Ông Lee Yong Kyun, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lavifood chia sẻ thêm về chiến lược nâng tầm nông sản Việt.
- Là một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về các mặt hàng nông sản xuất khẩu, ông đánh giá tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam ra sao?
- Việt Nam giàu tiềm năng về nông sản, nhất là rau củ quả với sản lượng lên tới 22 triệu tấn mỗi năm nhưng chỉ có 9% trong số đó được chế biến. Thực tế, lâu nay nếu xuất khẩu, nông dân chỉ bán được trái cây tươi loại một.
Ví dụ, vừa qua, hàng trăm tấn thanh long bị đổ bỏ đi vì giá quá rẻ, thanh long ruột đỏ chỉ có 3.000- 4.000 đồng một kg, thanh long ruột trắng thương lái không mua. Bà con đổ bỏ đầy gốc, thậm chí là mang cho bò ăn. Đây chính là một sự lãng phí rất lớn.
- Doanh nghiệp đã tận dụng tiềm năng này ra sao tại Việt Nam?
- Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực, Laivifood với sự trợ giúp của Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với tỉnh Tây Ninh để xây dựng nhà máy có công suất 60.000 tấn thành phẩm một năm.
Chúng tôi sẽ thu mua hết tất cả các loại trái cây. Trái cây loại một sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai. Nhà máy đi vào hoạt động không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam mà còn góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ 0,26 USD lên 3,6 USD mỗi m2.
- Sản phẩm chính của nhà máy này là gì?
- Nhà máy Tanifood được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15ha với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Khi đưa vào hoạt động, nhà máy có thể sản xuất 10.000 tấn trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt; 5.000 tấn hoa quả sấy khô, sấy dẻo mỗi năm.
Bên cạnh đó, mỗi năm, nhà máy có thể sản xuất nước ép trái cây bao gồm đóng 144 triệu lon, 230 triệu chai PET, 72 triệu chai thủy tinh và 144 triệu hộp giấy... Như vậy, 500 tấn nguyên liệu được chế biến mỗi ngày. Như vậy, nhà máy sẽ hỗ trợ thu mua nguyên liệu cho nông dân.
- Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất tại nhà máy như thế nào?
- Hiện nay, chúng tôi ứng dụng công nghệ cao cho khâu trồng trọt và xây dựng vùng nguyên liệu bằng phần mềm giúp người nông dân có thể biết được độ ẩm của đất, xác định lượng nước cần để tưới, lượng phân đủ để bón cho cây trồng cũng như các cảnh báo về sâu bệnh... để họ có thể canh tác an toàn, dễ dàng và sản lượng cao hơn.
Ứng dụng này cũng giúp tư vấn chọn lựa loại cây trồng phù hợp với loại đất, loại chất cần phải bổ sung cho đất, từ đó hợp tác với công ty sản xuất phân bón để sản xuất những loại phân bón đặc thù vừa cải tạo đất vừa tốt cho cây.
Chúng tôi cho rằng, làm nông nghiệp cũng như làm bóng đá, muốn phát triển, muốn chiến thắng muốn vô địch không còn cách nào khác là phải đầu tư. Đầu tư cho cả con người lẫn công nghệ.
- Rau củ chế biến sẵn khá kén chọn người dùng, để thuyết phục khách hàng toàn cầu, doanh nghiệp có kế hoạch ra sao?
- Châm ngôn hoạt động của Lavifood là "đầu tiên, tốt nhất và duy nhất". Việc đầu tiên là hoàn thiện nhà máy chế biến nông sản. Cái tốt nhất và duy nhất tôi đang nghiêm túc thực hiện là xây dựng chính sách, hỗ trợ người dân trong việc sản xuất và ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến.
Hiện nay, toàn bộ dây chuyền từ các nhà máy của Lavifood đều nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Nhật... Ví dụ, để sản xuất trái cây tươi và rau củ đông lạnh, chúng tôi sử dụng công nghệ VHT (Vapour Heat Treatment) và cấp đông từng cá thể (IQF) giúp rau củ, trái cây giữ được tối đa sự tươi ngon cũng như dinh dưỡng sau quá trình xử lý.
Chúng tôi sử dụng công nghệ xử lý bằng áp suất cao HPP (High Pressure Processing) giúp giữ nguyên vẹn độ tươi ngon và dinh dưỡng của thành phẩm, kéo dài thời hạn sử, nâng cao giá trị, độ an toàn của sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu thành phẩm và tiến hành xuất khẩu. Hệ thống kiểm soát chất lượng của Lavifood cũng nhiều chứng chỉ quốc tế.
- Tại Việt Nam, Lavifood làm gì để giúp nông dân nâng tầm nông sản?
- Với kinh nghiệm hơn 4 năm xuất khẩu sản phẩm sang các nước Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Mỹ... chúng tôi cho rằng, muốn sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận phải đầu tư bài bản từ đầu, có công nghệ chuẩn, mô hình tốt và làm thật nghiêm túc. Vùng trồng cần được quản lý, để biết được cây trồng đang sử dụng phân bón gì, đảm bảo không còn dư lượng trước khi đưa vào chế biến, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, giữ được hương vị tươi của sản phẩm.
Vì thế, Lavifood đã xây dựng chuỗi giá trị nông sản liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối) để tạo mối liên kết chặt chẽ từ nghiên cứu, cung cấp giống cây trồng, phân bón, đào tạo kỹ thuật canh tác, hợp tác với ngân hàng hỗ trợ tài chính cho người nông dân, cho đến khâu chế biến ứng dụng công nghệ cao.
- Kế hoạch của công ty thời gian tới là gì?
- Trong thời gian tới, Lavifood sẽ tiến tới giai đoạn cao hơn nữa là "ready to eat" (sẵn sàng để ăn), chứ không dừng lại ở khái niệm "ready to cook" (sẵn sàng để nấu), vốn đã phổ biến trên thế giới. Sản phẩm trái cây của Lavifood chỉ cần bóc bao bì ra ăn, sạch sẽ và ngon lành mà không có chút hóa chất nào. Khi đi vào hoạt động, nhà máy Tanifood sẽ trở thành nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chuẩn LEED-Silver do US Green Building Council (USGBC) cấp dựa trên những tiêu chí thân thiện với môi trường.
Xem thêm về nhà máy của Lavifood:
Tâm Anh
Công ty Cổ phần Lavifood là một trong số đơn vị mua bản quyền quyền phát sóng AFF Cup 2018. Ngoài ra công ty còn chi hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển thể thao Việt Nam. Lavifood thành lập năm 2014 với nhà máy đầu tiên đặt tại khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Sản phẩm chủ lực của công ty là rau củ quả nhiệt đới đông lạnh như xoài, khóm, chanh dây, thanh long, khoai môn... được xuất đi 7 quốc gia, trong đó có Mỹ. |