Ngày 10/4, Apple chính thức nhận đặt hàng đồng hồ thông minh Apple Watch. Loại đồng hồ thời trang này tích hợp nhiều tính năng như đo nhịp tim, dịch vụ thanh toán ApplePay, đọc tin nhắn văn bản và email, hay nhận cuộc gọi (miễn là nó được kết nối với một chiếc iPhone ở gần). Dù vậy, lần giới thiệu sản phẩm này của Apple khá khác biệt, bởi hãng đưa ra một loạt phiên bản khác nhau, thông qua sự kết hợp giữa những lựa chọn - 2 kích cỡ cho mặt đồng hồ (38mm, 42mm), 3 loại vỏ (thép không gỉ, nhôm, và vàng 18 carat), và rất nhiều mẫu dây đeo.
Việc này đã khiến giá một chiếc Appe Watch dao động từ 349 USD (vỏ nhôm, dây cao su) đến 17.000 USD (vỏ vàng, dây da, và khóa cài). Trên Harvard Business Review, tác giả Rafi Mohammed cho biết ông chưa từng trải nghiệm Apple Watch. Tuy nhiên, dựa trên nhiều nguồn thông tin, ông đánh giá sản phẩm này điểm A về tham vọng và điểm D về chiến lược giá.
Trước tiên, hãy nói đến những điểm cộng của Apple Watch. Ngoài tiếp nối truyền thống của Apple - sự vượt trội trong công nghệ, chiếc đồng hồ này còn đưa Apple thâm nhập một thị trường mới - Thời trang. Apple biết rằng đồng hồ đeo tay có thể nói lên nhiều điều về chủ nhân của nó, còn hơn cả smartphone.
Các tín đồ thời trang ở New York, lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ, hay minh tinh Hollywood đều có gu rất riêng. Thế nên, đồng hồ đeo tay của họ cũng rất khác nhau. Với sản phẩm này, Apple đang cố gắng phục vụ nhiều đối tượng nhất có thể, thay vì sản xuất một loại phụ kiện smartphone chỉ dành cho tín đồ công nghệ. Tham vọng này khiến Apple xứng đáng đạt điểm A.
Nhưng ngược lại, chiến lược về giá mà Apple đang áp dụng rất có thể sẽ là trở ngại cho thành công dài hạn. Vấn đề đầu tiên là nâng cấp. Từ lâu, Apple đã bị chỉ trích vì việc nâng cấp quá thường xuyên, khiến các mẫu mã trước đó nhanh chóng trở nên lỗi thời. Nhiều người cho rằng Apple sẽ sớm cho ra phiên bản nâng cấp của Apple Watch, y như những gì họ làm với iPhone.
Bởi vậy, quên việc chi 17.000 USD mua đồng hồ đi. Tại sao bạn phải bỏ ra từng ấy tiền cho một chiếc đồng hồ đeo tay hàng ngày, khi mà bạn biết chắc nó sẽ lỗi mốt chỉ trong 1, 2 năm tới.
Vấn đề thứ hai, các nhà mạng đang dần bỏ chính sách trợ giá mua điện thoại và trả góp hàng tháng cho khách hàng. Nếu phải bỏ ra từ 649 - 849 USD cho một chiếc iPhone 6 (không kèm hợp đồng), chắc chắn người tiêu dùng sẽ không muốn lên đời điện thoại chỉ sau 1-2 năm. Tương tự, bán Apple Watch không trợ giá sẽ khiến khách hàng lo lắng về chi phí nâng cấp sau này.
Thứ ba, tầm giá của đồng hồ này quá rộng. Và đó là sai lầm lớn. Mức giá 349 USD có vẻ khá hợp lý, trong khi 17.000 USD là quá cao. Hiếm có thương hiệu nào lại muốn phục vụ nhiều đối tượng tiêu dùng như Apple với sản phẩm như Apple Watch. Chẳng hạn, Timex chuyên sản xuất đồng hồ giá rẻ, còn Rolex thì chỉ tập trung vào tầng lớp thượng lưu.
Nếu nhìn từ góc độ thương hiệu, mặt tiêu cực của chính sách giá này còn phức tạp hơn nữa. Khi người tiêu dùng thấy giá của sản phẩm lên đến 17.000 USD, họ sẽ nghĩ rằng với khoảng 8.000 USD, họ sẽ có một chiếc Apple Watch “không tồi” (xét từ khía cạnh công nghệ). Nhưng thực tế là, dù giá thế nào đi nữa, tính năng của Apple Watch cũng chỉ như nhau mà thôi. Sự chênh lệch về giá chẳng qua là do chúng được làm từ chất liệu và dây đeo khác nhau.
Lẽ ra, khoảng giá này nên thu hẹp lại, chỉ từ 249 - 2.000 USD. Việc này chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận mảng cao cấp. Nhưng cái Apple cần hiện nay là được đa phần người dùng chấp nhận.
Đối với loại đồng hồ đeo tay nhiều khả năng sẽ lỗi thời sau 1-2 năm, đây là chênh lệch giá hợp lý. Apple cũng nên hỗ trợ chính sách trả góp để tạo điều kiện cho khách hàng. Tiếp đó, để giảm lo ngại của khách hàng về việc công nghệ đồng hồ sẽ cải tiến trong tương lai, Apple nên đưa ra chương trình các thêm tiền để đổi cũ lấy mới, nhất là với các phiên bản giá cao.
Cuối cùng, Táo Khuyết nên cân nhắc biến Apple Watch thành hàng tặng kèm khi mua iPhone. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy doanh số bán iPhone 6. Đây cũng là ý tưởng hay để cạnh tranh với Samsung Galaxy S6 vừa được bán ra. Nếu Apple áp dụng sáng tạo những chiến thuật trên, họ sẽ vượt qua nhiều trở ngại để đảm bảo nền tảng cho những sản phẩm đồng hồ thông minh khác trong tương lai.
Thanh Tuyền (theo HBR)