Ngày 16/11, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, cho biết khi nhập viện bé vẫn sốt cao, miệng chảy máu do bị đũa và tay của bà chọc vào gây tổn thương. Bác sĩ vệ sinh miệng, kê thuốc hạ sốt, hiện trẻ hết sốt, sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ, nhiều phụ huynh sai lầm khi dùng vật cứng hoặc cho tay vào miệng trẻ khi bị co giật, mục đích ngăn trẻ cắn vào lưỡi. Tuy nhiên, cách này không an toàn, gây tổn thương cho bé.
Khi trẻ bị co giật tại nhà, bố mẹ nên bình tĩnh, đặt cháu lên trên một bề mặt phẳng, tư thế nằm nghiêng một bên. Cởi bỏ khăn quàng cổ (nếu có), nới rộng quần áo bé. Đặt tay giữ vai trẻ để bé không bị lật úp người. Không cho bất cứ thứ gì vào miệng chúng, kể cả ngón tay của người chăm sóc. Người nhà cần quan sát và mô tả lại tình trạng trẻ bị co giật để trao đổi với bác sĩ.
Thông thường trẻ sẽ tự cắt cơn co giật trong vòng 5 phút. Nếu cơn giật kéo dài quá 5 phút, bố mẹ nên đưa bé tới bệnh viện.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh lo lắng quá mức khi con bị sốt. Bác sĩ khuyến cáo trường hợp sốt nhẹ, đã uống thuốc trong khi sốt dưới 38 độ, chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt. Khi ấy, phụ huynh giúp cháu hạ sốt vật lý bằng cách lau cơ thể (nách, trán, bẹn, cổ) bằng khăn ấm, bổ sung nước, cho mặc quần áo thoáng mát và theo dõi các triệu chứng. Trẻ sốt từ 39 độ C trở lên nên dùng thuốc hạ sốt sớm theo chỉ định của bác sĩ.
Thùy An