Thứ bảy, 11/1/2025
Thứ hai, 8/3/2021, 11:15 (GMT+7)

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam

100 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được tiêm cho người Việt Nam trong năm nay, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, bắt đầu từ sáng 8/3.

Các liều vaccine AstraZeneca đầu tiên tiêm tại Hà Nội, Hải Dương và TP HCM, ưu tiên lực lượng trên tuyến đầu, trực tiếp điều trị, xét nghiệm, truy vết bệnh nhân Covid-19. Đúng 6h15 ngày 8/3, chiếc xe chuyên chở lô vaccine AstraZeneca rời kho lạnh tại Công ty Cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC) đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Cùng lúc, ở Hà Nội, xe chuyên dụng cũng đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, để chuẩn bị tiêm. Toàn bộ quy trình tiếp nhận được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm lô vaccine luôn bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kiểm tra lọ vaccine AstraZeneca trước khi bắt đầu tiêm chủng.

7 nhóm đối tượng được lựa chọn tiêm vaccine lần này gồm có nhân viên y tế của khoa Nhiễm D, khoa Cấp cứu, khoa Khám bệnh, phòng Công tác xã hội, phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc bệnh viện. Thời gian tiêm được chia theo hai ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.

Tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, Hải Dương, 80 liều vaccine được vận chuyển từ Hà Nội đến điểm tiêm lúc 7h30. Vaccine sau đó được chuyển từ xe chuyên dụng vào tủ bảo quản của trung tâm y tế.

Trong buổi sáng, 30 người thuộc các đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế, cán bộ truy vết, thành viên Tổ Covid cộng đồng, xếp hàng ở cổng trung tâm y tế để chờ tiêm.

Tại khu vực ghi phiếu đăng ký tiêm, nhân viên y tế thông báo các điều kiện cần thiết để được tiêm vaccine, người tiêm ký vào biên bản xác nhận. Sau đó nhân viên y tế nhập các thông tin cá nhân của người tiêm vào hệ thống máy tính.

Tiếp theo, người tiêm được kiểm tra sức khỏe, đồng thời cung cấp các thông tin bệnh nền. Trong ảnh, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (phải), 28 tuổi, Khoa Hồi sức Tích cực chống độc người lớn, đang được khám sàng lọc trước khi tiêm. Bác sĩ Xuân là người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại TP HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp theo dõi quy trình tiêm chủng cho các nhân viên y tế ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Nhân viên y tế chuẩn bị liều lượng vaccine trước khi tiêm. Để đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng, tất cả nhân viên thực hiện tiêm đều được chọn lựa kỹ và có kinh nghiệm, được tập huấn hướng dẫn những quy trình tiêm đối với vaccine mới như AstraZeneca.

Tại phòng tiêm Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, 4 nhân viên y tế phụ trách tiêm cho hai người. Người tiêm sẽ được nhắc nhở một lần nữa về mũi tiêm thứ hai và hướng dẫn theo dõi sau khi tiêm.

Theo liệu trình, mỗi người được tiêm hai mũi vaccine AstraZeneca, mỗi mũi cách nhau 12 tuần.

Thông tin liều lượng, người tiêm sẽ được ghi trên lọ vaccine đã dùng để tiêm cho họ.

Những người sau khi tiêm xong được đưa về khu vực lưu sau tiêm để theo dõi phản ứng với vaccine trong khoảng 15-20 phút. Nếu không có gì bất thường sau thời gian này, họ sẽ về nhà nghỉ ngơi hoặc trở lại vị trí tiếp tục làm việc, tự theo dõi sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM vui mừng sau khi được tiêm vaccine Covid-19. Bác sĩ Phong là một trong những nhân viên y tế đầu tiên ở bệnh viện này tiêm chủng.

Việt Nam hiện có 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.

Dự kiến, tháng 3 sẽ có thêm 1,3 triệu liều vaccine nữa về trong chương trình Covax Facility. Các tháng tiếp theo sẽ tăng dần lên, đảm bảo đủ 100 triệu liều cho đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Giang Huy - Hữu Khoa - Gia Chính