Tối 22/4, hai cộng đồng Let's Read (Cùng đọc sách) và Read Station (Trạm đọc) ra mắt. Buổi tọa đàm Cộng đồng đọc hiện đại: Từ Facebook đến đời thực được tổ chức nhân sự kiện này, với các diễn giả gồm ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books, Giám đốc Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam VICC, bà Nguyễn Hoàng Ánh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học Ngoại thương, dịch giả cuốn Giải mã Hàn Quốc sành điệu, bà Bùi Trà My - thạc sĩ Phân tích sáng tạo phê bình, trường Phổ thông Liên cấp Olympia.
Các diễn giả đặt vấn đề về sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, xuất phát từ phong trào đọc sách quốc gia, qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc đọc và văn hóa đọc. Nguyễn Cảnh Bình cho rằng mỗi người trong cuộc sống đều có nhiều hình thức đọc, đọc để giải trí, thỏa mãn những ý thích cá nhân nhưng một dân tộc muốn văn minh, thịnh vượng thì tổng thể phải có tri thức cao. Để có được điều đó, ông Bình cho rằng cần hình thành tầng lớp tinh hoa, xuất phát từ việc cùng nhau đọc và chia sẻ tri thức.
"Có cộng đồng chơi xe ôtô, xe máy, điện thoại thì cũng cần có cộng đồng đọc sách. Cộng đồng giúp cá nhân tham gia giàu thêm kho tàng tri thức, hiểu biết. Sự kết nối là điều tất yếu của những xã hội văn minh", ông Bình nói.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm.
Đó là lý do hai dự án Let's Read (Cùng đọc sách) và Read Station (Trạm đọc) ra đời. Let’s Read là dự án khuyến đọc gồm bốn hoạt động chính: xuất bản sách khuyến đọc (truyền cảm hứng đọc sách từ 100 nhân vật uy tín như Ngô Bảo Châu, Trương Gia Bình, Bill Gates, Jack Ma...), tổ chức tọa đàm thảo luận về sách và văn hóa, tổ chức cuộc thi Đại sứ đọc để thành lập các câu lạc bộ Đại sứ đọc...
Dự án do Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) chỉ trì, với các cá nhân khởi xướng gồm nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Tạ Bích Loan, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và ông Nguyễn Cảnh Bình. Nguyễn Quang Thạch là người sáng lập chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam. Anh Thạch cho rằng sách chỉ có giá trị khi tri thức trong cuốn sách đó được tương tác với nhau, từ đó tạo ra giá trị mới.
Mục tiêu ban đầu của dự án là khuyến khích người Việt đọc sách nhiều hơn, từ đó đưa việc đọc trở thành một thói quen và dần nâng cao năng lực đọc cũng như tiếp cận tri thức. Lê Giang - điều phối viên của dự án - cho biết trước mắt dự án hướng đến các bạn trẻ trí thức thành thị với việc kết nối qua mạng xã hội. Sau đó, dự án tiến tới kết nối những người đọc sách ở các địa phương khác, đặc biệt là vùng nông thôn.
Trong khi Let's Read hướng đến tạo sự lan tỏa ở chiều rộng, Read Station là dự án đi vào chiều sâu của việc đọc. Read Station xây dựng chuyên trang đánh giá sách uy tín nhất Việt Nam, kết nối nhà xuất bản, công ty sách với độc giả, phát triển cộng đồng đọc Việt Nam, định hướng nội dung web và các sự kiện đọc, giúp thăm dò thị trường, quảng bá sách hay. Cộng đồng kết nối với nhau không chỉ trên mạng xã hội mà còn tổ chức những buổi trao đổi, đối thoại miễn phí về những kỹ năng cần thiết để học và đọc. Read Station cũng dự kiến tạo ra thư viện mở với các đầu sách chọn lọc từ các nhà xuất bản hàng đầu trong và ngoài nước, nhằm tạo không gian đọc chất lượng và hoàn toàn miễn phí ở Hà Nội.
Theo những người khởi xướng dự án, trung bình mỗi người Việt Nam đọc bốn cuốn sách một năm trong khi Nhật Bản là 20 cuốn. Để tinh thần đọc sách được lan truyền, hai dự án kêu gọi mỗi người đọc một cuốn sách trong một tháng và sau khi đọc sẽ chia sẻ những giá trị mà họ thu thập được từ cuốn sách đến mọi người. Việc chia sẻ có thể thông qua trang mạng xã hội của hai dự án trên. Những người khởi xướng Let's Read và Read Station mong muốn việc đọc sách trở thành một làn sóng ở Việt Nam, giống như cách các bạn trẻ đón nhận Hậu duệ mặt trời.