Ông Nguyễn Vũ Anh - Phó tổng giám đốc Cốc Cốc cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, công ty chú trọng phân tích thói quen người dùng. Theo ông, đây là định hướng quan trọng với các công ty công nghệ bởi đó là cách để sản phẩm liên tục cập nhật, bổ sung tính năng mới, thu hút và giữ chân khách hàng. "Nhờ đó, Cốc Cốc luôn giữ được thị phần", ông nói.
Theo báo cáo của doanh nghiệp tính đến tháng 8 vừa qua , Cốc Cốc chạm mốc 25 triệu người dùng, đạt 13 triệu lượt tải di động. Trình duyệt tìm kiếm dành riêng cho người dùng Việt này cũng đồng thời vươn lên đứng thứ 4 trong số các trình duyệt di động. Từ tháng 8/2019 đến nay Cốc Cốc phát triển gấp đôi thị phần Công cụ tìm kiếm, đạt 6,5%, tương đương với thị phần của Bing (Microsoft) tại Mỹ.
Để chủ động về mặt tài chính, Cốc Cốc tạo một quỹ dự phòng để đảm bảo an toàn hoạt động trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn. Các tập khách hàng mang lại doanh thu mới và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng được Cốc Cốc tập trung khai thác. Ngoài ra, công ty quyết định điều phối nhân sự tối ưu theo nhóm ngành hàng, đồng thời cắt giảm các chi phí không cần thiết như công tác phí, chi phí thuê văn phòng, vận hành... "Chúng tôi không cắt giảm nhân sự bởi đây là tài sản lớn nhất của Cốc Cốc", ông Vũ Anh chia sẻ.
Vị này đánh giá Covid-19 đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp quyết liệt hơn trong mục tiêu thực hiện chuyển đổi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn bình thường mới. Với Cốc Cốc, việc nắm rõ thị hiếu của người Việt, văn hóa Việt là những lợi thế so với những đối thủ cạnh tranh nước ngoài, giúp doanh nghiệp này tiếp tục tập trung hơn nữa vào người dùng và thị trường Việt Nam.
"Cạnh tranh với Google về mặt nội dung thông qua việc sử dụng song song công nghệ và con người, đồng thời duy trì và phát triển mối quan hệ với các công ty nội địa để mang lại nhiều nội dung độc quyền, hấp dẫn cho người dùng, chẳng hạn các nền tảng cung cấp nhạc, video trực tuyến trong nước cũng là những mục tiêu dài hạn của chúng tôi", Phó tổng giám đốc Cốc Cốc chia sẻ thêm.
Văn Nam