Tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 ngày 28/11, thương vụ Masan Group mua chuỗi VinCommerce và VinEco đã đứng đầu danh sách 10 thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp Việt Nam nổi bật giai đoạn 2009-2023.
Bước đầu tiến vào ngành giải khát
Bước chân đầu tiên trên con đường M&A của Masan là thâm nhập vào thị trường nước giải khát thông qua việc mua chi phối 50,3% cổ phần Vinacafe vào năm 2011. Sau đó tỷ lệ được tăng lên 53,2% vào năm 2012. Tổng giá trị đầu tư của thương vụ này là 58 triệu USD.
Để tiến sâu hơn vào ngành giải khát, năm 2013, Masan mua 24,9% cổ phần của nước khoáng Vĩnh Hảo, sau đó mua thêm cổ phần và tăng tỷ lệ sở hữu lên 63,5%. Từ 2014-2015, doanh nghiệp lần lượt đầu tư vào Cholimex Food, Nước Khoáng Quảng Ninh và Công ty thực phẩm Dinh Dưỡng Sài Gòn.
Thương vụ với VinGroup, Phúc Long
Năm 2019, Masan Group sáp nhập hệ thống bán lẻ VinCommerce (hiện nay là WinCommerce) từ VinGroup và chính thức sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ (hiện nay là WinMart, WinMart+). Đến 2020, Vonfram Masan (công ty con của Masan High-Tech Materials) mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C Starck Group GmbH.
Năm 2021 Masan chi 15 triệu USD (tương đương 340 tỷ đồng) để nắm 20% cổ phần, với định giá lần đầu là 75 triệu USD. Chỉ một năm sau, định giá của Phúc Long tăng gấp 6 lần lên gần 450 triệu USD, sau khi Masan chi hơn 6.100 tỷ đồng để mua thêm 65% cổ phần. Hiện tại, tập đoàn đang sở hữu 85% cổ phần của chuỗi cà phê này. Năm 2022 vừa qua, doanh nghiệp tiếp tục mua 15% cổ phần của Nyobolt Limited.
Các thương vụ trên, đã đưa Công ty CP Tập đoàn Masan trở thành doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu giai đoạn 2009-2023, tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023).
Trong những năm qua, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài mạnh tay chi tiền và hiện nắm hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam. Xu hướng này chưa dừng lại khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, thách thức.
Đại diện Masan cho biết dấu ấn đáng nhớ nhất là với thương vụ sáp nhập hệ thống bán lẻ VinCommerce. Theo đó, ban lãnh đạo chỉ mất một tháng để đi đến quyết định. Vị này khẳng định việc Masan bắt tay hợp tác với Vingroup có cả lý do "muốn giữ lại thị trường bán lẻ cho người trong nước quản lý để giữ thương hiệu Việt".
Vận hành WinCommerce, Masan không chỉ sở hữu năng lực sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu mà còn mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình. Masan cũng trở thành Tập đoàn tiêu dùng – bán lẻ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam với mô hình tương đồng một số ít tập đoàn tiêu dùng, bán lẻ đa kênh hàng đầu thế giới như Walmart.
"Thay da đổi thịt" chuỗi bán lẻ WinCommerce
4 năm sau thương vụ M&A, số lượng điểm bán của WinCommerce đã tăng từ 3.020 vào tháng 12/2019 lên hơn 3.600 siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, WIN, phục vụ khoảng 32 triệu khách hàng mỗi tháng tại 62 tỉnh thành trên cả nước. Tính đến ngày 30/11, quy mô chuỗi cửa hàng WIN đạt mốc 385 điểm bán trên cả nước.
Với nhiều nỗ lực trong đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và triển khai chiến lược "giá tốt" với đa dạng mặt hàng, từ doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD khi mới được Masan tiếp nhận, đến nay kết quả kinh doanh của WinCommerce đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo tài chính quý III, 70% nhóm siêu thị mini của WinCommerce ghi nhận biên lợi nhuận sau thuế đạt 2,2%, quý thứ hai liên tiếp có lợi nhuận sau thuế dương. WinCommerce đạt được mức tăng trưởng EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, và khấu hao) ổn định trong quý III, đạt biên EBITDA là 2,9%, tăng từ 2,2% trong quý II và 1% trong quý I. Với lực đẩy đến từ những chiến lược tăng trưởng, WinCommerce đạt biên EBIT (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay) hòa vốn trong quý III và trên đà gặt hái lợi nhuận trong thời gian tới, lần đầu tiên sau giai đoạn Covid-19.
Ban lãnh đạo Masan đặt kỳ vọng WinCommerce sẽ tiến đến điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế của toàn bộ mạng lưới trong năm 2024 nhờ những chiến lược tăng trưởng hiệu quả.
Thái Anh