Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã chứng khoán MCH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty là 1.515 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng vượt bật đến từ đà tăng của doanh thu và biên lợi nhuận gộp.
Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp trong nửa đầu năm đạt 7.338 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 5.462 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng này chủ yếu do gia tăng doanh thu của ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp của Masan.
Biên lợi nhuận gộp của MCH cũng tăng khoảng 133 điểm cơ bản lên 45,7% trong nửa đầu năm 2018 nhờ vào chiến lược cao cấp hóa các sản phẩm trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi.
Trong đó, doanh thu thuần của ngành gia vị tăng gần 42%, lên mức 3.038 tỷ đồng. Các nhãn hiệu chủ lực như Nam Ngư và Chin-su đóng góp 90% vào tăng trưởng, trong khi các sản phẩm mới đóng góp 10% còn lại.
"Chiến lược cao cấp hóa sản phẩm tiếp tục đem lại hiệu quả, khi mà mức đóng góp vào doanh thu từ các sản phẩm cao cấp như nhãn hiệu Chin-su, Nam Ngư Nhãn Vàng, Nam Ngư Phú Quốc, Tam Thái Tử Thượng Hạng tăng lên 25% so với mức 20% trong quý II/2017", đại diện Masan Consumer nhận định.

Các sản phẩm cao cấp của dòng Nam Ngư từng bước chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu doanh thu ngành hàng gia vị của Masan Consumer.
Tỷ lệ tồn kho trong ngành gia vị giảm đến phân nửa, với giá trị tồn kho tính đến cuối tháng 6 chỉ còn 344 tỷ đồng, so với 660 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2017. Ban điều hành MCH ước tính doanh thu thuần cho cả năm 2018 sẽ rơi vào khoảng 6.000 đến 7.000 tỷ đồng, và điều này đến từ việc cao cấp hóa các ngành hàng cốt lõi.
Ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan duy trì đà tăng trường nhờ vào sự phục hồi của các nhãn hiệu cốt lõi và các phát kiến mới cho giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh. Ngành ghi nhận doanh thu thuần tăng 37%, lên mức 1.996 tỷ đồng trong hai quý đầu năm.
Việc tung ra sản phẩm mì mới nhắm vào giới trẻ (như mì ly Omachi, Tiến Vua) và việc mở rộng sang các loại khác như mì sợi cao cấp sẽ góp phần vào tăng trưởng của ngành hàng. Đơn vị kỳ vọng doanh thu của ngành thực phẩm tiện lợi sẽ đạt khoảng 4.500 tỷ đồng trong năm 2018.
Thịt chế biến cũng là một trong những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất của MCH. Sau khi tăng trưởng gần 6 lần trong năm 2017, ngành hàng này cũng sẽ theo chiến lược cao cấp hóa bằng phát kiến sản phẩm mới. Việc liên doanh với Jinju Ham - nhà sản xuất thịt chế biến hàng đầu tại Hàn Quốc sẽ giúp đem lại công nghệ để chế biến các sản phẩm mới vào cuối năm 2018.
Ngành hàng cà phê (không bao gồm Wake-Up 247) ghi nhận doanh thu thuần 648 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 16,3% so với nửa đầu năm 2017. Doanh thu cho ngành hàng cà phê dự kiến đạt khoảng 1.700-2.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Trong khi, doanh thu thuần đồ uống cũng tăng hơn 24% so với cùng kỳ, đạt 1.233 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này đến từ việc mở rộng hệ thống phân phối ra toàn quốc của nhãn hiệu Wake-up 247, từ 75.000 điểm bán vào cuối năm 2017 lên 90.000 điểm bán ngày hôm nay. Nhãn hiệu nước tăng lực Compact mới được tung vào tháng 4 dự kiến cũng sẽ giúp gia tăng thị phần và gia nhập phân khúc nước tăng lực truyền thống. Do đó, ban điều hành công ty kỳ vọng doanh thu ngành đồ uống sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng cho cả năm 2018.
Theo kế hoạch, MCH kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trong cả năm 2018 sẽ tăng lần lượt là 25% và 50%. Tỷ suất sinh lời EBITDA cũng được đặt mục tiêu đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2017. Nếu đúng theo kế hoạch này, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Masan Consumer trong năm nay có thể lên đến 3.100-3.400 tỷ đồng.