Các nhân viên cứu hộ từ sáng 13/11 bắt đầu chiến dịch giải cứu 10 con cá nhà táng mắc cạn trong vùng nước nông ở bãi biển Ujung Kareung, Aceh, Indonesia, theo New York Times.
Nhà chức trách địa phương phối hợp với các tổ chức cứu hộ động vật, trong đó có Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế Indonesia, sử dụng lưới, vải bạt và thuyền để thực hiện cuộc giải cứu.
Trong ngày 13/11, nhóm cứu hộ di chuyển thành công 5 con cá đến vùng nước sâu hơn, Nur Mahdi, người đứng đầu cơ quan hàng hải và ngư nghiệp Aceh, nói với AP. Họ chữa trị cho hai con cá bị thương và cố gắng đưa những con còn lại ra ngoài khơi. Đến quá nửa đêm, nhóm cứu hộ vẫn miệt mài làm việc và giải thoát thêm hai con cá nữa trước khi mặt trời mọc.
Nhóm cứu hộ cần hoàn thành nhiệm vụ càng sớm càng tốt, một phần vì cá nhà táng đến gần đất liền có nguy cơ ngạt thở và các cơ quan nội tạng bị tổn thương. Việc bị mắc cạn sẽ gây ra phản ứng căng thẳng cho cá nhà táng. "Lượng adrenaline, một loại hormone, tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến các cơ quan nội tạng", Regina Asmutis-Silvia, giám đốc tổ chức Bảo tồn Cá voi và Cá heo Bắc Mỹ, cho biết.
Tổ chức cứu hộ cá voi Whale Stranding Indonesia cho biết sau chiến dịch giải cứu xuyên đêm, tổng cộng 6 con cá voi đã được cứu sống, nhưng 4 con đã bị chết trên bãi biển. Hiện chưa rõ lý do đàn cá voi bị dạt vào bờ biển này.
Cá nhà táng nằm trong danh sách các sinh vật đang bị đe dọa và là loài cá voi có răng lớn nhất. Chúng thường đi thành đàn và không bỏ mặc đồng loại. Chúng hiếm khi xuất hiện ở vùng nước nông hơn 300 m và thường chuộng những nơi có độ sâu gấp đôi, theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).
Các chuyên gia chưa rõ tại sao đàn cá nhà táng này lại bơi gần bờ như vậy. Nguyên nhân có thể là những trục trặc trong việc định hướng, môi trường thay đổi, săn mồi hoặc những biến động về thủy triều, theo Asmutis-Silvia.
Thu Thảo