Chiến dịch "Ngưng tạo nghiệp" do Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp cùng Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai. Mục tiêu là ngăn chặn các hành vi khai thác, sử dụng trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các sản phẩm từ ngà voi và tê tê. Thông điệp chiến dịch nhấn mạnh việc loại bỏ các quan niệm sai lầm về sử dụng ngà voi và tê tê cho các mục đích liên quan tới niềm tin tâm linh.
Lý giải về cách chọn tên gọi chiến dịch, đại diện nhà tổ chức cho biết khái niệm "nghiệp" được sử dụng nhiều trong Phật giáo. Đây là hướng tiếp cận thực tế, phù hợp với bối cảnh văn hoá và tâm linh của nhiều người Việt.
Chiến dịch hướng đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có một số doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp... có xu hướng tin vào yếu tố tâm linh, tìm đến các sản phẩm từ động vật hoang dã như vật phẩm thể hiện đẳng cấp, sự thịnh vượng hay món đồ phong thuỷ có thể mang lại may mắn, đẩy lùi vận xấu.
Để tạo sức lan toả, chiến dịch tung bộ ảnh và video khắc họa thực tế đằng sau vẻ ngoài sang trọng là nỗi ám ảnh, cắn rứt lương tâm, thậm chí bị trừng phạt bởi pháp luật của người sử dụng sản phẩm này.
Nhiều thông điệp được sử dụng như "Mua một ngà voi, nhận một quả báo", "Mua thịt tê tê, nhận một quả báo" nhấn mạnh mối quan hệ nhân - quả trong Phật giáo, khẳng định mua bán và tiêu thụ trái phép sản phẩm từ voi và tê tê là bất hợp pháp, đem lại hậu quả xấu cho tự nhiên, cũng chính là cho người mua bán và sử dụng.
"Cùng với những nỗ lực của chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, chúng tôi hy vọng chiến dịch này sẽ tác động và thay đổi hành vi của các đối tượng tiêu thụ, giúp đẩy lùi tận gốc vấn nạn này", bà Tuyết Nga, đại diện CITES Việt Nam nói. "Không có cầu, nguồn cung sẽ tự chấm dứt. Vấn đề sẽ được giải quyết khi có sự quan tâm, thay đổi từ các đối tượng liên quan, cả trong ý thực lẫn hành động cụ thể".
Trước đó, báo cáo từ CITES Việt Nam chỉ ra nhu cầu sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc, trang sức... mỗi năm tại Việt Nam từ 3.700 đến 4.500 tấn động vật. Trong đó, voi và tê tê có lượng tiêu thụ đáng báo động khiến loài này đối diện nguy cơ tuyệt chủng cao.
Tuấn Vũ