Là một trong ba xã ở bãi giữa sông Hồng, Minh Châu có 1.148 hộ với hơn 6.500 nhân khẩu. Muốn đi chợ, học hành, lên huyện..., bà con phải cậy đến các thuyền của tư nhân để qua sông. Xuất phát từ nhu cầu này, Ban quản lý dự án giao thông nông thôn (Sở GTVT Hà Tây) đã khảo sát, xây dựng dự án phát triển giao thông các xã vùng bãi với tổng kinh phí được duyệt là 1,6 tỷ đồng (vốn do Ngân hàng thế giới đầu tư). Riêng kinh phí mua phà là gần 700 triệu đồng. Viện Khoa học công nghệ Tàu thuỷ đã thiết kế chiếc phà với trọng tải 15 tấn, có thể chở 1 ôtô và 50 khách.
Nhận được món quà đắt tiền, lãnh đạo và nhân dân xã Minh Châu rất mừng vì việc qua sông được chủ động. Thế nhưng chỉ sau vài lần vận hành (3/7/2001), nó đã ngưng hoạt động. Lý giải tình trạng này, Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Tài Thân cho rằng kết cấu phà không phù hợp, công suất lớn 80 mã lực nên rất tốn nhiên liệu. Mỗi chuyến qua sông, nó tiêu tốn 6-7 lít dầu, trong khi đó một con thuyền 40 mã lực của tư nhân với sức chở tương đương chỉ tốn 1 lít dầu. Mặt khác, kết cấu của phà theo kiểu con thoi, máy và chân vịt đặt ở giữa nên tốc độ rất chậm. Đó là chưa nói đến nước sông Hồng vốn chảy siết, có nhiều rác khiến phà dễ bị lệch bến. Vùng này không ôtô qua lại nên nguồn thu rất ít, người nhận thầu phà phải chịu lỗ, vì vậy không ai dám nhận khoán.
Ông Phương Văn Trò, Phó chủ tịch xã Minh Châu, cho biết thêm để tránh mất mát, xã phải thuê người trông coi phà. "Mùa mưa sắp đến, chúng tôi đang lo nước lũ cuốn nó trôi ra biển. Minh Châu là xã nghèo, mỗi năm phải xin từ ngân sách huyện khoảng 210 triệu đồng. Vì thế, việc canh giữ "cái của nợ" này đang làm chúng tôi rất đau đầu", ông Trò nói. UBND xã cũng đã gửi kiến nghị bằng văn bản lên UBND huyện, Sở GTVT và Ban quản lý dự án giao thông nông thôn tỉnh Hà Tây cho phép cải tạo phà. Cụ thể là sẽ thay đổi kết cấu, chuyển máy từ giữa xuống cuối thân, làm lại độ vát đầu mũi phà để vận chuyển nhanh hơn, tốn ít nhiên liệu hơn. Một phương án khác là cho thanh lý, thay vào đó là một con thuyền cơ động phù hợp với điều kiện tự nhiên và dân sinh địa phương. Nếu không cho thanh lý, xã đề nghị Nhà nước thu hồi lại con phà để xã không phải tốn công trông giữ.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Văn Quang đồng tình với kiến nghị của xã Minh Châu. "Để lâu con phà này sẽ không có lợi, đề nghị các cơ quan chức năng cho chuyển đổi con phà thành thuyền có vận tốc nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn", ông nói. Tuy nhiên, đến nay cơ quan có trách nhiệm ở cấp tỉnh vẫn chưa đưa ra phương án giải quyết. Con phà giá hàng trăm triệu đồng qua gần 2 năm "trơ gan cùng tuế nguyệt" đang dần trở thành phế thải.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)