Bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Nga ở Bến Tre nhập viện trong tình trạng lưỡi bị lở loét, phù nề, bốc mùi hôi, đau đớn, không ăn uống được. Kết quả kiểm tra cho thấy ung thư lưỡi đã tiến triển đến giai đoạn cuối. Để giữ tính mạng bệnh nhân, các bác sĩ buộc phải lấy toàn bộ hạch cổ hai bên, cắt bỏ lưỡi và sàn miệng bao gồm khối u cho đến biên lành và giữ lại một phần cuống lưỡi.
Bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV cho biết, sau khi cắt lưỡi toàn phần, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành tái tạo lưỡi mới cho bệnh nhân. Một phần da và cơ cùng dây thần kinh cảm giác ở mặt trước ngoài của đùi bệnh nhân được cuộn lại tạo thành chiếc lưỡi mới. Vì lưỡi đã bị cắt bỏ toàn phần nên việc nối cắt dây thần kinh, động tĩnh mạch khá phức tạp.
Đoạn lưỡi, tái tạo lưỡi là một kỹ thuật phức tạp. Ảnh: P.K |
Ba ngày sau ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, chị Nga đã có thể di chuyển lưỡi. 5 ngày sau mổ bệnh nhân có thể nói chuyện sau khi rút bỏ ống mở khí quản, dù hơi khó khăn do lưỡi vẫn còn phù nề. Bệnh nhân xuất viện 11 ngày sau mổ trong tình trạng khỏe mạnh, ăn uống tốt, thở bình thường. Sau ca mổ chị được xạ trị để triệt tiêu tế bào ung thư. Gần hai năm sau, hiện chị đã hoàn toàn khỏe mạnh, thoát khỏi bệnh ung thư và quay trở về với cuộc sống của mình. Không những phát âm nói chuyện bình thường, chị còn có thể cảm nhận được tất cả các mùi vị chua cay mặn ngọt, độ nóng lạnh khi ăn uống.
Đoạn lưỡi toàn phần là một kỹ thuật phức tạp, độ khó nhiều hơn bán phần vì bác sĩ buộc phải cắt đến sát cuống lưỡi và cố gắng giữ phần lưỡi ít ỏi để có thể tái tạo nhưng vẫn đảm bảo biên an toàn (không còn tế bào ung thư). Nếu không tái tạo, bệnh nhân sẽ không nói được, không nuốt được và bị sặc thức ăn vào đường thở. Kỹ thuật này được áp dụng trên thế giới vào năm 2012 và được xem là một bước tiến trong phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi.
Theo bác sĩ Đại, điều quan trọng hơn cả không phải là “cắt bỏ đi rồi xong” mà chính là đảm bảo chất lượng sống của bệnh nhân sau phẫu thuật. Chất lượng ở đây là chức năng nói, nuốt, và cảm giác vị giác, giúp bệnh nhân nói chuyện, ăn uống và có cảm giác gần như lưỡi thật.
Theo y văn, bệnh nhân ung thư lưỡi được phẫu thuật lấy bỏ u, tái tạo lưỡi, xạ trị sau mổ, kết quả cho thấy tỷ lệ vạt da bị hoại tử là rất thấp. Phương pháp này không những có thể lấy bỏ trọn vẹn khối u, giúp hồi phục chức năng của lưỡi mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh.
Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính thường gặp vùng khoang miệng, phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Do giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng nên rất dễ bị xem nhẹ. Bệnh thường xảy ra đối với bệnh nhân hút thuốc, uống rượu, vệ sinh răng miệng kém. Biểu hiện là vết loét hoặc sùi không đau, thường gặp xuất hiện ở vùng cạnh lưỡi. Nếu điều trị thuốc không thuyên giảm, trong vòng ba tuần, sang thương cần phải được làm sinh thiết nhằm phát hiện sớm. Bệnh này thường tiến triển sùi, loét tại chỗ, di căn hạch vùng, ít di căn xa.
Đối với bệnh ung thư lưỡi, phẫu thuật cắt lưỡi bao gồm khối u là lựa chọn điều trị thông thường nhất. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật lấy bỏ hạch cổ cùng bên ung thư hoặc cả hai bên là cần thiết. Nếu khối ung thư lưỡi lớn xâm lấn rộng, phẫu thuật sẽ bao gồm cả việc cắt bỏ sàn miệng và xương hàm dưới. Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống.
Lê Phương