
- Chắc của ai rơi ra từ trong túi đồ đây mà. - Dũng tự nói với mình rồi nói lớn với mọi người - Có ai để quên chiếc điện thoại này không ạ?
Mọi người quay qua nhìn Dũng rồi lục túi của mình, từng người một lắc đầu xác nhận không phải của mình. Chẳng ai trong chuyến tàu này để quên cả, có thể là của ai đó ở chuyến tàu trước đấy rồi. Chút nữa tàu vào bến, Dũng sẽ mang tới phòng bảo vệ ga để trình báo và giao nộp vậy.
Tàu đang dần chậm lại và dừng hẳn. Dũng bước xuống, đưa mắt ra xung quanh tìm phòng bảo vệ.
- A! Kia rồi. - Dũng reo lên và rảo bước về phía ấy.
- Cháu chào bác ạ!
Bác bảo vệ với cặp kính lão đang chăm chú nhìn vào tờ báo thì nghe thấy tiếng chào vội ngẩng đầu lên nhìn.
- Có chuyện gì thế chàng trai trẻ?
- Dạ! Cháu vừa nhặt được chiếc điện thoại này trên tàu. Cháu đến để trình báo ạ.
- Ồ. Thời buổi này mà còn những chàng trai như cậu thật là đáng quý biết bao. Đâu, vào đây uống nước, trình bày rõ cho tôi xem nào.
Dũng vâng lễ phép rồi bước vào phòng bác bảo vệ. Định bụng kể lại sự việc cho bác bảo vệ nghe và gửi lại bác chiếc điện thoại rồi ra bến để bắt cho kịp chuyến xe về quê thì bác bảo vệ lại yêu cầu viết bản tường trình, ký tên và để lại số điện thoại liên hệ. Dũng ngại lắm nhưng đành nán lại viết bản tường trình.
Trong lúc viết bản tường trình thì bác bảo vệ cầm chiếc điện thoại lên xem.
- Trông cũng "xịn" đấy chứ! Bàn phím toàn chữ là chữ này.
- Dạ! Đây chắc là một chiếc điện thoại thông minh bác ạ.
- Điện thoại thông minh? Ồ. Hay đấy nhỉ? Điện thoại mà cũng thông minh được nữa.
- Hì hì. Bác vui tính quá - Dũng nhìn bác cười rồi lại cúi xuống viết tiếp.
- Mà sao nó không lên hả? Cậu thử bật lên cho tôi xem nào, biết đâu thể liên lạc được với người bị mất thì sao?
- Dạ vâng! Bác đưa cho cháu ạ.
Đón chiếc điện thoại từ trên tay bác bảo vệ, Dũng bật nguồn nó lên nhưng có lẽ chiếc điện thoại đã bị bỏ quên trên tàu lâu rồi lên đã cạn pin, không bật lên được.
- Có lẽ nó hết pin rồi bác ạ. Để cháu lấy sim của nó ra lắp vào máy của cháu xem có liên lạc được không bác nhé?
- Ý kiến hay đấy. Cậu thử xem sao.
Dũng tháo nắp lưng chiếc điện thoại ra, gỡ pin ra thì Dũng ngây người luôn. Chiếc điện thoại không có sim.
- Nó không có sim bác ạ!
- Không có sim? Lại không lên nguồn. Có lẽ nào là điện thoại người ta vứt đi không?
- Cháu không biết đâu. Cháu nhặt được nó trên tàu mà. Với lại nhìn nó cháu thấy nó cũng là một vật có giá trị đấy bác ạ.
- Cậu nói cũng phải, nhưng chẳng loại trừ trường hợp nó bị người ta vứt đi. Thôi thế này vậy, cậu cứ để lại số điện thoại, địa chỉ của cậu lại đây rồi cầm chiếc điện thoại đó về. Nếu có ai mất đến đây trình báo thì tôi sẽ liên lạc với cậu. Không có thì coi như nó là của cậu vậy.
