Để tìm một bức di ảnh của cha, con trai thứ hai của ông Hứa đã mở chiếc hộp gỗ, bảo vật được ông nâng niu khi còn sống, và phát hiện ngoài những huy chương, bằng khen mà cha nhận được, thư từ còn có một cuốn sổ. Bên trong cuốn sổ là một tập giấy tờ đã ngả vàng.
Người con lật xem và không thể nào tin nổi đó đều là phiếu chuyển tiền ủng hộ từ thiện, giá trị 60.000 tệ. Dưới mỗi phiếu đều là cái tên rất quen thuộc - Lý Kỳ - người mà cả huyện An Khánh mấy chục năm nay đang đi tìm.
Câu chuyện về người mang tên Lý Kỳ bắt đầu từ ngày 8/7/1991 khi đảng ủy nhà máy hóa dầu An Khánh nhận được bức thư từ huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy. Trong thư viết, một người tên Lý Kỳ ở nhà máy hóa dầu An Khánh đã quyên góp 300 tệ cho huyện để cứu trợ thiên tai. 300 tệ khi đó tương đương hơn hai tháng lương của một công nhân bình thường.
Biết tin, lãnh đạo nhà máy đã tìm kiếm Lý Kỳ để tuyên dương nhưng họ nhận ra ở đó không có ai tên như thế. Đài truyền hình và báo chí cũng cử phóng viên đến nhà máy để phỏng vấn, song quay về tay không. Một tờ báo địa phương còn giật tít "Lý Kỳ, đồng chí đang ở đâu?" để tìm, nhưng Lý Kỳ chưa một lần lộ diện.
Mùa hè năm 1998 lũ lụt lớn ở An Khánh, cái tên Lý Kỳ một lần nữa gây xôn xao cả vùng. Công đoàn nhà máy hóa dầu An Khánh lại nhận được một lá thư đặc biệt, bên trong là giấy chứng nhận người có tên Lý Kỳ đã gửi 3.000 tệ cho hội cứu trợ thiên tai. Số tiền này khiến mọi người đoán phải do một tổ chức hoặc một đại gia nào đó quyên góp. Mặc cho chính quyền và báo chí tìm kiếm, người tên Lý Kỳ vẫn là ẩn số.
Cho đến ngày 20/3/2019, khi Hứa Huệ Xuân qua đời, chiếc hộp gỗ kẹp 28 phiếu chuyển tiền ký tên Lý Kỳ chính là câu trả lời cho tất cả. Hóa ra, Hứa Huệ Xuân chính là nhà từ thiện bí ẩn nổi tiếng. Cuối cùng sau 35 năm, bí mật tồn tại ở tỉnh này đã có lời giải.
Ông Hứa sinh năm 1932 trong một gia đình nghèo ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Từ khi thiếu niên, ông đã ra thành phố kiếm sống. Năm 1976, ông cùng cả nhà chuyển đến An Khánh, An Huy, làm việc trong nhà máy hóa chất, khi khu này mới động thổ. Tại đây ông làm thợ mộc.
Hứa Huệ Xuân là người có tay nghề cao và đặc biệt có trách nhiệm với công việc. Có lần thấy đống gỗ chất đống bên ngoài nhà máy khi mưa đen sắp đến mà chưa có người chuyển vào xưởng, không nói không rằng, mình ông bốc hơn một giờ đồng hồ chuyển cả đống gỗ đó vào trong. Suốt 16 năm làm việc cho tới khi nghỉ hưu năm 1992, năm nào ông cũng được trao danh hiệu lao động tiên tiến, nhưng ông chỉ nhận năm đầu tiên, các năm sau nhường cho đồng nghiệp.
Trong công việc ông Hứa chăm chỉ, trong đời sống lại có tiếng trong vùng vì hà tiện. Cả gia đình ở trong ngôi nhà khoảng 60 m2 cũ nát, song ông nhất quyết không tu sửa. Bữa ăn hàng ngày chỉ có rau. Thi thoảng ông mới đi chợ, sang lắm cũng chỉ mua da lợn về ninh nhừ để ăn mấy bữa.
