![]() |
Hai cha con cùng nhau đi biểu tình tại Quảng trường Thời đại ở New York hôm 15/10. Ảnh: AFP |
Tại Mỹ, nơi khởi nguồn của "Chiếm phố Wall", các cuộc biểu tình diễn ra rộng khắp ở thời điểm tròn một tháng kể từ khi phong trào bắt đầu tại New York, AP cho hay. Những người biểu tình dần nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, và thậm chí đã huy động được khoản tiền gần 300.000 USD, trong khi còn rất nhiều khoản quyên góp nữa hứa hẹn sẽ được trao.
Ngoài các khoản tiền được quyên góp thông qua trang web của phong trào cũng như những khoản tiền được trao tay ngay tại các công viên, "Chiếm phố Wall" còn được tiếp sức thông qua một tài khoản ở ngân hàng Amalgamated, vốn được những người biểu tình coi là "ngân hàng duy nhất mà công đoàn sở hữu 100% ở Mỹ".
"Chúng tôi đang tiến nhanh, dù thiếu một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh", Justin Strekal, một sinh viên cao đẳng đồng thời là người tổ chức chính trị từ Cleveland tới New York để tham gia biểu tình, nói. "Chúng tôi đã có dân chủ cá nhân trong một công viên nhỏ bé". Strekal còn cho biết thêm rằng những thứ đồ mà người biểu tình có được nhờ quyên góp sẽ được lưu trữ cho "một cuộc chiếm đóng lâu dài". "Chúng ta không thể dừng lại. Một thế giới khác có thể được tạo ra", một người biểu tình có tên Kara Segal nói.
Nhưng những khó khăn vẫn vây quanh những người biểu tình, bất chấp việc họ dần được ủng hộ nhiều hơn. Hơn 70 người biểu tình đã bị bắt tại New York cuối tuần qua, 175 người khác bị bắt ở Chicago, 100 người ở Arizona. Hàng chục người khác bị tạm giữ ở Denver (bang Colorado) và Sacramento (bang California).
![]() |
Người biểu tình treo các biểu ngữ trên hàng rào phía trước nhà thờ St. Paul ở London. Ảnh: AFP |
Ở Anh, những người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà thờ St. Paul ở trung tâm thủ đô London, BBC đưa tin. Cảnh sát Anh cho biết có khoảng 3.000 người tới đây và ít nhất 250 lán trại được dựng lên quanh quảng trường phía trước nhà thờ. Cảnh sát ban đầu cho rằng hành động cắm trại trước nhà thờ là trái phép và thiếu tôn trọng, nhưng sau đó tuyên bố sẽ không trục xuất bất cứ ai khỏi nơi này.
Những người tổ chức biểu tình thì khẳng định ít nhất 5.000 người đã cùng nhau xuống đường. Các cuộc biểu tình nhỏ hơn hôm qua cũng xảy ra tại các thành phố khác của vương quốc Anh như Bristol, Birmingham, Glasgow và Edinburgh.
Cuộc biểu tình này là một phần trong phong trào tuần hành được tổ chức trên toàn cầu, nhằm kêu gọi các chính trị gia lắng nghe người dân, thay vì chỉ lắng nghe các ông chủ ngân hàng. Những người biểu tình chọn nhà thờ St. Paul là nơi tụ tập sau khi nỗ lực biểu tình bên ngoài Thị trường Chứng khoán London bị cảnh sát ngăn chặn.
Một người biểu tình có tên Nathan nói: "Lý do tôi ở đây chỉ đơn giản vì muốn chống lại giới doanh nghiệp tham lam". Joshua, một người biểu tình khác, thì khẳng định sự tin tưởng rằng số lượng các cuộc biểu tình sẽ tăng nhanh, giống như những gì đã xảy ra ở nước Mỹ. "Chỉ 70 người biểu tình tại New York trong đêm đầu tiên của phong trào "Chiếm phố Wall", trong khi chúng tôi có tới 500 người ngay ngày đầu tiên. Tuần tới, sẽ có khoảng 70.000 người tham gia", Joshua nói.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague cho hay những cuộc biểu tình không phải là cách hay. Theo ông Hague, các chính phủ đang kiểm soát các khoản nợ cũng như thâm hụt, và đó mới chính là giải pháp.
Một số người biểu tình phàn nàn về việc cảnh sát trấn áp quá mạnh tay. 8 người đã bị bắt, trong đó có 6 người bị cho là có hành động ẩu đả và mang cần sa trong người. Một phụ nữ 41 tuổi bị bắt vì hành vi tấn công cảnh sát đã được bão lãnh, trong khi một cô gái 17 tuổi khác hiện vẫn bị tạm giữ vì hành vi tương tự. Theo thông tin của cảnh sát Anh, không có ai bị thương trong các cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào "Chiếm phố Wall" xảy ra ở Anh hơn hai tháng sau khi quốc đảo này chìm trong các cuộc bạo loạn, bắt nguồn từ việc một công dân bị cảnh sát bắn chết ở Tottenham, phía bắc thủ đô London. Cảnh sát Anh đã phải mất vài ngày mới dập tắt được cuộc bạo loạn này. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng sau gần một tuần bất ổn ở nước Anh.
Cuộc biểu tình ở London và một số thành phố khác còn nổ ra trong bối cảnh cả châu Âu rúng động với những vụ biểu tình tương tự ở Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và đặc biệt là Italy, nơi các cuộc tuần hành tại thủ đô Rome đã biến thành bạo loạn làm ít nhất 70 người bị thương. Tại Australia, hơn 100 người bị cảnh sát bắt giữ. Ở châu Á, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra ở Hong Kong, Đài Bắc, Seoul và nhiều thành phố khác.
![]() |
Cảnh sát chặn đoàn người biểu tình tại Quảng trường Thời đại ở New York. Ảnh: AFP |
Phong trào biểu tình Chiếm phố Wall (Occupy Wall Street) bắt đầu từ ngày 17/9, khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York. Họ thể hiện sự tức giận trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với "giới doanh nghiệp tham lam". "Chiếm phố Wall" nhanh chóng lan rộng khắp các thành phố lớn của nước Mỹ rồi trở thành một phong trào toàn cầu từ hôm 15/10.
Nhật Nam