Cuộc tấn công ngày 7/10 của nhóm Hồi giáo Hamas diễn ra vào thời điểm Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy Arab Saudi bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy việc Washington ký một thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn với Riyadh.
Theo dự thảo thỏa thuận, Arab Saudi sẽ lần đầu tiên công nhận Israel kể từ khi nước này thành lập năm 1948. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp đảm bảo an ninh cho Arab Saudi, đặc biệt là trước "kình địch" Iran.
Nhưng chiến dịch tấn công với quy mô chưa từng có của Hamas, khiến hơn 1.000 người ở Israel thiệt mạng, nhiều khả năng sẽ đánh đổ tất cả tiến triển gần đây trong quan hệ của Arab Saudi với Israel. Hành động của Hamas dường như phát đi thông điệp rằng người Palestine không thể bị phớt lờ nếu Israel muốn có đảm bảo an ninh hay bất kỳ thỏa thuận nào với Arab Saudi, theo giới quan sát.
"Tất cả thỏa thuận bình thường hóa mà các nước Arab ký với Israel sẽ không chấm dứt được xung đột này", Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza, tuyên bố.
Nguồn tin thân cận với Iran và nhóm Hezbollah được Tehran hậu thuẫn nói thêm rằng "đây là thông điệp gửi tới Arab Saudi, nước đang xích lại gần Israel, tới những người Mỹ ủng hộ bình thường hóa quan hệ và ủng hộ Israel. Toàn bộ khu vực sẽ không có an ninh nếu không người Palestine không được quan tâm".
Cuộc tấn công của nhóm Hamas diễn ra sau nhiều tháng bạo lực gia tăng ở Bờ Tây giữa Chính quyền Palestine và Israel. Điều kiện sống của người Palestine đã trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính phủ cực hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Nỗ lực kiến tạo hòa bình đã đình trệ suốt nhiều năm.
Dưới vai trò trung gian của Mỹ, Arab Saudi và Israel đều cho thấy họ đang tiến gần hơn tới thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, nhằm cải thiện tình hình an ninh ở Trung Đông. Điều này khiến Hamas cảm thấy họ bị cho ra rìa trong nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Israel và các nước Arab, theo Laura Blumenfeld, nhà phân tích Trung Đông thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins tại Mỹ.
"Khi thấy Israel và Arab Saudi gần đi tới thỏa thuận, Hamas dường như đi tới quyết định rằng nếu không được tham gia, họ sẽ đạp đổ nó", bà nói.
Osama Hamdan, lãnh đạo Hamas ở Lebanon, tuyên bố chiến dịch ngày 7/10 sẽ khiến các nước Arab nhận ra việc chấp nhận yêu cầu an ninh của Israel sẽ không mang lại hòa bình cho họ.
"Đối với những người muốn ổn định và hòa bình cho khu vực, điểm khởi đầu phải là chấm dứt sự kiểm soát của Israel. Đáng tiếc là một số nước Arab đã bắt đầu suy nghĩ rằng Israel có thể là cánh cửa để Mỹ đảm bảo an ninh cho họ", ông nói.
Sau cuộc chiến năm 1973, Ai Cập đã ký hiệp ước hòa bình với Israel và một số nước Arab cũng bình thường hóa quan hệ với quốc gia Do Thái, trong đó có một số nước láng giềng của Arab Saudi.
Tuy nhiên, Arab Saudi trong hàng chục năm qua từ chối bình thường hóa quan hệ với Israel, bởi nước này luôn yêu cầu Tel Aviv thừa nhận việc thành lập Nhà nước Palestine. Giờ đây, khi Arab Saudi và Israel xích lại gần nhau, Hamas dường như cho rằng khát vọng về một quốc gia độc lập của người Palestine ngày càng xa vời.
"Dù có thể không phải là động lực chính của các cuộc tấn công, hành động của Hamas là lời nhắc nhở rõ ràng với Arab Saudi rằng vấn đề của người Palestine không nên bị coi nhẹ trong các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ", Richard LeBaron, cựu nhà ngoại giao Mỹ phụ trách Trung Đông và hiện làm việc tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, cho hay.
Nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán giữa Mỹ - Arab Saudi - Israel về bình thường hóa quan hệ cho rằng Tel Aviv đã phạm sai lầm khi từ chối nhượng bộ về vấn đề của người Palestine.
"Đây là nỗ lực nhằm ngăn bước đột phá của Mỹ, Israel và Arab Saudi", Dennis Ross, cựu nhà đàm phán Trung Đông và hiện làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông Washington ở Mỹ, nói.
Giới quan sát cho rằng chiến sự Hamas - Isarel càng kéo dài, cánh cửa đạt thỏa thuận giữa Tel Aviv và Riyadh sẽ càng khép lại.
"Bất cứ biện pháp an ninh mới nào mà Israel đưa ra sẽ thay đổi tính toán của Arab Saudi về chi phí chính trị, ngoại giao và chiến lược liên quan tới thỏa thuận bình thường hóa", Hussein Ibish, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các quốc gia Vùng Vịnh tại Washington, nói.
Aziz Alghashian, nhà nghiên cứu tại dự án Richardson thuộc Đại học Lancaster, nói rằng giữa tình hình phức tạp hiện nay, các cuộc đàm phán bình thường hóa giữa Israel và Arab Saudi sẽ tạm ngừng và triển vọng nối lại khá mơ hồ.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nói "còn quá sớm để suy đoán" về tác động của xung đột Israel - Hamas đối với nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Tel Aviv và Riyadh, bày tỏ tin tưởng rằng Hamas sẽ không thể cản trở quá trình này.
Thủ tướng Netanyahu cũng nói rằng người Palestine không thể có quyền phủ quyết bất kỳ thỏa thuận hòa bình mới nào giữa Israel và các nước Arab. Nhưng giới chuyên gia nhận định chiến dịch tấn công được lên kế hoạch tỉ mỉ của Hamas đã cho thấy điều ngược lại.
"Không chỉ đạp đổ bàn tiệc, Hamas còn ném bom vào phòng", chuyên gia Ibish nói. "Mục đích của họ là buộc Israel phải tiến hành chiến dịch trả thù, điều khiến Arab Saudi không thể xúc tiến quá trình bình thường hóa quan hệ với họ".
Thanh Tâm (Theo Reuters, WSJ)