Ngay chính các con cũng phải sống trong sự tiết kiệm của cha. Một hạt gạo rơi xuống đất, ông cũng bảo con cháu nhặt lên. Quần áo mới, ông không cho con mặc. Khi ra đi, ông không để lại một đồng nào cho con.
Rất nhiều người thấy khó hiểu, bởi là một thợ mộc bậc 8 (bậc cao nhất), thu nhập của ông Hứa hồi đó được coi là cao trong nhà máy. Năm 1984, ông đã có lương 100 tệ, năm 1992 là 300 tệ mỗi tháng, gần gấp đôi công nhân bình thường. Vợ ông cũng là công nhân nhà máy. Sau khi nghỉ hưu, lương của họ lên tới hơn 7.000 tệ mỗi tháng.
Mặc dù vậy, người xung quanh đều cảm mến ông Hứa vì lối sống tốt bụng, rộng rãi. Trong nhà máy có anh công nhân mới học việc lương chỉ 22 tệ, vì bố bị ốm cần tiền thuốc thang. Biết chuyện ông Hứa đã giúp đỡ. Năm 1990 có một gia đình đồng nghiệp gặp biến cố, Hứa cũng đứng ra quyên góp quần áo và đồ dùng. Vì có nghề mộc, nên hàng xóm hỏng cái bàn, cái ghế, thiếu cái thớt... đều tìm đến ông. Con trai ông Hứa nhớ có lần đi cùng cha thấy một người nghèo trên đường, cha đã dừng lại hỏi han và cởi chiếc áo đang mặc cho họ.
Trên thực tế, cuộc sống của ông Hứa không hề thoải mái. Ngoài nuôi ba con trai ăn học, năm 1999 vợ ông bị hoại tử chỏm xương đùi, sau đó bà bị bệnh Alzheimer phải cần người chăm sóc. Cậu út phải điều trị ung thư vòm họng. Bản thân ông Hứa bị bệnh tim, nhồi máu não do viêm cơ tim và các vấn đề về cột sống.
Với điều kiện gia đình như vậy, người bình thường khó có thể nghĩ ông là một mạnh thường quân. Cả đời ông keo kiệt với bản thân nhưng chưa bao giờ keo kiệt với những người khốn khó.
Con trai cả, Hứa Hải Tân cho biết, kỷ niệm cảm động nhất và cũng đau buồn nhất là lần cuối cùng cha đi quyên góp 5.000 tệ, vào ngày 18/7/2016, cho Cục Nội vụ An Khánh.
Lúc đó ông 84 tuổi, vừa được về nhà sau thời gian nhập viện vì nhồi máu não. Hải Tân tới thăm cha nhưng không thấy ở nhà. Hỏi thăm nhân viên bảo vệ thì được biết ông đã đến ngân hàng. Người con chạy đi tìm thì thấy cha lom khom, chống nạng, cất từng bước khó nhọc. Người bình thường chỉ mất 10 phút từ nhà tới ngân hàng nhưng ông mất hơn một giờ đồng hồ. "Bố khụy xuống. Tôi tưởng đã mất bố lần đó", Hứa Hải Tân kể. Kể từ đó, sức khỏe đi xuống, ông hầu như không thể xuống nhà.
Điều tuyệt vời hơn nữa là hai lần Lý Kỳ được chọn vào danh sách "10 hành động đẹp" của nhà máy hóa dầu An Khánh. Ông đã đứng đầu trong cả hai cuộc bình chọn, nhưng chưa bao giờ nhận được thưởng.
Vào các năm 1992 và 1993, ông đã quyên góp lần lượt 10.000 nhân dân tệ. Chỉ riêng 20.000 tệ năm đó đã có thể mua được một căn nhà ở An Khánh. Thế mà ông đã không tiếc tặng toàn bộ số tiền đã dành dụm được trước khi về hưu.
Lấy cảm hứng từ nghĩa cử cao đẹp của Lý Kỳ, ngày 30/4/2019 Quỹ Người tốt Lý Kỳ được thành lập tại Công ty Hóa dầu An Khánh. Chỉ trong 3 ngày, quỹ đã quyên góp được hơn nửa triệu tệ.
Khoản đầu tiên đóng vào quỹ chính là lần Hứa Huệ Xuân được trao thưởng mà không nhận vào năm 1998.
Bảo Nhiên (Theo 163)