- Thế sao được bác ơi. Cháu cứ để nó ở lại đây, ai mất đến lấy sẽ tiện hơn chứ bác.
- Haizz... tôi trông nó cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền. Để đây có khi đến chật kho chứa đồ ra, lại còn làm thủ tục lằng nhằng nữa. Thôi, cậu cứ để số điện thoại lại đây và cầm nó về là được rồi.
- Dạ! - Do dự một lát rồi Dũng cũng phải gật đầu đồng ý với bác bảo vệ.
Sau khi ghi lại số điện thoại của mình cho bác bảo vệ, Dũng chào bác rồi xách ba lô ra bến xe bắt xe mà lòng vẫn nặng trĩu suy nghĩ làm cách nào để tìm lại chủ nhân của chiếc điện thoại này. Chuyến xe về quê vì thế mà dường như ngắn hơn bao giờ hết bởi Dũng chẳng còn tâm trạng để ý tới đường đi nữa.
4h30 phút, chiếc xe khách TDL phanh gấp làm Dũng giật mình.
- Ai xuống phố Thi thì vui lòng ra cửa nhé. Sắp đến rồi.
- Ôi chết, mình mải nghĩ quá, sắp về tới nhà rồi - Dũng thầm trách bản thân - Cho cháu xuống đó nhé!
Bước xuống xe, Dũng kéo chiếc ba lô khoác lên vai cho ngay ngắn rồi rảo bước nhanh qua cầu Bác Hồ.
- Nhà mình kia rồi! - Cười khẽ một nụ cười thoải mái rồi Dũng bước những bước nhanh hơn, cái cảm giác sinh viên lâu ngày được về quê rồi dạo bộ trên con đường làng thật thoải mái. Nó tạo cho ta một cái tư vị thật khó tả - cảm giác của một người xa xứ sau mỗi lần hồi hương.
- Mẹ ơi! Con về rồi này.
- Ô bác Dũng lại về kìa. Cu Nhất chào bác đi.
- Mẹ đang bế cháu ạ? Em con đâu rồi?
- Nó tranh thủ ra đồng tưới ngô đã về đâu. Mà sao về không điện về báo cho mẹ một câu? Chút nữa thằng Vương nó cũng qua đây đấy.
- Con mải nghĩ quá lên quên mất đấy. Vương nó cũng về hả mẹ?
- Ừ. Nó vừa gọi điện cho mẹ xong. Khéo thật đấy, hai đứa về rồi liệu liệu mà bảo nhau đem nàng dâu về ra mắt u đi. U đợi lâu quá rồi, Nhất Anh nó cũng lớn tướng rồi đây này.
- Mẹ thì. Bọn con vẫn đang học, nghĩ gì tới chuyện đó đâu mà mẹ cứ giục hoài vậy.
- Ờ thì u là u cứ nói thế. Thôi, ra rửa mặt đi rồi vào bế cháu cho u đi thổi cơm. Cũng chiều rồi đấy.
- Dạ.
Cuộc đối thoại ríu rít với mẹ và niềm vui khi được về nhà đã làm Dũng quên mất chuyện chiếc điện thoại gặp phải khi xuống ga. Đang bế Nhất Anh ngồi chơi thì tiếng xe máy đi vào cổng. Con Phốc già nghe thấy ngẩng đầu lên rồi chạy ra vẫy đuôi rối rít. Thì ra là Vương về - thằng bạn nối khố - nhìn con chó vẫy đuôi mừng rối rít thế kia chứng tỏ hắn phải thân với nó lắm.
