Vấn đề này được các chuyên gia ngành công nghệ trong và ngoài nước thảo luận trong hội thảo "Qualcomm mang khởi nghiệp Việt chinh phục đẳng cấp quốc tế" vào ngày 25/11. Tại đây, Qualcomm gặp gỡ trực tiếp và trao đổi cùng các start-up Việt thuộc các lĩnh vực công nghệ trọng điểm 5G, IoT (Internet vạn vật), AI (Trí tuệ nhân tạo), Robot, Tự động hóa, Blockchain, Y tế,...
Các diễn giả nhận định, sự cạnh tranh của start-up đã chuyển qua giai đoạn "chạy đua" sức mạnh mạng lưới quan hệ, thay vì chỉ dừng lại ở công nghệ, sản phẩm, dịch vụ.... "Đứng trên vai người khổng lồ", tức hợp tác với các tập đoàn lớn, là cách thông minh để xây dựng hệ sinh thái bao quanh start-up. Đồng thời, doanh nghiệp này có thể chủ động tiếp cận, lựa chọn, tận dụng nguồn lực phù hợp để xây dựng bệ phóng vững chắc.
Ông Nguyễn Tử Quảng - CEO BKAV cho biết, hành trình 26 năm nỗ lực rút ngắn khoảng cách công nghệ Việt với thế giới đã giúp ông nhận được nhiều bài học đắt giá. Khi tận dụng lợi thế hạ tầng công nghệ từ các tập đoàn nước ngoài, start-up Việt nên tối ưu sản xuất phần cứng ngay trong nước. Khi hợp tác thành công với Qualcomm, BKAV đã thuyết phục hơn 200 đối tác khác dễ dàng hơn nhờ đơn vị đồng hành uy tín.
Phối hợp với Qualcomm, BKAV cũng thuận lợi ra mắt BPhone, AI Camera, tai nghe không dây, dịch vụ ODM và các dự án smart city. "Đó là một hành trình dài nhưng với sự hỗ trợ của đối tác Qualcomm, BKAV đã vượt qua rất nhiều khó khăn và đạt được những thành tựu nhất định, thương mại hóa các sản phẩm do người Việt sản xuất ra thị trường quốc tế", ông Quân nói thêm.
Trở về từ Mỹ, ông Vũ Ngọc Tâm - Nhà sáng lập kiêm CEO Earable, Giáo sư Đại học Oxford (Anh) và Đại học Colorado Boulder (Mỹ) cũng nhận định "đứng trên vai người khổng lồ" là chiến lược đúng khi triển khai hoạt động tại Việt Nam.
Công ty của ông thử nghiệm rất nhiều chipset và nhận thấy sản phẩm của Qualcomm tương thích hoàn hảo để sản xuất thiết bị tai nghe thông minh Earable. Nhờ sử dụng công nghệ chip này, đơn vị đã rút ngắn thời gian sản xuất để chạy đua hết tốc lực, dự kiến ra mắt sản phẩm vào đầu năm 2022 ở thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi làm thế nào để start-up có cơ hội hợp tác với "người khổng lồ", ông Vũ Ngọc Tâm cho biết, các doanh nghiệp cần phải chứng minh được tiềm năng phát triển nhanh của mình bởi tất cả các tập đoàn lớn, doanh nghiệp trị giá tỷ USD trên thế giới đều bắt đầu từ mô hình nhỏ. Sau đó, start-up phải nhanh nhạy nắm bắt ngay cơ hội khi "người khổng lồ" có tín hiệu muốn nâng đỡ.
Với hơn 10 năm cống hiến cho cộng đồng khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO IBP, Nhà sáng lập và Cố vấn chiến lược của BSSC khuyên start-up Việt cần "mài sắc" kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn và tận dụng tối đa nguồn lực từ các tập đoàn hàng đầu để phát triển công nghệ, mang sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.
Từ góc độ tập đoàn lớn, Bà Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Qualcomm cho biết, đơn vị triển khai chương trình "Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam" (QVIC) với kỳ vọng startup Việt có tiềm lực phát triển rất nhanh khi được định hướng và hỗ trợ bởi đội ngũ có tâm và đủ tầm. Bà cũng rất tự hào khi Qualcomm chọn Việt Nam là điểm đến thứ ba phát triển chương trình này, sau Ấn Độ và Đài Loan. Điều này cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng cho đấu trường quốc tế.
Hai startup thành công từ QVIC 2021, gồm: bà Bích Nguyễn - Đồng sáng lập Phenikaa Maas và ông Chu Đức Thành - Đồng sáng lập kiêm CEO Rostek Agv, cũng nhận định chương trình là một trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ. Theo bà Bích, Bus Map (tên cũ của Phenikaa Maas) đã "lột xác" khi có sự hỗ trợ từ đội ngũ công nghệ của Qualcomm. Việc huấn luyện 1-1 trong chương trình là điều rất quan trọng đối với sự trưởng thành của một start-up.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Thành khuyên các start-up nên mạnh dạn đăng ký khi "người khổng lồ" hỗ trợ. Cùng với cơ hội học hỏi và trải nghiệm giá trị, các startup nên đổi mới sản phẩm, tận dụng tối đa nguồn lực Qualcomm cung cấp như công nghệ, đội ngũ kỹ sư hỗ trợ...,và chiến đấu hết mình.
QVIC cũng khuyến khích các công ty khởi nghiệp Việt Nam nắm bắt sự hỗ trợ về nền tảng công nghệ và tài chính từ Qualcomm để tạo ra nhiều phát minh, sáng kiến cho Việt Nam và thế giới.
(Nguồn: Qualcomm Việt Nam)
Thời gian đăng ký QVIC 2022 sẽ kết thúc vào ngày 30/12. Đăng ký tại đây.