Kỳ vọng là ngân hàng tiêu dùng kỹ thuật số Đài Loan hàng đầu Đông Nam Á, CUB tập trung phát triển sản phẩm, hợp tác đa lĩnh vực, ứng dụng công nghệ, tuyển dụng nhân tài địa phương.

Ông Joe Liang, Phó tổng giám đốc Cathay United Bank (CUB) cho biết trong suốt 18 năm hiện diện tại Việt Nam, đơn vị tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Nhưng với sự điều chỉnh định hướng chiến lược và các cơ hội thị trường, ngân hàng mong muốn tiếp cận với khách hàng tại thị trường Việt Nam ở một khía cạnh mới: cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện hơn. Điều này thể hiện trong mục tiêu: trở thành ngân hàng tiêu dùng kỹ thuật số Đài Loan hàng đầu tại Đông Nam Á. Để phân tích sâu hơn về tầm nhìn chiến lược, sau sự kiện ra mắt ứng dụng CUB Vietnam ngày 28/3, ông Joe Liang có buổi trò chuyện cùng VnExpress về những mục tiêu cụ thể trong năm nay.

Nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy khắc nghiệt trong cạnh tranh, ông Joe Liang cho biết đơn vị vạch rõ bốn chiến lược cho năm 2024. Đầu tiên, CUB tạo trải nghiệm sản phẩm phù hợp với thị trường. Ngân hàng sẽ ra mắt các sản phẩm tài chính tiêu dùng được thiết kế riêng dựa theo thói quen và nhu cầu thị hiếu của thị trường. Sản phẩm linh hoạt điều chỉnh dựa trên các phản hồi của thị trường, cải tiến nhằm tối ưu trải nghiệm khách hàng.

Kế tiếp, CUB mở rộng kênh hợp tác đa lĩnh vực trong nước nhằm hiểu hơn về nhu cầu đời sống hàng ngày của người Việt Nam. Sự am hiểu sẽ trở thành nền tảng cho các sản phẩm tài chính để đồng hành với những khó khăn của khách hàng.

Để tạo sự tiện lợi, hoạt động ngân hàng cần dựa trên dữ liệu số và tích hợp công nghệ hiện đại. Thông qua kết hợp nguồn dữ liệu nội bộ và các kênh thông tin khác, đơn vị tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, hiểu sâu hơn về nhu cầu và thói quen của khách hàng, tăng khả năng kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động.

Trụ cột cuối cùng là phát triển đội ngũ nhân tài để hiện thực hóa chiến lược phát triển tại Việt Nam. Ngân hàng đặt trọng mục tiêu vào việc tuyển dụng lượng lớn nguồn nhân lực bản địa, kết nối chặt chẽ với trụ sở chính nhằm xây dựng chiến lược phù hợp để mở rộng thị trường tiềm năng này.

Vì sao sau 18 năm mới gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng? Ông Joe Liang phân tích, thị trường và thói quen người dùng tạo thời cơ chín muồi cho bước chuyển mình này.

Cơ cấu dân số Việt Nam trẻ, tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số đáng kể. Với tổng dân số gần 100 triệu dân, đây là một trong những quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, nền kinh tế phát triển nhanh cùng với nhu cầu tài chính mạnh mẽ. Thế hệ trẻ thành thạo hệ sinh thái kỹ thuật số và đang trở thành lực lượng làm thay đổi ngành ngân hàng truyền thống. Song song, Chính phủ Việt Nam có nhiều hoạt động hỗ trợ dành cho các tổ chức tài chính nước ngoài và tạo thuận lợi về khung pháp lý an toàn cho việc hoạt động.

Năm 2021, tập đoàn Tài chính Cathay Financial Holdings (CFH) thành lập Trung tâm Phát triển Công nghệ số Cathay (CDC) tại Đài Loan - trụ sở chính cho việc xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. CDC chủ yếu hỗ trợ phát triển kỹ thuật số, thiết kế, và phát triển kinh doanh đổi mới của tập đoàn Cathay ở Đông Nam Á.

Văn phòng liên doanh giữa các công ty con đã được thành lập tại TP HCM với tên gọi CDC (HCMC). Nơi đây tích hợp nhân tài công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số của Cathay United Bank, Cathay Life và Cathay Insurance. Đây cũng là trung tâm đầu tiên cho đội ngũ nhân viên công nghệ ở nước ngoài của CFH ở Đông Nam Á.

Hiện nay, Cathay United Bank đã thành lập các chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong khu vực, đơn vị đã có một chi nhánh tại TP HCM và hai văn phòng đại diện tại Hà Nội, Quảng Nam. Sắp tới, ngoài việc kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các công ty con trong tập đoàn. "Bằng cách tích hợp nguồn lực tập đoàn và tận dụng sự tương đồng, chúng tôi có thể mở rộng các kịch bản kinh doanh đa dạng", ông Joe Liang nhấn mạnh.

Về lý do chọn đặt trung tâm phát triển thông tin đầu tiên tại Việt Nam, lãnh đạo lý giải quốc gia này được tập đoàn định vị là "ngôi nhà thứ hai". Để tạo nền tảng cho "ngôi nhà" này, ngân hàng ra mắt ứng dụng CUB Vietnam nhằm đa dạng tiện ích cho người dùng tại Việt Nam. Trong tương lai, các sản phẩm liên tục được tối ưu hóa và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt.

Tuy đi sau trong thị trường tài chính tiêu dùng nhưng theo Phó tổng giám đốc CUB, ngân hàng tự tin cạnh tranh công bằng nhờ giàu kinh nghiệm chuyển đổi kỹ thuật số từ Đài Loan. Đơn vị cũng hướng đến việc chuyển giao, trao đổi kinh nghiệm số hóa, trí tuệ và phát triển dữ liệu số ở Đài Loan sang Việt Nam để hỗ trợ thị trường phát triển.

Mở giao diện của ứng dụng, Phó tổng giám đốc CUB giới thiệu giao diện khá thân thiện với người dùng phổ thông. Điểm đặc biệt khác, hạn mức tín dụng được cấp có thời hạn duy trì lên đến 5 năm. Nghĩa là trong thời gian duy trì hạn mức, khách hàng có thể rút vốn nhiều lần, không cần đăng ký lại từ đầu. Đồng thời, với việc tuân thủ quản lý rủi ro, ứng dụng cung cấp các thời hạn cho vay hợp lý cho từng lần giải ngân nhằm đạt được đáp ứng nhu cầu tài chính toàn diện của khách hàng.

"Vì GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, sức mua của thị trường nội địa cũng sẽ tăng trưởng mạnh. Trong tương lai, chúng tôi cung cấp cho khách hàng của mình dịch vụ tài chính toàn diện nhất. Hy vọng với sự hỗ trợ tài chính kịp thời từ Cathay, khách hàng có thể dễ dàng hiện thực hóa các nhu cầu và đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trong đời sống", ông Joe Liang nêu, khép lại buổi trò chuyện.

Nội dung: Minh Tú

Thiết kế: Hằng Trịnh

Kỹ thuật: Quốc Tuấn