Vương là bạn thân của Dũng từ thủa còn cưỡi trâu, cởi trần chơi trận giả. Bố mẹ Vương đi làm xa từ khi Vương bắt đầu lên cấp III, từ đó Vương cũng hay sang nhà Dũng chơi hơn, rồi bố mẹ Dũng cũng coi hắn như con vậy. Vương rất thông minh, thứ gì cũng tò mò, cũng tìm hiểu, ấy thế mà chả hiểu sao việc học hắn lại lười thế. Lười đến độ không thèm thi Đại học. Hắn nói: "Con đường lập nghiệp không nhất thiết là cần phải đi qua chiếc ghế giảng đường!" Ấy thế mà cuối cùng dưới sức ép của bố mẹ hắn, cuối cùng hắn cũng phải nộp hồ sơ xét tuyển vào hệ cao đẳng của một trường gần nhà và đỗ thẳng. Hắn học từ đó và đam mê học hơn - chả hiểu sao nữa - giờ thì đang hoàn thiện nốt khóa liên thông ở đó.
- Ông về rồi đấy à? Tưởng ông bị gái Thái nó bắt mất hồn rồi chứ?
- He he! Tôi sắp mọc đuôi với lông lá đầy mình rồi đây. Phải về quê cắt bớt đi đấy.
- Ồ... tốt rồi. Mình có thằng bạn hú hú, khẹc khẹc... Mà sao về không báo trước cho tôi một tiếng, điện thoại đâu?
Đang cười rũ rượi vì hành động nhại khỉ của thằng bạn thì Dũng chợt nhớ ra chiếc điện thoại nhặt được.
- Hết đạn rồi. À! Tôi nhặt được một chiếc điện thoại, nó hết pin, không có sim. Chả biết là của ai nữa. Ông rành về mấy thứ đồ này xem nó xem có tìm được chủ nhân của nó không?
- Uầy. Bạn vừa mới về, đừng nói là bắt bạn làm ngay nhé.
- Ừ nhỉ? Ông đi rửa mặt đi. U chắc làm cơm sắp xong rồi đấy, đợi Linh đi làm về rồi chén thôi.
- U ở đàng sau hả? Tôi xuống đó với u đây. Ê... cái điện thoại cũng mới gớm nhỉ? Xem nào... Acer cơ đấy. Cũng chắc chắn đấy. Chắc lại giống mấy "em" hàng Q-mobile với F-mobile rồi. Mang vào sạc đê, chút tôi với ông đi tìm chủ nhân cho em nó.
Hic... thằng bạn này vẫn tính trẻ con như ngày xưa. Đặt Nhất Anh xuống chiếc xe đẩy, Dũng đi vào nhà tìm sạc cho chiếc điện thoại nhặt được, nhưng có lẽ là vô vọng vì chả có cái sạc nào chân lạ đời như cái điện thoại này, trông như cổng USB ấy. Cuối cùng Dũng đành tháo viên pin của nó ra để sạc qua cái sạc đa năng của Linh.
Bữa cơm tối diễn ra thật đầm ấm. U cứ cười mãi không ngừng. U bảo:
- Lâu lâu nhà lại được một bữa cơm đông đủ thế này, Nhất Anh nhìn hai bác cười toe toét kìa.
- Chắc nó cười Dũng thôi, con gặp liên tục mà - Vương cười cười.
- Nó cười cả hai bác đấy, em Linh sinh Nhất Anh được lâu rồi mà hai bác vẫn chưa í ới gì chuyện kiếm cho u hai nàng dâu cả.
- U lại thế rồi. Tụi con còn học mà - Dũng cự lại.
- Thôi. Hai anh xem tính nhanh lên chứ u là u nôn nóng lắm rồi đấy. Hai anh cũng 25 rồi mà - Cô Linh ngồi bế Nhất Anh cũng lên tiếng hùa theo u.
Bữa cơm gia đình sao mà thân mật đến thế. Phải chi Dũng cũng học ở gần như Vương thì suốt ngày về quê để được ăn những bữa cơm như thế này.
- Ông về bao giờ thì lại đi?
- Ngày kia ông ạ - Tôi về lấy gạo và tiền đóng học.
