Khi phá nền của một nhà thờ tại Obisovce, Kosice, để tu sửa, các công nhân phát hiện vết tích của một nhà thờ cổ xưa hơn. Nhà thờ cổ được xây dựng từ thời Phục Hưng, bị phá dỡ giữa thế kỷ 19 và thay bằng công trình ngày nay. Tháng 2/2020, công ty khảo cổ Triglav bắt đầu nghiên cứu nơi này. Họ tìm thấy một chiếc cốc gốm đựng đầy tiền xu, bên trên đậy một miếng đá nhỏ.
Chiếc cốc nằm dưới nền nhà thờ cũ, gần lối vào ở phía tây. Có tổng cộng hơn 500 đồng tiền, loại bằng bạc được bọc riêng trong vải lanh. Các nhà khảo cổ xác định những đồng cổ xưa nhất tồn tại từ năm 1702. Họ cũng nhận thấy nhiều đồng được đúc tại Smolnik và Banska Stiavnica, nghĩa là người theo đạo có thể đã lặn lội từ những nơi đó tới nhà thờ cũ rồi để chúng lại làm quà tặng. Ngoài ra, trong cốc còn có một số đồng xu Ba Lan.
Theo các ghi chép lịch sử, trong những năm 1680, khu vực quanh nhà thờ cũ trở nên hỗn loạn với cuộc nổi dậy Thokoly. Sau khi cuộc nổi dậy kết thúc, khoảng giữa năm 1685-1687, một thầy tu mới được cử đến nhà thờ. Ông là người Ba Lan và bị mù.
Những năm đầu thế kỷ 18, một cuộc nổi dậy khác nổ ra. Thầy tu phải trở về Ba Lan. Có thể ông đã chôn chiếc cốc đựng tiền xu trong thời gian này, sau đó không thể quay lại lấy. Ông cũng không để lại lời nhắn cho ai khác và chiếc cốc bị bỏ quên suốt hàng trăm năm.
Thu Thảo (Theo Archaeology News Network)