắm của các thương hiệu giúp khách hàng tiết kiệm chi phí. Với việc liên tục phát hành các bộ sưu tập mới cũng như cho phép mở thẻ phi vật lý trên ứng dụng MBBank, MB hướng đến xu thế thanh toán không tiền mặt, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ để giúp khách hàng có cuộc sống thuận tiện và hạnh phúc hơn.
Ngoài việc lọt vào top ba lợi nhuận toàn ngành, MB hiện cũng là ngân hàng dẫn đầu về quy mô khách hàng với hơn 26 triệu người dùng, tương đương khoảng 25% dân số Việt Nam. Trong năm 2024, nhà băng hướng tới mục tiêu phục vụ 30 triệu khách hàng.
Để đạt được mục tiêu này, đại diện MB cho biết, ngân hàng sẽ cải thiện trải nghiệm khách hàng, liên tục cập nhật sản phẩm, tập trung vào kinh doanh dữ liệu, sử dụng AI và Big Data để đưa ra thị trường những sản phẩm cá nhân hóa phục vụ người dùng.
Thảo Vân