- Ờ. Xa quê con nhớ mẹ hiền - Về lấy được tiền con lại xa quê.
- Ông lại trêu tôi nữa. Ông về liên tục thế thì sao?
- Ờ thì tôi đâu có xa quê đến nỗi mọc đuôi như ông đâu.
...
Bữa cơm ấm cúng cuối cùng cũng kết thúc. Mọi người nói chuyện rôm rả cho tới tận khuya khi chuẩn bị đi ngủ thì Dũng mới nhớ ra cái điện thoại nhặt được. Đi lấy quả pin lắp vào, Dũng bật lên...
- Điện thoại quái gì mà bật lâu thế. Ông xem giúp tôi cái.
- Xem nào. A! Chiếc điện thoại này chạy Android đấy. Chạm vào cái chú robot màu xanh này là cài đặt. Quái nhỉ, cũ thế này thì sao lại phải cài đặt ban đầu nhỉ? Thôi xong. Nó chết toi cái màn hình cảm ứng rồi. Ông nhặt được ở đâu vậy?
- Trên chuyến tàu từ Thái Nguyên về Hà Nội. Ở trên gác hành lý, tôi kéo cái ba lô xuống thì nó cũng rơi xuống.
- Ừ. Có khi người ta vứt đi cũng nên, không sim, chết màn hình cảm ứng.
- Biết đâu, nó chạy cái gì ấy nhỉ?
- Là hệ điều hành Android!
- Ừ. Nó chạy hệ điều hành thế, chắc người ta không vứt đi đâu. Ông xem nó có thể mở được danh bạ ra không? Xem qua xem biết đâu lại tìm được chủ nhân của nó.
- Ông quan trọng vấn đề tìm chủ nhân của nó nhỉ?
- Hì.
- Ồ... truy cập được vào danh bạ này. Nhưng trống trơn. Chả móc được thông tin gì cả.
- Chán nhỉ? Cứ ở mãi cái màn hình xanh xanh này thôi à.
- Để xem nào, tôi thử gắn sim 3G vào xem nào. Nó cho truy cập vào danh bạ thế này. Biết đâu có thể lấy được thứ gì nữa thì sao.
Vương lấy chiếc sim 3G ra lắp vào chiếc điện thoại.
- A. Nó nhận kết nối mạng luôn này. Tốt rồi. Tốt rồi. Ha ha...
- Sao mà tốt vậy? Mở được à? - Dũng hiếu kỳ.
- Ừ. Mình có thể lợi dụng lỗ hổng chia sẻ danh bạ của nó để bật Market Place lên rồi cài GoTiengViet cho nó và thông qua đó bật Settings lên, khởi động chế độ Android Debug. Từ đó thì có thể dùng máy tính mở được chiếc điện thoại này lên.
- Ông giỏi nhỉ?
- Ông lôi cái máy tính của tôi ra bật lên cho tôi cái.
Trong lúc Dũng bật máy tính lên thì Vương cũng hoàn thành quá trình hack vào chiếc điện thoại để bật ADB (theo như lời Vương nói) lên. Công nhận thằng bạn này giỏi thật. Đấy, qua vài lần thao tác trên máy tính nữa, đã thấy Vương nở nụ cười khoái chí, nụ cười của người thắng cuộc trên khuôn mặt. Trông Vương gian xảo đến kỳ cục.
- May cho ông là có một thằng bạn siêu như tôi đấy nhé. Và còn may hơn nữa là tôi vừa chấn được của thằng bạn cái cáp USB của con Galaxy Y không thì cũng không xong được. Đây, đã vào được Launcher mặc định của em nó.
- Ông siêu thật. Có lấy được thông tin gì có thể liên hệ với chủ của chiếc điện thoại này không?
- Nó bị đưa về tình trạng xuất xưởng, chả còn thông tin gì đáng giá đâu. À! Còn thông tin trong thẻ nhớ, thử tìm xem có gì không?
