Ngày 28/6 tại TP HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị góp ý dự thảo đề án "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Đây là hội nghị thứ hai, sau sự kiện tương tự diễn ra ở Hà Nội, nhằm góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam. Hội nghị có sự góp mặt của nhiều người, đại diện cho các nhà sản xuất, các đạo diễn, đại diện cơ quan quản lý văn hóa của các tỉnh phía Nam. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra chiến lược cho phát triển điện ảnh Việt Nam trong 7 năm tới và có tầm nhìn cho 10 năm tiếp theo là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh điện ảnh Việt chưa có nhiều điểm sáng như hiện nay.
Tuy vậy, chiến lược bị nhận xét còn khá chung chung nên khó để hình dung được những kết quả tốt đẹp như trong văn bản được đề ra. “Chỉ cần nhìn tổng số phim sản xuất hàng năm cũng đã thấy được mức phát triển của điện ảnh nước nhà chưa đủ lực. Ngay như Indonesia, một năm họ sản xuất đến 81 phim thì thấy chúng ta còn phải phấn đấu nhiều. Những chiến lược được phác ra cho thấy chúng ta có tầm nhìn, có xu hướng nhưng thật ra rất cần có một đề cương cụ thể, chi tiết hơn cho quy hoạch phát triển chiến lược này, kể các vấn đề huy động vốn, ngân sách”, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim, cựu Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam nhận xét.
Đạo diễn Lê Hoàng cho biết, chiến lược đề cập khá nhiều về xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất cũng như đầu tư kỹ thuật làm phim. Tuy vậy, điều anh quan tâm hơn hết là phần phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. “Máy móc, kỹ thuật đều là những thứ có thể nhanh chóng được cập nhật, trang bị khi có đủ tiền. Còn đào tạo con người, nhân lực cho điện ảnh, đưa người sang học ở nước ngoài thì rất cần chiến lược lâu dài và cần được triển khai sớm”, anh nói.
Trong số nhiều giải pháp kích thích nền điện ảnh phát triển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề ra việc xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, nhằm trao thưởng cho các tác phẩm điện ảnh có giá trị về mặt nội dung , tài trợ cho các phim nghệ thuật và phim của đạo diễn trẻ tài năng. Quỹ này được lên kế hoạch trích từ doanh thu của các phim đặt hàng hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách nhà nước, trích tỉ lệ phần trăm tiền vé xem phim tại các rạp, trích tỉ lệ phần trăm thu được từ tiền quảng cáo của các chương trình chiếu phim trên truyền hình… Tuy vậy, khi vấn đề này được đặt ra ngay tại hội nghị lại chưa thu hút nhiều đóng góp cụ thể từ các doanh nghiệp sản xuất phim. Đây vẫn là vấn đề cần lấy thêm ý kiến thêm trong thời gian tới.
Dự thảo có đề cập đến việc khuyến khích môi trường tự do sáng tạo cho các nghệ sĩ thông qua các cuộc thi viết kịch bản, các trại sáng tác… Ngoài ra, Cục điện ảnh lên kế hoạch xây dựng thông tư hướng dẫn phân loại phim theo độ tuổi khán giả cũng như sửa đổi và bổ sung vào Luật điện ảnh trong thời gian tới..
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim, vấn đề được nêu ra cũng chưa cho thấy nét cụ thể. “Khâu kiểm duyệt phim rất quan trọng và cần thiết nhưng cần có những tiêu chí rõ ràng để vừa có thể hạn chế được những phim giải trí, tào lao của một bộ phận người làm phim chỉ chạy theo doanh thu. Nhưng đống thời cũng cần tránh gây hiểu nhầm là làm mất đi sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ. Còn việc phân loại phim theo độ tuổi cũng chỉ là một trong những cách đối phó. Với những phim tào lao thì độ tuổi nào cũng không nên xem ”, ông chia sẻ với VnExpress.net.
Vị cựu chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam cũng nhắc lại vấn đề phim Bụi đời Chợ Lớn gây tranh cãi trong thời gian qua. Ông cho biết, ông cũng là một trong số những khán giả tham dự buổi chiếu phim này tại Hà Nội và ủng hộ quan điểm cấm phát hành phim. “Ý nghĩa của bộ phim thì khá sơ sài, còn chỉ tập trung miêu tả những cảnh đánh nhau, chết chóc, máu me. Mà cảnh đánh nhau cũng không phải là cảnh hành động đẹp mắt mà toàn những màn vác gậy, đuổi đánh… Tôi nghĩ bản thân người nghệ sĩ cũng cần có trách nhiệm với tác phẩm mình làm ra’, ông nói.
Ý tưởng đề ra tầm nhìn chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đã được Cục điện ảnh đặt ra từ năm 1993. Bản dự thảo đầu tiên cũng ra đời từ năm 1995 nhưng vẫn chưa có những bước triển khai thành công. Cục điện ảnh xây dựng lại chiến lược này vào năm 2012 và đề ra dự thảo, lấy ý kiến góp ý của nhiều người. Sau hai cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp tại Hà Nội và TP HCM, ban tổ chức hoàn chỉnh đề cương quy hoạch cụ thể, sau đó trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Dự kiến cuối năm 2015 có buổi tổ chức sơ kết chiến lược và đến cuối năm 2020 là chặng tổng kết.
Một vài vấn đề thực trạng và hướng phát triển điện ảnh Việt Nam trong dự thảo chiến lược: Hiện nay cả nước có 97 rạp và cụm rạp với 246 phòng chiếu, trong đó có 72 rạp chiếu do nhà nước quản lý với trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp trầm trọng, hoạt động cầm chừng. Tổng số rạp chiếu phim cần được nâng cấp và xây dựng mới là 106 rạp, trong đó xây mới 57 rạp, nâng cấp 49 rạp... Có một sự chênh lệch giữa tỷ lệ xem phim trong nước và quốc tế tại hai hệ thống rạp nhà nước và tư nhân. Tại hệ thống rạp do nhà nước quản lý số buổi chiếu phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 31,6% với lượng người xem phim Việt khoảng hơn 1,7 triệu lượt người (chiếm 40%), lượng người xem phim nước ngoài là khoảng 2,4 triệu lượt người (chiếm 60%). Trong khi đó, hệ thống rạp của công ty nước ngoài liên doanh và tư nhân, phim Việt Nam chiếm tỷ lệ 34%, số lượng người xem phim Việt Nam khoảng 2,7 triệu lượt người, còn số lượng người xem phim nước ngoài là 8,8 triệu lượt người xem. Hướng phát triển sắp tới là đẩy mạnh phim truyện Việt Nam chiếu rạp, đảm bảo tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Chiến lược nhấn mạnh cần tập trung đầu tư vào đầu phát triển cơ sở kỹ thuật và công nghệ, phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% số phim sản xuất bằng công nghệ số hiện đại để chiếu rạp, 70% phòng chiếu được đầu tư, lắp đặt kỹ thuật số. Năm 2020 đạt 100% số phim sản xuất bằng công nghệ số hiện đại chiếu ở rạp và 100% số phòng chiếu được đầu tư lắp đặt kỹ thuật số. |
Thất Sơn