![]() |
Chiến hạm 560 Đông Hoán của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Militaryphotos |
"Chiếc tàu hộ vệ bị mắc cạn gần bãi Trăng Khuyết đã được làm nổi lên thành công, với hư hại nhỏ tại phần mũi tàu", AFP dẫn thông báo được đăng trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines.
Theo thông báo trên, con tàu được làm nổi lên vào lúc rạng sáng. Tất cả những người có mặt trên tàu đều an toàn. Chiến hạm của Trung Quốc có tên đầy đủ là 560 Đông Hoán (Dongguan). Đây là tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Giang Hồ-V (Jianghu-V). Tàu nặng 1425 tấn, tải trọng 1661 tấn và có chiều dài 103 m.
AP dẫn lời của phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết con tàu sẽ lên đường về nước. Giới chức Philippines cũng bày tỏ sự vui mừng vì phía Trng Quốc đã cứu hộ xong con tàu mắc cạn và sẽ để nó ra khỏi vùng nước mà họ tuyên bố chủ quyền. Mối lo ngại về nguy cơ bùng lên cuộc đối đầu mới, bên cạnh Scarborough/Hoàng Nham, đã được dập tắt.
Tuy nhiên các tàu cứu hộ và tuần tra của Philippines vẫn hiện diện tại hiện trường, bởi hiện vẫn còn một số tàu của Trung Quốc trong khu vực bãi đá Trăng Khuyết.
Bãi Trăng Khuyết, nơi tàu Trung Quốc bị mắc cạn, là một phần của quần đảo Trường Sa. Theo chính phủ Trung Quốc, tàu Đông Hoán 560 gặp sự cố khi đang trong nhiệm vụ "tuần tra thông thường". Tuy nhiên giới chức Philippines khẳng định nơi tàu Trung Quốc mắc cạn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bởi nó cách đảo Palawan 60 hải lý. Manila đã điều tàu ra theo dõi các diễn biến xung quanh tàu Đông Hoán.
Vụ việc này khiến tình hình giữa Bắc Kinh và Manila thêm phức tạp, trong lúc tình trạng đối đầu ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham chưa chấm dứt. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề khiến hội nghị ngoại trưởng ASEAN không thể đưa ra được thông cáo chung, điều chưa từng xảy ra trong suốt lịch sử 45 năm qua của khối. Việc không ra được tuyên bố chung khiến nhiều nước tỏ ý thất vọng và lấy làm tiếc, bởi theo các nhà phân tích, nó phản ánh sự chia rẽ trong hiệp hội vốn rất đề cao tính đồng thuận.
Tại hội nghị này, Philippines đã tố cáo Trung Quốc là "hăm dọa" và "hai lòng" trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Mỹ ủng hộ các nước giải quyết thông qua một cơ chế có tính ràng buộc cao hơn và đa phương, thông qua bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, COC. Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng thảo luận với các bên về tài liệu này "khi điều kiện chín muồi".
Biển Đông, nơi án ngữ tuyến đường vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất thế giới và được cho là có nguồn tài nguyên khoáng sản và hải sản dồi dào, đang chứng kiến các tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Nhật Nam