Vương lại nhanh tay thao tác với chiếc điện thoại. Công nhận một điều là hắn giỏi thật đấy. Cái điện thoại này có lẽ bị chết màn hình cảm ứng nên chủ nhân của nó không sử dụng được và vứt đi cũng lên, thế mà hắn hí hoáy một hồi cũng mở được lên và lại còn thao tác như là đã dùng lâu lắm rồi nữa.
- Có ảnh chụp này. Ồ. Là ảnh con gái, hì hì... xinh ra phết.
- Mỗi thế thôi à?
- Ừ. Nhưng ông an tâm. Ảnh chụp bằng chiếc điện thoại này thường có thông tin GPS ở đó, ta có thể biết chính xác vị trí của bức ảnh được chụp.
- Thế à?
- He he... Em ý chụp khá nhiều bức về gia đình, nhưng toàn trong nhà thế này, khó mà tag được thông tin GPS vào lắm. Đây rồi, một tấm có. Xem nào... là trường THPT Tân Yên, Yên Bái. Ồ... làm thế nào mà nó lưu lạc xuống tận đây nhỉ? Có khi nào...
- Có khi nào là sao?
- Có khi nào em ấy bị bắt cóc rồi để lại chiếc điện thoại này cho chúng ta lần theo không?
- Ông có trí tưởng tượng phong phú nhỉ? Chỉ biết được là của một cô gái học Trung học ở Tân Yên, Yên Bái thôi à? Còn gì nữa không?
- Hề! Giờ là lúc nhờ đến sức mạnh của Google. Đưa một bức ảnh có mặt em ý lên xem Google có tìm được em ý không đã.
Vừa nói vừa làm, Vương sử dụng phần mềm cắt xén những chi tiết thừa của bức ảnh cô gái đó và đưa lên Google. 1 giây 27, có kết quả luôn.
- Đây rồi. Chính là em nó. Hình ảnh được phát hiện trên Zing Me. Ồ... cái tên xì-tin gớm: Mây Trời. Ha ha... hợp với cái tên Gió Biển của ông ghê ha?
- Ông giỏi thật đấy. Xem có thông tin gì liên lạc được không?
- Trời ạ. Vào tới đây rồi thì chỉ việc kết bạn rồi nhắn tin hay viết lên tường nhà em một câu thông báo là xong thôi. Trạng thái em mới cập nhật là sáng nay, nhưng chẳng nói gì tới việc mất điện thoại. Có lẽ không phải em ý rồi.
- Nhưng đây là đầu mối duy nhất mà.
- Đâu có đâu. Còn email, số điện thoại nữa đây này.
- Số điện thoại? Gọi thử xem nào.
- Ông gọi đi, số đây: 0969.213.***.
- Số đẹp nhỉ?
"Từ lúc anh đi vội vàng, em giật mình, em hoang mang,..." giai điệu nhạc chờ của bài "Quên cách yêu" vang lên. Không ai nhấc máy. Có lẽ cũng khuya rồi lên cô gái đó đi ngủ rồi chăng?
- Đi ngủ rồi hay sao ấy. Không nhấc máy! - Dũng buông tiếng thất vọng.
- Ừ. Đến đây là có hy vọng rồi. Đi ngủ thôi, cũng khuya rồi đấy.
Một ngày mệt mỏi với hành trình dài và làm thám tử bất đắc dĩ đã khiến Dũng và Vương không cưỡng lại được cơn buồn ngủ đang ập đến.
Sáng hôm sau...
Reng reng reng... chuông điện thoại rung lên liên hồi.
- Oài... được ngày nghỉ? Ông để chuông báo thức làm gì? Ngủ nướng đê!
- Đâu phải... tôi nhớ tối qua tôi có đặt chuông đâu. Ơ... là cuộc gọi đến. A lô! Tôi Hoàng Công Dũng xin nghe - Dũng mắt nhắm, mắt mở, giọng vẫn còn ngái ngủ với chiếc điện thoại rồi trả lời mà chẳng xem là ai gọi luôn.
