Chuyển đổi số ngân hàng là định hướng của toàn ngành, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều thách thức như đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chi phí đầu tư vào hạ tầng công nghệ...
Tại Eximbank, ban lãnh đạo xác định chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong chiến lược hoạt động, cơ hội để tăng tốc và tạo ra sự đột phá, khẳng định vị thế. Đơn vị đã chuẩn bị cho giai đoạn mới để mở rộng cơ hội kinh doanh ở các phân khúc chiến lược.
"Eximbank xác định công nghệ là động lực dẫn dắt sự đổi mới, phát triển của tổ chức theo cả chiều sâu và chiều rộng. Chúng tôi đang không ngừng đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công nghệ với mục tiêu hiện đại - xanh - an toàn - bảo mật", đại diện Eximbank khẳng định.
Theo đó, Eximbank hướng tới đảm bảo sự tăng trưởng của mình, đóng góp vào sự phát triển của ngành nói chung bằng cách đầu tư vào công nghệ, chú trọng đến khách hàng và xây dựng nền tảng quản lý linh hoạt.
Nhà băng ra mắt Eximbank Ebiz, nền tảng bảo lãnh số cho doanh nghiệp thời 4.0. Đây là giải pháp bảo lãnh trực tuyến, trên cơ sở công nghệ tự động hóa, bảo mật, giúp người dùng tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khi sử dụng nền tảng này người điều hành doanh nghiệp có thể phê duyệt các giao dịch và quản lý tài chính mọi lúc mọi nơi trên điện thoại di động, máy tính bảng... Đồng thời, Eximbank Ebiz được ngân hàng đầu tư từ giao diện đến tính năng, đảm bảo về an toàn bảo mật cho khách hàng.
Trước đó, ngân hàng triển khai các dự án số hóa, trong đó có ứng dụng công nghệ robot tự động hóa quy trình nghiệp vụ, hỗ trợ rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Eximbank triển khai chương trình bảo lãnh doanh nghiệp online. Ảnh: Eximbank
Eximbank cũng đưa vào vận hành các công nghệ hỗ trợ kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ cho khách hàng như hệ thống quản lý khách hàng CRM, hệ thống khởi tạo khoản vay và quản lý quy trình kinh doanh LOS-BPM, sản phẩm tài khoản định danh (Virtual Account), ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào tổng đài chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng tập trung nguồn lực triển khai các nhóm mục tiêu trọng điểm như mở rộng phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, thay thế hệ thống Core thẻ; triển khai dịch vụ thanh toán mới Apple Pay, Garmin Pay, Google Pay; hệ thống ngân hàng mở (Open banking); ứng dụng công nghệ ChatGPT trong quản trị vận hành, công nghệ AI kết hợp (Block chain); Big Data trong quản trị, phân tích dữ liệu phát triển nền tảng khách hàng mới và duy trì sự gắn kết của người dùng hiện hữu trong nhiều hoạt động...
Trong chiến lược dài hạn, Eximbank kỳ vọng góp phần định hình thị trường tài chính số tại Việt Nam thông qua sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và dịch vụ khách hàng. Qua đó, nhà băng có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.
Thiên Minh