- Chào bạn! Tối qua bạn gọi cho mình có chuyện gì thế.
- Ớ... - Dũng bật dậy, tỉnh hẳn cả cơn ngái ngủ - À! Xin lỗi bạn, tối qua mình gọi điện hỏi xem có phải bạn là chủ nhân của chiếc điện thoại Acer mà mình nhặt được trên tàu không thôi.
- Ôi. Anh nhặt được chiếc điện thoại đó ạ? Sao anh lại tìm được em? Em nhớ là em đã xóa mọi thông tin về em ở trên đó rồi mà!
- Mình không tìm được bạn, là một người bạn của mình dựa vào thông tin của mấy bức ảnh bạn chụp mà tìm ra bạn đấy.
- Vậy ạ? Bạn của anh thật là giỏi. Anh tên gì nhỉ?
- Mình tên Dũng, ở Hưng Yên. Bạn tên Vân Anh ở Tân Yên, Yên Bái phải không?
- Dạ phải.
- Mình có thể gửi chiếc điện thoại này về cho bạn theo địa chỉ đó được không?
- Em không ở quê giờ này, với lại anh không cần phải trả em đâu. Anh giữ lấy mà dùng. À, xóa giúp em cái thẻ nhớ đi nhé. Mà bọn anh giỏi thật, em đập nó hỏng cả cảm ứng rồi mà bọn anh vẫn mở ra được.
- Ừ. Bạn không lấy lại nó? Vì sao thế?
- Thật ra... chiếc điện thoại đó là của người yêu cũ em tặng em. Chúng em yêu nhau từ hồi cấp III, giờ lên Đại học rồi người ấy có người con gái khác. Em không muốn níu giữ nó nữa nên trong lần bắt tàu xuống Hà Nội em đã cố tình để nó ở lại tàu. Cũng được 2 tháng rồi ạ. Anh nhặt được nó khi nào?
- Chiều qua, trên chuyến tàu mình bắt từ Thái Nguyên về ga Hà Nội. Bạn không định nhận lại nó chứ?
- Dạ không. Anh chứ giữ lấy mà dùng. Em chào anh!
Tút tút... hai tiếng báo đầu dây bên kia đã tắt máy vang lên. Dũng cảm giác như mình vừa đánh rơi thứ gì đó, một cảm giác thật lạ.
- Liên lạc được với em nó rồi à? Sao nói chuyện lạ thế? - Tiếng Vương hỏi làm Dũng bất ngờ, giật mình ngoảnh lại, Dũng đáp một câu ơ hờ:
- Ừ. Họ không nhận lại cái điện thoại đâu. Ông là dân Công nghệ, giữ lấy mà dùng.
- Kỳ quặc, sao mà không nhận lại?
- Ông hỏi nhiều thế nhỉ? Cứ dùng đi.
- Ô hay! Tự nhiên cáu gắt với tôi, chửa sáng ra... đấm cho một trận bây giờ.
Câu chuyện (có thật) xảy ra giữa đôi bạn thân Dũng, Vương và một cô gái kỳ lạ với cái tên Vân Anh. Đây là kỷ niệm không thể nào quên về chiếc điện thoại đầu tiên mà cậu được tặng. Giờ đây, cậu là chủ sở hữu của chiếc điện thoại không sim bị để lại trên tàu. Cậu cũng dùng chính nó để viết lên câu chuyện này - chiếc Acer E210. Còn về cậu bạn tên Dũng và cô gái kỳ lạ tên Vân Anh kia... giờ đây họ đã là một đôi rất đẹp, họ nên duyên cũng nhờ chiếc điện thoại không sim.
Câu chuyện dài 3691 từ, được kết thúc vào lúc 10:23:16 ngày 20/11/2012, viết bằng IONotepad trên Acer E210.
Nguyễn Tuệ Vương